Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vươn mình trong… thử thách

Tạp Chí Giáo Dục

“Đt nưc bn ngàn năm/ Vt v và gian lao/ Đt nưc như vì sao/ C đi lên phía trưc…” (Mùa xuân nho nh – Thanh Hi), đt nưc Vit Nam đã bao năm luôn vươn lên trong gian khó đ đt đưc biết bao thành tu đp đ hôm nay và ngưi dân Vit đã có đưc mt k năng vươn mình trong th thách như mt truyn thng ca dân tc. K năng vươn mình y có th nhn thy rõ rt nhng ngưi thy.

Từng giáo viên vươn mình trong thử thách để đem công sức nhỏ bé của mình đóng góp cho giáo dục. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Trong dòng chảy cuồn cuộn của chuyển đổi số, của trí tuệ nhân tạo…, như tất cả các ngành nghề trong xã hội, ngành giáo dục cũng đã và đang chuyển mình trong muôn vàn khó khăn, thử thách.

Những năm trước đây, chỉ với bài giảng điện tử (PowerPoint), các thầy cô có thể tự tin trên bục giảng bởi sự mới lạ, hấp dẫn, thu hút học sinh. Các em chăm chú nhìn màn hình với những hình ảnh, đoạn phim sống động; tập trung lắng nghe từng tiếng nói, lời ca… Học sinh say sưa vì nó mới lạ, khác hoàn toàn với bài giảng chỉ có bảng đen, phấn trắng, tranh ảnh treo cố định. Thầy cô hứng thú giảng dạy với bài giảng điện tử vì sự háo hức của học sinh, vì sự tự hào về hiểu biết của mình có thể tạo ra được bài giảng điện tử như mong muốn. Thì giờ đây, giáo án điện tử đã không còn làm cho học sinh “mê mẩn” nữa bởi nó đã quá quen thuộc với các em, và lứa học sinh ngày nay đã được tiếp cận quá nhiều với công nghệ hiện đại. Những gì diễn ra trên bài giảng điện tử không đủ sức lôi cuốn so với những gì học sinh đã xem, đã biết từ máy tính, từ chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet. Chính vì thế, thầy cô phải không ngừng học hỏi ứng dụng công nghệ, tin học, AI để tạo nên nhiều hoạt động, nhiều hình thức hấp dẫn, lôi cuốn học sinh hơn trong mỗi tiết dạy của mình. Chẳng những thế, thầy cô còn phải học soạn bài giảng tương tác trên lớp học số, làm học bạ số, làm sổ liên lạc điện tử… Mặc dù phải dạy 2 buổi sáng – chiều với chương trình mới, sách giáo khoa mới và nhiều hoạt động phong trào liên tục diễn ra trong nhà trường, trong ngành và ở địa phương nhưng với tinh thần ham học hỏi, muốn hiểu biết, muốn vươn lên trong nghiệp vụ, các giáo viên đã không quản ngại khó khăn, miệt mài tìm hiểu, học tập. Những buổi tập huấn về thiết kế bài giảng tương tác, các phần mềm hỗ trợ việc dạy học… được tổ chức trong nhà trường đều diễn ra sau giờ dạy học. Thế nhưng, các thầy cô vẫn chăm chú lắng nghe, nêu thắc mắc, rồi về nhà lại tập làm vào buổi tối, vào các ngày cuối tuần. Các sản phẩm làm ra chưa được như ý, thầy cô lại điện thoại, nhắn tin học hỏi lẫn nhau. Tôi đã có lần hết sức xúc động khi nhìn thấy cô giáo với mái tóc hoa râm đem máy tính cá nhân vào trường vào ngày thứ bảy để nhờ một cô giáo trẻ hướng dẫn lại cách làm học bạ số, vì dù được tập huấn rồi nhưng khi về nhà cô vẫn không làm được. Người giỏi hướng dẫn người yếu, người nhanh hỗ trợ người chậm để cùng nhau tiến bộ. Tinh thần đồng nghiệp được thể hiện một cách rõ nét nhất, chân tình nhất. Ngành giáo dục vươn lên mạnh mẽ thì từng trường học phải nỗ lực vươn lên, mỗi trường muốn vươn lên thì từng giáo viên phải vượt lên chính mình. Nỗ lực từng giờ, từng ngày để vượt qua mọi thử thách, người thầy đã từng bước chuyển mình để đáp ứng được yêu cầu của ngành nghề, của xã hội trong giai đoạn hiện tại. Có nhìn thấy những đổi thay từng ngày trong việc giảng dạy của các giáo viên, mọi người mới thấy rõ được lòng yêu nghề, thấy được sự phấn đấu không ngừng nghỉ của thầy cô trong sự ngiệp “trồng người” đầy gian khó trong giai đoạn này.

Tiết dạy giờ đây đã được ứng dụng nhiều phần mềm công nghệ hơn. Nó vừa thu hút sự chú ý trong học tập của học sinh, vừa chứng tỏ “trình” của người thầy trong việc được đánh giá về công nghệ, về chuyển đổi số trong giảng dạy. Một tiết dạy với cách tổ chức dạy học mới, với các phương pháp dạy học tiên tiến, với ứng dụng công nghệ AI hiện đại… vẫn chưa chắc có được hiệu quả trong giáo dục như mong muốn. Tôi đã dự nhiều tiết dạy của các giáo viên giỏi công nghệ, tin học. Những tiết dạy ấy, các thầy cô đều đã áp dụng nhiều hình thức công nghệ mới để giảng dạy. Cả bài dạy là những hoạt động hấp dẫn liên tục vì hình ảnh, âm thanh liên tục thay đổi. Bài làm hay sản phẩm của học sinh được chụp ảnh và đưa trình chiếu ngay trên màn hình để nhận xét, sửa chữa. Các câu trả lời của học sinh được giáo viên gõ lên máy tính và hiện ngay lên màn hình để nhận xét, bổ sung… ngay lập tức. Các tiết dạy ấy rất hay và luôn được đánh giá tốt theo cách đánh giá tiết dạy hiện nay vì ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy quá hay. Thế nhưng, những tiết dạy ấy vẫn thiếu, cái thiếu ấy thật khó diễn tả được bởi nó chính là phần “hồn” của tiết học. Giáo viên “chạy theo” việc thể hiện công nghệ, học sinh “chạy theo” các hoạt động diễn ra liên tục. Sự giao tiếp giữa thầy và trò, cái cảm xúc của việc dạy và học…, tất cả dường như cũng được lập trình như máy. Khi công nghệ AI xuất hiện, nhiều người cho rằng nghề dạy học sẽ không còn phát triển, người thầy cũng không còn cần thiết lắm. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn sai lầm. Nghề dạy học là một nghề đặc biệt, người thầy là “linh hồn” của tiết học. Không một công nghệ tiên tiến nào có thể truyền cảm xúc đến học sinh bằng giọng đọc tha thiết, truyền cảm của thầy cô về tình mẹ, không một lời giảng AI nào dâng cao niềm tự hào dân tộc bằng lời giảng của thầy cô trong các bài lịch sử hào hùng về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt… Công nghệ hiện đại nào có thể thay thế được ánh mắt yêu thương của người thầy gửi đến học sinh để động viên các em mạnh dạn, tự tin phát biểu hay cái xoa đầu trìu mến thay lời khen ngợi các em đã cố gắng tiến bộ trong học tập… Chính vì thế, sự nỗ lực của giáo viên trong việc học tập, cập nhật những công nghệ tiên tiến, hiện đại để áp dụng vào giảng dạy là điều đáng ghi nhận nhưng các thầy cô hãy xem nó như là “công cụ hỗ trợ” cho việc dạy học của mình chứ không phải là tất cả. Cái giáo viên cần phải sử dụng là phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp, có sự phối hợp hợp lý giữa truyền thống và hiện đại, đừng quá lạm dụng công nghệ, đừng để người thầy trở thành “rô-bốt” dạy học. Thầy cô vẫn phải là “cái trục” chính để việc dạy học được “quay đều” trong lớp học hiện đại. Cái tâm của người thầy mới thực sự đem đến hiệu quả trong giảng dạy và giáo dục.

“Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc…” (Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải), lời thơ không viết về nghề dạy học nhưng tôi lại có cảm giác như nó được dành riêng cho các thầy cô, bởi nó thật phù hợp với hình ảnh người thầy. Từ các thầy cô nhiều năm dạy học cho đến những thầy cô trẻ, tất cả đều miệt mài học, học và học mãi để dạy, dạy và dạy mãi cho từng lứa học sinh mọi điều hay nhất, tốt đẹp nhất. Từng thầy cô vươn mình trong thử thách để đem công sức nhỏ bé của mình đóng góp cho giáo dục. Sự đóng góp nhỏ bé ấy đã góp phần “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” (Hồ Chí Minh).

Lê Phương Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)