Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Vượt gian nan đi thi đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Liên tục đạt nhiều thành tích trong học tập nhưng cô bạn Trần Thị Gương (Bình Phước) thú thật: “Em chưa tốn đồng nào mua sách vở cả. Sách thì xin, vở lãnh thưởng mà có”.

Gương tranh thủ ôn bài tại phòng trọ trên đường Tô Ký (Q.12, TP.HCM) chiều 8-7. Trước mỗi buổi thi, từ 5g sáng người em họ đưa Gương đến trường thi ở Q.1, tối lại đưa Gương về- Ảnh: MINH ĐỨC
Hành trình đến trường thi ĐH của cô thí sinh cao khoảng 1,4m này là kết quả của nỗ lực đáng kinh ngạc sau 18 năm chống chọi với những cơn đau và chuỗi ngày đi mót mủ, lượm hạt cao su, cạo hạt điều… phụ cha mẹ mưu sinh và để được đến trường.
Vượt 12km đến trường
Chúng tôi tìm đến tổ 9, ấp Thanh Thủy, thị trấn Thanh Bình, huyện biên giới Bù Đốp, ngay sau ngày Gương vừa hoàn thành đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH. Người dân trong ấp vốn quanh năm lam lũ với cây điều, cao su, hạt đậu nhiệt tình chỉ đường và cũng nắm khá rõ lịch trình đi thi của Gương khi hỏi lại: “Nó đi Sài Gòn thi ĐH rồi mà?” (Gương ở lại TP.HCM để thi tiếp đợt 2 nên chưa về – NV).
Một cô lớn tuổi mô tả thêm: “Con bé đó nhỏ như cái kẹo ngày ngày vẫn cưỡi xe đạp 12km đến trường”. Những ngày đi thi ĐH Gương lại càng “nổi tiếng” hơn bởi ở đây người học hết lớp 12 đã hiếm chứ nói gì chuyện đi thi ĐH.

Ở nhà, ông Việt tranh thủ sửa lại chiếc xe cho con (ảnh chụp ngày 7-7) – Ảnh: Hà Bình

 

Bán chó để có tiền đi thi
Trước ngày thi, cha Gương chạy vạy vay nóng tiền khắp nơi nhưng cũng không có tiền cho con đi thi. Hết cách, ông cầm sổ đất đi vay ngân hàng thì được trả lời “từ từ giải quyết”. Ông kêu người bán mảnh ruộng sau nhà nhưng cũng chưa có người mua. Thương tình, người anh rể mang sổ đất nhà mình đi vay nóng 1 triệu đồng cũng không được.
Đến ngày 2-7, một ngày trước kỳ thi, hết cách, ông Việt đành kêu bán một con chó trong đàn chó bốn con của gia đình được 270.000 đồng làm lộ phí cho Gương đi thi.
Để tiết kiệm tiền xe, Gương nhờ người em họ chở bằng xe máy vượt gần 200km xuống TP.HCM. Tại TP.HCM, không đủ tiền trọ gần điểm thi, Gương phải ở nhờ phòng trọ của bạn người em này trên đường Tô Ký, Q.12.
Mỗi buổi thi, người em dậy từ 4g30 đưa Gương từ Q.12 đến Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (Q.1) để thi, chiều tối lại đưa chị về chỗ trọ.

“Năm 2 tuổi cháu bị một khối u ở lưng, chạy chữa khắp nơi mà không khỏi. Nó cứ lớn dần như vậy cho đến nay” – trong ngôi nhà gỗ lợp tôn trống hoác nằm giữa khu vườn điều, cha Gương, ông Trần Văn Việt (ở nhà một mình), nhớ lại.
Không chắc con mình có bị nhiễm chất độc da cam hay không, nhưng người cha đã 65 tuổi này cho biết những năm 1966-1967 ông có đi bộ đội ở chiến trường Quảng Trị, Huế. “Nghe đài nói là đã thi xong nhưng không biết cháu làm bài thế nào vì chưa thấy báo về”, ông Việt lo lắng.
Trên vách gỗ giữa nhà, khoảng 20 tờ giấy khen các loại của Gương dán ngay ngắn. Ở góc bếp, chiếc xe đạp nhuốm màu đất đỏ chỉ còn một bên thắng, một bên bàn đạp đã trơ lõi sắt. Đó là chiếc xe do một tổ chức cấp học bổng cho Gương. Suốt năm năm, thân hình nhỏ bé của Gương đạp xe đến trường.
Cha tuổi già sức yếu nên từ khi học cấp II, sau buổi học Gương phải cùng mẹ đi mót mủ, lượm hạt cao su về bán. Chống chọi với những cơn đau buốt hai bên hông, lưng khi trở trời, vừa học vừa phụ mẹ nhưng suốt những năm cấp II Gương đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, đặc biệt là môn tiếng Anh. Năm lớp 7, 8 bạn đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh môn tiếng Anh.
Hai năm liền (2005, 2006) Gương được tỉnh Bình Phước giới thiệu và nhận học bổng “Vươn lên” của báo Tuổi Trẻ dành tặng con em nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam các tỉnh Đông Nam bộ.
Năm học lớp 9, mẹ Gương đột ngột ra đi sau một cơn tai biến. Bận ấy Gương toan nghỉ học…
“Khó khăn nào cũng phải vượt qua”
Mẹ mất. Hai đứa em Gương bỏ học đi làm thuê ở Vũng Tàu. Hai anh chị khác cũng tha hương kiếm sống. Gương ở nhà chăm sóc cha. Ngoài việc cơm nước, giặt giũ cho cha, Gương lấy hạt điều về cạo vỏ lụa để kiếm tiền. Nhờ sự động viên của bạn bè, thầy cô, Gương trở lại trường.
Lên cấp III, Gương học tại Trường THPT Thanh Hòa (Bù Đốp). Tối mặt tối mũi vừa học vừa làm là thế nhưng năm lớp 10, 11 Gương tiếp tục đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Thầy Hồ Văn Thịnh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết với thành tích học tập ấy cộng với hoàn cảnh khá đặc biệt, Gương được nhà trường miễn hoàn toàn học phí. Riêng tiền cơ sở vật chất (182.000 đồng/năm) được các bạn cùng lớp mỗi người một ít đóng giúp.
Thầy Thịnh còn cho biết ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, Gương là một trong 17 học sinh (trong tổng số gần 500 học sinh) chọn thi môn tốt nghiệp THPT là tiếng Anh thay vì chọn môn vật lý thay thế. Kết quả, Gương đậu với tổng số điểm 46,5. Trong đó điểm môn hóa 10, môn tiếng Anh 9, môn toán 8,5 và địa lý 7,5.
Nói về cô học trò nhỏ lớp 12A8, thầy Nguyễn Đình Danh – giáo viên chủ nhiệm – cho biết: “Gương là một học sinh có nghị lực phi thường. Ở lớp, thầy trò hay tâm sự cùng nhau nhưng tôi chưa bao giờ nghe em than vãn về hoàn cảnh của mình mà luôn nở nụ cười lạc quan. Chưa bao giờ Gương đi học trễ và không nghỉ buổi học nào trong năm lớp 12”.
Kỳ thi ĐH năm nay Gương nộp đơn thi cả khối A, D1 cùng vào ngành thông tin – thư viện Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) “bởi em biết không có công việc nào khác phù hợp với em như công việc này”.
Trong căn phòng trọ ở nhờ để đi thi ĐH trên đường Tô Ký (Q.12, TP.HCM), Gương tâm sự về ước mơ của mình là dù khó khăn như thế nào cũng phải vượt qua để học thật tốt.
Gương vạch kế hoạch: “Trước mắt là sẽ thi đậu ĐH, sau đó tìm một công việc gì làm để trang trải việc học”. Bên cạnh nỗi lo thi cử, Gương cũng lo lắng những ngày đi thi và sau này đi học không ai chăm sóc cha.
HÀ BÌNH / TTO

Bình luận (0)