Điện thoại di động, máy tính, mạng xã hội và internet là một phần trong cuộc sống hàng ngày của trẻ em và thanh thiếu niên, kể cả ở trường học. Những lo ngại về rủi ro của việc dành quá nhiều thời gian sử dụng thiết bị hoặc hoạt động trực tuyến đối với trẻ em và thanh niên đã bị giảm bớt bởi thực tế của việc sử dụng công nghệ trong giáo dục cũng chiếm khá nhiều thời gian của trẻ.
Các giáo viên cảm thấy rằng nên có nhiều cuộc thảo luận hơn về hành vi trực tuyến trong lớp học. Ảnh: Shutterstock
Trải nghiệm cuộc sống trong thời kỳ đại dịch, khi việc đi học và giao tiếp xã hội được thực hiện trực tuyến, cũng đã thay đổi thái độ, hành vi của chúng ta đối với việc sử dụng công nghệ. Cơ quan quản lý truyền thông Ofcom của Vương quốc Anh báo cáo rằng vào năm 2020, chỉ có một số rất ít trẻ em và thanh niên không lên mạng hoặc truy cập internet.
Giáo viên có vị trí khá quan trọng khi đánh giá cách trẻ em và thanh niên sử dụng công nghệ như điện thoại di động và ảnh hưởng của nó đối với chúng. Họ là những người thấy rõ cách trẻ em và thanh niên sử dụng công nghệ để học hỏi, giao tiếp xã hội và cách nó ảnh hưởng đến các mối quan hệ của trẻ đối với bạn bè đồng trang lứa.
Cô Annita Ventouris, giảng viên đến từ Đại học Tây London, cùng với đồng nghiệp là cô Constantina Panourgia và tôi đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu với tám giáo viên từ các địa điểm, độ tuổi, nhiều năm kinh nghiệm chuyên môn khác nhau và loại hình tổ chức giáo dục trên khắp Vương quốc Anh. Chúng tôi đã khảo sát các giáo viên về trải nghiệm của họ đối với trẻ em và việc sử dụng công nghệ của những người trẻ tuổi: họ nghĩ nó ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc, hành vi và học tập của trẻ cả trước và trong khi đại dịch xảy ra.
Các giáo viên đã nói về tầm quan trọng của công nghệ như một công cụ trong lớp học và học tập cũng như những cơ hội mà nó mang lại giúp ích cho sự sáng tạo của học sinh. Một giáo viên đã chia sẻ: “Học tập bằng công nghệ giúp bọn trẻ tiếp thu và thu hút chúng hơn vào bài giảng, đó là những công cụ hữu ích có thể bổ sung vào việc giảng dạy của chúng tôi”.
Được trao quyền thông qua công nghệ
Chúng tôi cũng nhận thấy rằng các giáo viên rất lạc quan về vai trò của công nghệ trong việc trao quyền cho trẻ em và thanh thiếu niên. Một giáo viên cho biết: “Các bạn trẻ sử dụng các trang mạng xã hội để học hỏi lẫn nhau và bày tỏ suy nghĩ của mình, ngay cả những đứa trẻ im lặng trong lớp học, chúng cũng thấy dễ dàng thể hiện bản thân hơn trên mạng”.
Giáo viên nghĩ rằng trẻ em và thanh niên có thể học cách hiểu và nhận biết các dấu hiệu của việc sử dụng công nghệ không lành mạnh từ chính cảm xúc và hành vi của họ khi sử dụng công nghệ. Điều này bao gồm việc thể hiện sự đồng cảm và quan tâm thông qua việc để ý cảm giác của mình và những người khác. Một giáo viên cho biết trẻ em và thanh thiếu niên đang trở nên nhân ái hơn và đề nghị giúp đỡ những người bạn đang có dấu hiệu tiêu cực thông qua các bài đăng trực tuyến của họ.
Tuy nhiên, một số giáo viên bày tỏ lo ngại về việc tương tác trực tuyến ảnh hưởng đến trẻ em và các kỹ năng xã hội của thanh thiếu niên như thế nào. Một giáo viên băn khoăn: “Các em không biết làm thế nào để có những cuộc trò chuyện bên ngoài với bạn bè. Các em cũng không biết làm thế nào để giải quyết vấn đề bởi vì mọi thứ chỉ diễn ra sau một màn hình và không cần phải giải quyết nó”.
Một giáo viên khác cũng đặt câu hỏi rằng việc sử dụng công nghệ đã ảnh hưởng đến việc vui chơi của trẻ như thế nào: “Các em không biết cách chơi các trò chơi thực tế và thực sự bạn sẽ thấy các nhóm trong số học sinh chỉ vây quanh một chiếc điện thoại”.
Các giáo viên cũng chỉ ra những vấn đề của việc không sử dụng công nghệ. Một giáo viên nói: “Các bậc cha mẹ có những cuộc chiến liên tục để cố gắng kéo con cái của họ ra khỏi màn hình và ngày hôm sau họ kiệt sức, và họ khó đưa chúng đến trường vì bọn trẻ quá mệt mỏi”.
Các giáo viên đã thảo luận về cách họ khuyến khích học sinh của mình tham gia các môn thể thao đồng đội như một cách để khuyến khích giao tiếp mặt đối mặt và giải quyết xung đột. Tuy nhiên, trong khi một số vấn đề về an toàn trực tuyến và sử dụng internet được đề cập ở trường học, hướng dẫn về cách sống với công nghệ, kiên cường trước những thách thức và sử dụng công nghệ một cách cân bằng có thể được giảng dạy rõ ràng hơn.
Hiệp hội PHSE – cơ quan quốc gia về giáo dục cá nhân, xã hội, sức khỏe và kinh tế ở Anh đưa ra hướng dẫn về an toàn trực tuyến và các kỹ năng cho chương trình giảng dạy, chẳng hạn như tác hại tiềm ẩn của nội dung khiêu dâm và các phạm vi để phát triển một cách tiếp cận rộng hơn để hỗ trợ việc sử dụng công nghệ lành mạnh.
Trong lớp học, điều này có thể đơn giản như làm thế nào để đưa ra quyết định đúng đắn về việc sử dụng công nghệ, chẳng hạn như thận trọng hơn nếu hoạt động trực tuyến liên quan đến trò chuyện với người lạ hoặc nhận biết liệu dành thời gian trực tuyến thay vì hoạt động ngoài trời là thích hợp. Nó có thể bao gồm việc sử dụng các bài đăng trên mạng xã hội làm ví dụ thực tế để khuyến khích trẻ em và những người trẻ tuổi được cung cấp thông tin, bình luận tương tác để chia sẻ cảm xúc.
Các giáo viên cảm thấy rằng việc bổ sung an toàn trực tuyến vào chương trình giảng dạy sẽ rất có giá trị, cũng như sẽ tạo cơ hội cho trẻ em và thanh niên nói về trải nghiệm và nội dung sử dụng công nghệ của họ. Một giáo viên chia sẻ: “Có những “kẻ săn mồi” ngoài đó và chúng tôi phải thảo luận về các vấn đề an toàn trực tuyến với học sinh, nhưng một số nội dung cũng phải là một phần của chương trình giảng dạy và phụ huynh cũng nên tìm hiểu vào nó”.
Các giáo viên nhấn mạnh rằng họ cũng cần được hỗ trợ kiến thức về công nghệ và đề xuất điều này nên được kết hợp nhiều hơn vào việc đào tạo giáo viên. Một giáo viên cho hay: “Chúng ta cần bắt kịp thời đại và nếu có điều gì đó mà đại dịch này dạy chúng ta, thì không phải tất cả chúng ta đều theo kịp, đào tạo một lần là không đủ, các trường cần đầu tư vào các hoạt động phát triển chuyên môn liên tục liên quan đến công nghệ”.
Trẻ em có thể nhận được những lợi ích đáng kể từ công nghệ, nhưng nó cũng tiềm ẩn những rủi ro. Chú ý nhiều hơn đến cách giáo viên có thể giải quyết vấn đề này trong trường học có thể là một điều vô giá để giúp trẻ hiểu và cân bằng thời gian trực tuyến của mình.
Thủy Phạm (Theo TheConversation)
Bình luận (0)