Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vươn lên từ nghịch cảnh

Tạp Chí Giáo Dục

Từ trái qua phải: Trần Thị Kim Liên (cựu HS) và Giang Nguyễn Thúy Hằng (lớp 12A1), Lê Thị Huỳnh Như (lớp 10A1) giao lưu tại chương trình
Cùng chung một “mẫu số” nghèo về hoàn cảnh, sống trong những ngôi nhà không trọn vẹn tình thương của ba và mẹ…, nhưng chính hoàn cảnh ngặt nghèo đó đã nở rộ những bông hoa về nghị lực vượt khó và khát vọng vươn lên để hướng tới một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp.
Đó là những nét phác thảo về 20 gương học sinh (HS) trong chương trình giao lưu và trao học bổng “Gương sáng học đường” do Sở GD-ĐT TP.HCM và Hội Khuyến học thành phố thực hiện tại Trường THPT Quang Trung. Tại buổi giao lưu, hơn 1.000 HS đã có những phút lặng mình, rơi nước mắt khi được nghe, được biết những câu chuyện cảm động về sự vươn lên của nhiều bạn HS ngay chính ngôi trường mình.
Đất cằn sinh quả ngọt
Trong số những HS được chọn để trao học bổng, mọi người rất ấn tượng với em Nguyễn Huỳnh Phương Trinh – HS lớp 11A1. Nhắc đến Trinh, thầy cô và HS Trường THPT Quang Trung sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh cô học trò nhỏ nhắn, ốm yếu nhưng lại có ý chí vươn lên không mệt mỏi. Sinh ra với dị tật ở tay trái, mọi hoạt động của Trinh được dồn hết cho bàn tay còn lại. Không chỉ thế, tạo hóa còn thiếu công bằng khi để em thiếu mất một quả thận bên trái. 3 tháng 1 lần, em lại phải cùng ba mẹ vào bệnh viện khám định kỳ để kiểm tra tình hình sức khỏe. Nhà Trinh nghèo lắm! Tiền thuốc thang và mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào những bó rau muống ba mẹ em bán ngoài chợ. Có những ngày cả nhà chỉ biết thở dài nhìn những bó rau úa màu do bán ế ẩm. Nhưng dù khó khăn đến đâu, ba mẹ em vẫn cố gắng cho con được tới trường. Hiểu được nỗi vất vả đó, Trinh đã không ngừng cố gắng để khẳng định mình trong học tập. 10 năm liền em là HS giỏi, đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ và HS giỏi cấp huyện môn hóa năm lớp 9. Đó chính là quả ngọt em dành tặng cho ba mẹ đã quan tâm và chăm sóc mình…
Do mới học lớp 10 nên hầu hết HS trong trường chỉ biết Lê Thị Huỳnh Như (HS lớp 10A1) là thủ khoa đầu vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với bảng thành tích học tập dày cộm những tờ giấy khen. Đằng sau sự cố gắng đó là những đêm thức khuya học bài vì ban ngày còn bận đan giỏ kiếm thêm tiền mua sách vở, đóng học phí. Nhà có ba chị em thì cả ba đang tuổi ăn, tuổi học, mọi chi phí đều dựa vào đồng tiền lời bán vé số của mẹ. Ba em trước vốn là lao động chính trong nhà nhưng căn bệnh tuổi già đã khiến ông không thể tiếp tục với những công việc tay chân nặng nhọc. Cảnh nhà thiếu thốn, cơm bữa no, bữa đói nhưng đó lại chính là động lực để em tiếp tục bước đi trên con đường học tập, nắm vững kiến thức để nuôi dưỡng ước mơ trở thành một bác sĩ.
Vẫn học tốt dù khuyết yêu thương
Trong buổi giao lưu trao học bổng, các em HS không khỏi chạnh lòng khi biết đến những tấm gương tuy thiếu vắng tình yêu thương của ba mẹ nhưng vẫn nỗ lực không ngừng trong học tập và rèn luyện. Phan Thị Hơn (HS lớp 12A1) là một điển hình trong số đó. Ba mẹ ly hôn và sớm có cuộc sống riêng của mình, em và chị gái nương nhờ ông bà nội đã hơn 85 tuổi và người cô bị dị tật câm điếc. Nhưng nội cũng đã già, số tiền ít ỏi từ nguồn hỗ trợ gia đình có công với cách mạng và hội người cao tuổi cũng chỉ đủ thuốc thang cho hai thân già như ngọn đèn trước gió. Mọi thu nhập trong gia đình đều phải trông chờ vào tiệm cắt tóc và may gia công tại nhà của người chị gái hơn em 2 tuổi. Sáng, Hơn tung tăng trong bộ đồng phục nữ sinh tới trường. Trưa, rời lớp học, em lại là cô sửa quần áo và làm tóc chính hiệu. Ngày cuối tuần, Hơn làm không hết việc vì cửa hàng đông khách. Những ngày ấy, dù không có thời gian để học bài nhưng em vẫn vui vì có thêm thu nhập. Em phải tranh thủ học bài, làm bài vào giờ ra chơi hoặc những lúc rảnh rỗi để công việc học hành không bị bỏ bê. Dù vất vả, nhưng mơ ước được trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng đã là động lực giúp em phấn đấu trở thành HS giỏi trong nhiều năm liền. Hay như em Lê Minh Tú, ba mất từ lúc 9 tuổi, mẹ một mình gồng gánh nuôi ba đứa con ăn học nhưng em vẫn không thôi ước mơ trở thành một chiến sĩ công an góp phần gìn giữ bình yên cho xã hội. Những ước mơ ấy vẫn cháy bỏng trong trái tim của các cô cậu học trò nghèo, tạo thành động lực để các em tiếp bước trên chặng đường gập ghềnh phía trước.
Thầy Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, cho biết đa số HS ở đây là con em nông dân, công nhân hoặc lao động nghèo. Mỗi năm, trường có hơn 150 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được quan tâm giúp đỡ thì mới có thể tiếp tục được đến trường. “Tất cả những em được trao học bổng và tuyên dương đều có hoàn cảnh đáng thương. Nhưng đáng quý hơn cả là ý chí vượt khó, tinh thần hiếu học, khát vọng vươn lên và ý thức sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội của chính các em”, thầy Cải chia sẻ.
Bài, ảnh: Linh Vy
Trong năm học này, chương trình “Gương sáng học đường” do Sở GD-ĐT TP.HCM và Hội Khuyến học thành phố tổ chức sẽ được triển khai tại 5 trường THPT gồm: Quang Trung, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Công Trứ, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hữu Tiến và sau đó nhân rộng ra toàn thành phố.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)