Chị Lê Thị Thanh Huyền bên vườn lan
Chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền, ngụ tại ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, tâm sự: “Gia đình tôi vốn gắn bó lâu đời với nghề buôn bán vật liệu xây dựng, nhưng cơ duyên đến với nghề trồng hoa lan từ năm 2007. Thông qua phương tiện truyền thông và giới thiệu của ngành nông nghiệp huyện Củ Chi, tôi được biết về hoa lan. Vì yêu hoa nên mỗi ngày, cả khi đang buôn bán vật liệu xây dựng, tôi lúc nào cũng không quên ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó sẽ được sở hữu vườn lan. Rồi cơ hội cũng đến, khởi nghiệp ban đầu tôi trồng thí điểm 4.000 gốc lan Mokara. Khi mới trồng tôi cũng bỡ ngỡ lắm vì đây là giống lan nhập khẩu nên tài liệu về cây lan này rất ít. Thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên bước đầu trồng, cây thường phát sinh bệnh và chết. Không từ bỏ niềm đam mê, tôi tiếp tục tìm tòi học hỏi, đồng thời cũng biết thành phố đã có định hướng phát triển đối với cây hoa lan. Được sự hỗ trợ của các ngành, tôi tiếp tục đầu tư để lấy thêm kinh nghiệm và nay đã căn bản nắm được cách trồng và điều trị bệnh cho hoa lan”.
Tưởng đơn giản, nhưng để có kinh nghiệm và trị được các loại sâu bệnh trên hoa lan, chị Huyền phải mất 4 năm mới yên tâm đầu tư vào nghiệp trồng lan. Từ 1ha ban đầu, năm 2012, chị chuyển đổi 4ha trồng cao su sang trồng lan. Cộng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Sở NN-PTNT TPHCM, chị mạnh dạn đầu tư trang trại hoa lan 5ha, có tên gọi rất lãng mạn: “Vườn lan Huyền Thoại”.
Với diện tích 5ha, chị Huyền đầu tư 300 luống và hệ thống tưới phun tự động với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Các giống lan chị trồng gồm 140.000 gốc lan Mokara; trong đó có 15 loại giống đỏ renred, đỏ redsun, đỏ lá quặt, đỏ mô đăng, vàng lê na, vàng chanh, vàng mai, vàng chao sunset, vàng nến, vàng đồng, tím kenyku, bò cạp vàng, bò cạp đỏ, bò cạp phượng vĩ và 10.000 gốc lan Denrobium, trong đó có Denro tím, Denro trắng. Denro nắng các loại… Theo tính toán của chị Huyền, khi đi vào thu hoạch, bình quân mỗi năm gia đình chị thu về khoảng 2 tỷ đồng từ tiền bán hoa lan.
Mô hình trang trại của chị Huyền đã trở thành điểm thực nghiệm cho bà con nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa lan. Chị sẵn sàng hỗ trợ các hộ dân về kỹ thuật, giống và kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc hoa lan và thu mua; hợp tác với những vườn lan có quy mô nhỏ để tạo thành vùng chuyên sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm lan với quy mô lớn.
Qua trò chuyện với chị Huyền, chúng tôi được biết chị đang xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đó là đầu tư hệ thống cấy mô để làm chủ khâu sản xuất giống, giúp giảm được chi phí cây giống, đồng thời cung cấp giống cho các hộ dân trồng lan. Bên cạnh đó, chị cũng đang phát triển vườn lan theo hướng kết hợp du lịch, vừa giúp cho người tham quan có điểm dừng chân thú vị vừa quảng bá sản phẩm nhà vườn, cũng như quảng bá hình ảnh nông nghiệp đô thị của thành phố.
Với những đóng góp của mình, vườn lan của gia đình chị Huyền đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TPHCM tặng bằng khen về thành tích đóng góp xuất sắc vào sự phát triển nông nghiệp đô thị, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đặng Kiệt (SGGP)
Bình luận (0)