Thu nhập của giáo viên (GV) mới ra trường khá thấp, khó đáp ứng giá cả sinh hoạt đắt đỏ ở TP. Thế nhưng, sau hơn một năm đứng trên bục giảng, nhiều GV ở TP.HCM vẫn chưa biết mặt mũi đồng lương của mình như thế nào…
Một tiết dạy của GV Trường THCS Bình Tây, Q.6. Ảnh: D.B |
Thu nhập GV thấp hơn… bảo vệ
Theo thống kê của Phòng GD-ĐT Q.6, mức thu nhập thấp nhất của GV trong một tháng bao gồm lương, phụ cấp cơ bản (nếu có), phụ cấp trách nhiệm (nếu có), chính sách hỗ trợ (nếu có) và các khoản khác (nếu có) có thời gian công tác từ 1 đến dưới 5 năm ở cấp THCS chỉ gần 2,6 triệu đồng/tháng/người; tiểu học – 2,6 triệu/người, MN hơn 2,2 triệu đồng/người. Ngay cả hiệu trưởng có thâm niên trên 10 năm công tác thu nhập cũng chỉ ở mức 7-10 triệu đồng/tháng. Nhìn chung, thu nhập của GV và nhân viên các trường trên địa bàn Q.6 khá thấp.
Cụ thể như tại Trường THCS Bình Tây, GV mới tuyển dụng có thu nhập thấp nhất khoảng 3 triệu đồng, thấp hơn thu nhập của bảo vệ. Cô Phạm Thị Phương Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thu nhập của nhân viên văn phòng (chưa tính thu nhập tăng thêm) như bảo vệ là hơn 4 triệu đồng/tháng; giám thị từ 5-6 triệu đồng/tháng…”.
So với Q.6, mức thu nhập của GV mới ra trường của Q.Phú Nhuận có phần khá hơn nhưng cũng khó đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày. Theo đó, mức thu nhập thấp nhất của GV quận này có thời gian công tác từ 1 đến 5 năm bậc THCS khoảng 3,3 triệu đồng, bậc TH khoảng 4,7 triệu đồng…
Với mức lương trên, tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP mới đây ở Q.Phú Nhuận, một đại biểu cho rằng: “Thu nhập của GV mới ra trường khoảng 3-4 triệu đồng/tháng thì còn thấp hơn cả lao động chân tay”.
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.6 cũng chia sẻ: “Với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng, nếu lo cho gia đình nữa thì đời sống của GV gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nếu không tổ chức dạy thêm được, một số GV muốn buôn bán, thậm chí phụ việc để tăng thu nhập”.
Dạy một năm mà chỉ được tạm ứng lương
Trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn của Sở Nội vụ, UBND Q.1 đề nghị hiệu trưởng các trường trên địa bàn thực hiện chi lương cho hơn 100 GV mới tuyển dụng năm học 2015-2016 theo hệ số lương bậc 1 của bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, ban hành theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP. |
GV mới ra trường thu nhập đã thấp còn mang thêm nỗi trăn trở, lo âu vì đứng trên bục giảng hơn một năm vẫn chưa được nhận lương từ ngân sách, nếu có chỉ là tạm ứng. Đó là thực trạng của hơn 100 GV tại Q.1 khi họ đã trúng tuyển đợt thi tuyển viên chức do UBND Q.1 tổ chức từ tháng 8-2015 và được phân về các trường giảng dạy.
Ngày 10-8-2016 (tức là sau một năm đứng trên bục giảng), UBND Q.1 đã ban hành quyết định về công nhận xét tuyển viên chức ngành GD-ĐT năm học 2015-2016. Ngày 31-10-2016, UBND Q.1 đã gửi văn bản đến các trường công lập thuộc quận thông tin về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và thực hiện chi trả lương đối với GV.
Theo UBND Q.1, để ban hành quyết định chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức, UBND Q.1 căn cứ vào thành phần hồ sơ theo quy định tại điều 19, Quyết định 03/2016 của UBND TP. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 20, 21, 22 năm 2015 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của GV MN, TH, THCS đối với chức danh nghề nghiệp hạng II hoặc hạng III, ngoài yêu cầu về bằng cấp chuyên môn, ngoại ngữ, tin học còn có các yêu cầu khác như chứng chỉ bồi dưỡng GV hạng II hoặc hạng III, được công nhận là chiến sĩ thi đua hoặc GV giỏi… Nếu đối chiếu với các thông tư này, hơn 100 GV nói trên chỉ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp GV hạng IV (đối với khối TH và MN), hoặc hạng III (đối với khối THCS). UBND Q.1 cho rằng, việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp tại các thông tư trên ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi GV. Để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật và đảm bảo quyền lợi GV, UBND Q.1 đã gửi công văn đề nghị Sở Nội vụ xem xét và sớm có văn bản hướng dẫn.
Như vậy, sau 15 tháng đứng trên bục giảng, UBND Q.1 mới gấp rút gửi công văn này để đảm bảo quyền lợi cho GV. Cũng theo UBND Q.1, sau khi có văn bản hướng dẫn của Sở Nội vụ, UBND Q.1 sẽ bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương cho hơn 100 GV nói trên.
Các quận, huyện khác cũng gặp khó khăn trong việc xếp lương cho GV trong đợt tuyển dụng năm 2015-2016 và năm 2016-2017. Tuy gặp khó khăn nhưng bà Tống Thị Ngọc Nhanh, Phó phòng Nội vụ Q.6 khẳng định, GV vẫn được trả lương. Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT, năm học 2016-2017 quận xét tuyển được 76 GV và 15 nhân viên.
Tuy nhiên, theo ông Lưu Hồng Uyên thì Sở Nội vụ TP cần hướng dẫn cụ thể hơn về tuyển dụng GV. Vì nếu xếp lương cho GV theo những thông tư trên sẽ rất thiệt cho các thầy, cô giáo. Ông Uyên dẫn chứng: “Học ĐH mất 4 năm, trúng tuyển GV TH thì được xét tuyển ngạch trung cấp. Như vậy tốt nghiệp ĐH sư phạm cũng chỉ được xếp hệ số là 1,86”.
Phóng viên Giáo dục TP.HCM đã liên hệ với ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT về việc tại sao Q.6 trả lương cho GV mà Q.1 chỉ tạm ứng, ông Long cho hay: Q.6 dám chi, chi trước rồi trả sau. Còn Q.1 đã hỏi ý kiến của Sở Nội vụ, Sở Nội vụ chưa trả lời nên quận này không dám thực hiện. Hiện Sở GD-ĐT TP đang tích cực phối hợp với Sở Nội vụ để tháo gỡ khó khăn này cho các quận, huyện.
Dương Bình
Bình luận (0)