Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vượt ải kỳ thi tốt nghiệp: Bài cuối: Đừng biến HS thành “tù nhân” của sách vở

Tạp Chí Giáo Dục

Càng gần đến ngày thi tốt nghiệp, HS càng chịu nhiều áp lực (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là bước ngoặt vô cùng quan trọng không chỉ để học sinh (HS) viết tiếp giấc mơ giảng đường mà còn minh chứng cho nỗ lực học tập của bản thân sau 12 năm đèn sách. Nhưng bằng mọi cách, phụ huynh buộc các em phải “tăng ca” học thêm dưới nhiều hình thức.
Nhìn nhận về tình trạng trên, rất nhiều ý kiến không đồng tình từ phía các nhà chuyên môn.
Thầy Nguyễn Hữu Khánh (Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm):
Hãy để các em học tập tự giác
Nhiều phụ huynh chia sẻ với tôi là họ quá lo khi lực học của con mình yếu mà thời gian đến kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều. Thế là họ ra sức cho con học, thậm chí ép con học. Tôi nói, kiến thức thi tốt nghiệp phần lớn nằm ở SGK lớp 12. Chỉ cần các em có ý thức tự giác học và học một cách nghiêm túc thì việc vượt qua kỳ thi là đơn giản, dễ dàng. Càng nhồi nhét, các em càng hoang mang khi động vào đâu cũng thấy mình hổng kiến thức. Như thế sẽ tạo tâm lý buông xuôi, chán chường. Tâm lý HS cuối cấp nhạy cảm lắm, các em rất dễ tổn thương và tan vỡ. Nếu phụ huynh lo lắng thì chỉ cần một lần ngồi nói chuyện thẳng thắn với các em như những người lớn về đúng sai, về kỳ thi trước mắt. Các em sẽ hiểu mình phải làm gì.
ThS. Phạm Thị Thúy (Chuyên viên tư vấn tâm lý, giảng viên Học viện Hành chính TP.HCM):
HS cần được thở một cách đúng nghĩa

Cô Nguyễn Thị Thu Vân – giáo viên Trường THPT Nguyễn An Ninh (TP.HCM) – đang hướng dẫn học sinh lớp 12A2 ôn thi môn hóa sáng 2-4. Ảnh: Anh Khôi

Bản thân tôi không đồng tình việc bắt các em học thêm trường này lớp nọ. Mà thay vào đó là hướng các em cách học, tinh thần tự giác học tập, khích lệ niềm đam mê mục tiêu sống. Như thế các em sẽ tự biết sắp xếp việc học để phấn đấu với những gì mình đã đề ra. Càng ép các em học sẽ càng tạo ức chế, khi đó, học chỉ còn như một nghĩa vụ nặng nề, học theo kiểu đối phó, kém tập trung. Càng gần đến ngày thi, phụ huynh càng phải để cho các em được thở một cách đúng nghĩa.
Thầy Trần Đức Nguyên (Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong):
Đừng biến các em thành “tù nhân” của sách vở
HS đã học suốt 12 năm rồi, giờ gần đến kỳ thi nên để tâm lý các em được thoải mái bằng cách khuyến khích các em chơi thể thao, nghe nhạc để hiểu rằng cha mẹ thực sự hiểu và yêu thương mình như thế nào. Xã hội nước ta còn chuộng bằng cấp nên dễ hiểu khi mà cha mẹ cứ o ép con em mình học này học nọ cho bằng bạn bè, rồi cha mẹ lựa chọn, sắp xếp cuộc đời thay cho các con. Vì cha mẹ tin rằng như thế là tốt, có lợi cho con. Nhưng thực ra như thế là giết con, là hại con. Hãy để các em được khám phá năng lực của bản thân và bước đi bằng sức mình. Đừng biến các em thành “tù nhân” của tri thức và sách vở.
ThS. Lê Hoàng Thế Huy (Giảng viên tâm lý Trường ĐH KHXH – NV TP.HCM):
Tâm lý thành tích vẫn còn ưa chuộng
Giờ mỗi HS – các em học đâu phải cho bản thân các em. Luôn luôn là phải học cho cả gia đình, học cho bố mẹ, học cho nhà trường… Bệnh thành tích và bằng cấp trong xã hội còn phải đặt lên bàn cân đo đếm. Nhiều em vào kỳ thi mà nhìn bơ phờ, xơ xác chẳng còn chút sức sống nào. HS cuối cấp các em đều có quyền công dân hết rồi, hãy để các em tự hoạch định cuộc đời mình, đừng bắt ép. Gia đình, nhà trường chỉ giáo dục nhân cách cho các em, hướng các em sống có mục đích, đam mê và hết lòng vì mục đích đó.
Yến Hoa
Trẻ có biểu hiện về tâm thần ngày càng nhiều
Học nhiều là tốt, nhưng học nhiều mà không đúng cách, học theo kiểu nhồi nhét thì lại có tác dụng ngược. Con người khả năng tiếp nhận thông tin là vô biên nhưng lưu giữ lại có hạn. Khi học quá nhiều, thông tin chọn lọc không tốt, lưu giữ sẽ bị rối loạn. Năm nào cứ đến gần kỳ thi tốt nghiệp THPT (thời điểm này – PV) là số lượng HS đến khám có biểu hiện về tâm thần tăng lên. Biểu hiện của các em là thiếu tập trung, phân tán tư tưởng hay lơ ngơ, hoang tưởng… HS cuối cấp phải chịu rất nhiều áp lực như: Áp lực thi cử, áp lực nhà trường, thầy cô, áp lực bạn bè, áp lực bản thân và áp lực gia đình. Cứ thế, cộng thêm việc nhồi kiến thức, không điên mới lạ. Vì vậy, phụ huynh nên tạo điều kiện để các em được thật sự thoải mái về tâm lý.
PGS.TS Phạm Văn Trụ 
(Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Tâm thần TP.HCM)
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)