Vợ chồng ông bà Phan Văn Lý và Trần Thị Phước |
Dù phải trải qua những ngày tháng hết sức khó khăn nhưng vợ chồng ông Phan Văn Lý (SN 1942) và bà Trần Thị Phước (SN 1945) ấp Mỹ Lợi, xã Nhị Mỹ (Cai Lậy – Tiền Giang) vẫn quyết tâm không để 4 đứa con của mình thất học. Chính sự gương mẫu trong cuộc sống đã giúp cho con cái của họ thành đạt như ngày hôm nay.
Làm thuê để con được học
Sau ngày giải phóng, tình hình kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, hai vợ chồng bà Phước làm quần quật từ sáng tới chiều nhưng phải tiết kiệm lắm mới đủ cho 4 đứa con ăn học. Sau đó hai vợ chồng chấp nhận đi làm thuê nuôi con chứ không để chúng thất học.
Từ đó, ông Lý đi làm thuê cho nhà máy sấy cám ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Được hơn một năm, công ty này giải thể, ông xin đi làm ở nhà máy lau bóng gạo tại Khu chế xuất Tân Thuận. Đúng là cái số trâu bạc đi đến đâu cũng mất mùa nên ông làm chỉ được 6 tháng thì doanh nghiệp giải thể. Một người bạn thấy vậy rủ ông qua Sóc Trăng phụ mua bán tràm…
Bà Phước ở nhà vừa nuôi dạy con, vừa làm ruộng nhà vừa cắt lúa mướn. Vào những ngày hè, bà rong ruổi khắp nơi với gánh sương sa, hột lựu trên vai cùng giọng rao mệt nhọc “Ai ăn sương sa, hột lựu không?”.
Giọng rao yếu ớt của bà cùng dáng vẻ gầy yếu của ông đã động lòng những người con thêm thương yêu cha mẹ. Anh Luân (người con lớn) nhớ lại: “Thấy cha mẹ quá cực khổ, nhiều khi anh em tôi đòi bỏ học để phụ giúp gia đình. Những lần như vậy, cha mẹ thường khuyên nhủ, động viên anh em tôi cố gắng học tập”.
Những năm tháng khó khăn ấy, các con của ông bà vừa cố gắng học hành vừa phụ giúp cha mẹ chăm sóc ruộng vườn, nhổ cỏ mướn…
Rau cháo qua ngày, rồi lần lượt từng đứa con của ông bà đều thi đậu vào các trường đại học. Cũng từ đó, tháng tháng ông Lý lại đem gạo, con khô cá sặc, tép đồng phơi khô, trái mướp, trái bầu, trái ớt, củ khoai… lên TP.HCM cho con.
Qua cơn bĩ cực
Vợ chồng ông Lý không bao giờ quên cái ngày được mời dự lễ phát bằng tốt nghiệp đại học của đứa con trai lớn Phan Minh Luân vào năm 2000. Những giọt nước mắt sung sướng của ông bà cứ tuôn trào khi thấy con mình tươi cười nhận tấm bằng kỹ sư điện công nghiệp. Thấu hiểu nỗi lòng cha mẹ, ba người con còn lại đều nỗ lực học tập, không đua đòi theo các bạn. Đứa lớn ra trường đi làm để nuôi đứa kế tiếp và cứ như thế cho đến khi đứa con gái út là Phan Thị Minh Diễm ra trường và có việc làm.
Hiện nay người con lớn của ông bà là Phan Minh Luân đang công tác tại quận 7, TP.HCM. Đứa thứ hai Phan Minh Phương là kỹ sư cơ khí động lực làm cho một công ty liên doanh nước ngoài tại Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Đứa thứ ba Phan Minh Thạnh cũng là kỹ sư cơ khí động lực đang làm việc tại quận 10, TP.HCM. Còn cô con gái út đang giảng dạy tại Trường Đại học Tiền Giang. Đây là lúc những đứa con của ông bà báo hiếu cha mẹ.
Căn nhà lá nhỏ ngày xưa bây giờ được thay bằng ngôi nhà mái ngói khang trang với đầy đủ những tiện nghi. Nhưng trên hết là gia đình ông bà luôn hòa thuận và tràn đầy tình yêu thương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý cho biết: “Quan niệm của vợ chồng tôi là cho con tiền bạc hay của cải, chỉ cần một ngọn lửa là thiêu trụi. Nhưng để cái chữ lại cho con làm vốn liếng là vô giá, nên chúng tôi chấp nhận hy sinh cho con ăn học. Bây giờ mấy đứa cháu nội cuối năm có giấy khen học sinh giỏi, tôi đều thưởng những phần quà đặc biệt”.
Hiện nay ông bà Lý cùng các con thường tham gia ủng hộ cho công tác khuyến học ở địa phương, đóng góp để giúp đỡ cho những em học sinh nghèo, học giỏi. Tấm gương sáng từ gia đình ông bà luôn được mọi người ở địa phương ngưỡng mộ và hướng đến.
LÊ QUANG HUY
Bình luận (0)