Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Vùng ven, ngoại thành

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Lãng phí từ những cây cầu

Cầu bắc qua rạch Dừa quanh năm chỉ vài người đi cắt cỏ lui tới

Thời gian qua, trên những cánh đồng… hoang ở các quận vùng ven và huyện ngoại thành xuất hiện rất nhiều cây cầu mới. Không ít ý kiến cho rằng những công trình này được xây lên để làm “kiểng” vì trên thực tế mỗi năm chỉ xuất hiện vài bóng người lui tới…
Cầu làm “kiểng”
Nối liền xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn với phường Thới An, quận 12 là cây cầu không tên bắc qua rạch Dừa. “Còn nhớ hơn 5 năm trước, khi cầu xây xong cũng là lúc người dân chia tay với đồng ruộng nên không ai nhớ đến công trình này. Từ đó, ngày ngày cầu nằm trơ trọi trên cánh đồng, thỉnh thoảng mới có vài ba người đi cắt cỏ “ghé thăm”. Mà một cây câu vững chắc nếu chỉ để phục vụ cho người ta đi cắt cỏ thì lãng phí quá!”, anh Trần Văn Quang, ấp 5, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn lắc đầu ngao ngán.
Ở Củ Chi, tình trạng cầu xây ra làm “kiểng” cũng xuất hiện nhan nhản. Nhiều cây cầu xây xong chỉ biết nằm yên ngửa mặt nhìn trời; có cầu khá hơn thì mỗi năm thống kê được vài chục lượt người đi cắt cỏ ngang qua! Tiền triệu, tiền tỷ đổ vào xây cầu phải chăng chỉ để “làm đẹp” cho những cánh đồng mà người dân đã thôi mặn mà tới lui? Điển hình cho sự đầu tư lãng phí này là cầu Đồng Mây, nối liền hai xã Tân Thạnh Tây và Tân Phú Trung. Tuy đã được xây dựng từ nhiều năm nay nhưng công trình này vẫn nằm chỏng chơ giữa cánh đồng vì hai con đường dẫn vào cầu hiện giờ chưa thấy đâu. Anh Đặng Văn Văn, xã Tân Phú Trung, hóm hỉnh nói: “Cầu xây để làm “kiểng” thì ở Củ Chi nhiều lắm. Chẳng những xã này mà nhiều xã khác cũng không thiếu. Theo tôi được biết, trên các cánh đồng như Tân Thạnh Đông, Phú Hòa Đông, Bình Mỹ… hiện nay có ít nhất đến 7 cây cầu nằm trong diện “làm kiểng””.
Không riêng gì Hóc Môn, Củ Chi, ở Cần Giờ cũng có cầu Bà Tỏ được xây xong từ nhiều năm nay nhưng vẫn để đó… ngắm chơi. Hay như tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, một vài cây cầu “treo” khiến người dân xót của khôn nguôi.
Cầu có như không
Ông N.L.H, khu phố 4, phường Thạnh Xuân, quận 12 bức xúc: “Trong xóm tôi có cây cầu Sẻo Sậy được xây dựng từ 6 năm nay. Cầu đã xong nhưng đường thì chưa có. Từ lúc hoàn thành công trình đến giờ đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn giao thông. Càng ngày cầu càng vắng người, họa hoằn lắm người ta mới dám đi ngang qua vì sợ chuyện không may. Bà con trong xóm còn bảo nhau cầu Sẻo Sậy có “cô hồn” ám nên cấm trẻ em qua lại nơi đây một mình”. Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, cây cầu luôn trong trạng thái bị “bỏ rơi” vì đường dẫn vào gấp khúc đầy ổ trâu, ổ voi, cỏ mọc phủ kín cả mố cầu nên nếu ai đi lần đầu chắc hẳn sẽ “sập bẫy”.
Men theo con đường đất đỏ “nắng bụi mưa lầy”, chúng tôi đến cầu Chín Gọng, quận 12. Xem ra tình hình của cây cầu này còn thê thảm hơn nhiều cây cầu khác. Năm 1980, cầu già cỗi “rụng răng”, người dân trong xóm thấy vậy mới lấy hai cây dừa bắc tạm qua đây để đi. Nhưng vì quá nguy hiểm nên việc lưu thông qua cây cầu này ngày một thưa dần. Và giờ đây, nó chỉ “đủ sức” để giải quyết cho nhu cầu đi bộ của người dân.
Cách đó không xa là một cây cầu không tên nằm nép mình trong lùm cây. Khi được hỏi về cây cầu này, chị Nguyễn Thị Vân, khu phố 2, phường Thanh Xuân, lắc đầu: “Cầu này từ lúc xây đến giờ rất ít bóng người lui tới. Cây cối mọc um tùm, rắn rết, chuột… hội tụ về ở khiến ai cũng ái ngại”. Quả thật, đứng từ xa trông vào, ít ai nghĩ rằng đó là cầu bởi chỉ thấy một lùm cây bao phủ dày đặc.
Trước thực trạng đáng buồn trên, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần cân nhắc trước khi tiến hành xây dựng bất cứ cây cầu nào chứ không thể tùy tiện như hiện nay. Bởi cầu xây xong mà đường không có, hoặc xây xong chỉ để làm “kiểng” thì thật lãng phí.
Bài, ảnh: Huỳnh Sang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)