Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vượt khó để đến với nghề giáo

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi năm đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, dù bận rộn cỡ nào cô Nguyễn Hoàng Diễm Trang (SN 1981, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM) cũng gác lại mọi việc để ngồi trước ti-vi xem hình ảnh các nhà giáo tiêu biểu được vinh danh giải thưởng Võ Trường Toản…

Để rồi từ đó cô lại khắc khoải về tuổi thơ gian khó, chặng đường gian nan đến với nghề giáo và tự nhủ “tuyệt đối không được bỏ cuộc, phải sống với nghề bằng cái tâm và nhiệt huyết không lúc nào ngơi nghỉ… Tất cả vì học sinh thân yêu”.

Giỏi tiếng Anh nhờ… tuổi thơ bán hàng rong

Cô Nguyễn Hoàng Diễm Trang hướng dẫn các em học sinh chơi trò chơi trong tiết học tiếng Anh

9 giờ 15 phút sáng thứ 5, tiết dạy tiếng Anh của cô Diễm Trang lại bắt đầu trong sự hứng khởi, háo hức của các em học sinh. Từ việc đặt câu hỏi, trả lời, cả cô lẫn trò đều giao tiếp bằng tiếng Anh. Rất hiếm cô mới dùng một từ tiếng Việt để ân cần giải thích mỗi khi học sinh chưa hiểu. Cứ như thế, kiến thức dù khó đến đâu cũng trở nên nhẹ hều. Cô Diễm Trang cười tươi nói: “Dạy tiếng Anh với lứa tuổi tiểu học khá khó, việc giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh khi vào lớp càng khó hơn, vì nhiều lúc các em vấp phải lỗi về phát âm, từ vựng. Những lúc đó, tôi phải nghĩ ra những cách lấy ví dụ sinh động hoặc hài hước để giúp các em nhớ lâu, vận dụng được nhanh”.

Kể về cơ duyên đến với nghề giáo viên tiếng Anh, cô Diễm Trang cho biết, gốc gác ở Tiền Giang nhưng sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo ở quận 4. Bố mẹ đường ai nấy đi khi cô còn rất nhỏ, cô lớn lên trong vòng tay của bà nội. Nhà nội cũng chẳng lấy gì làm khấm khá. Những năm cuối cấp tiểu học, cô một buổi đến trường, buổi còn lại tự đạp xe đi bán hàng rong. “Hồi đó, từ quận 4, tôi đạp xe chở lỉnh kỉnh đầy bóng bay, đồ lưu niệm qua trung tâm thành phố để bán cho khách du lịch, mừng là hầu như ngày nào cũng bán hết hàng nên phụ giúp được bà trang trải học phí trong nhiều năm liền”, cô Diễm Trang cho biết.

Lên THCS, ngày đầu tiên học tiếng Anh, cô đã tỏ ra đặc biệt thích thú. “Cứ đến giờ học tiếng Anh là tôi lại háo hức, tập trung cao độ đến hết tiết. Thời gian đó, tôi vẫn một buổi đi học còn lại đi bán hàng rong, không có thời gian ôn bài nhiều nhưng được gặp gỡ và trò chuyện với nhiều vị khách du lịch nước ngoài giúp tôi vận dụng được kiến thức vào thực tế. Hôm sau lên lớp, cô giáo và các bạn đều ngạc nhiên, nhiều bạn còn mượn vở tôi về chép lại”, cô Diễm Trang nhớ lại. Không có nhiều thời gian cho việc học bài ở nhà lẫn đi học thêm, thế nhưng, nhờ sáng dạ lại ham học hỏi nên nhiều năm liền cô giữ vững thành tích học tập tốt. Từ THCS lên THPT, và từ THPT lên ĐH, cô đều được tuyển thẳng.

Cô Diễm Trang trần tình: “Hồi đó chưa có nhiều chương trình hướng nghiệp, gia đình lại nghèo nên tôi chọn vào Trường CĐ Sư phạm TP.HCM, ngành tiếng Anh. Khởi đầu chưa hẳn là đam mê nghề giáo, nhưng kể từ thời điểm là thực tập sinh đứng trên bục giảng, niềm đam mê và ước mơ gắn bó với nghề giáo viên mới thực sự cháy bỏng trong lòng tôi”.

Đạt giải thưởng Võ Trường Toản

Năm 2002, cô Diễm Trang tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm TP.HCM, hăng hái nộp hồ sơ xin việc, thế nhưng cơ hội đã không đến. “Được một người quen giới thiệu, tôi vào làm nhân viên lễ tân tại một khách sạn sang trọng, lương mỗi tháng 4 triệu đồng. Thời gian đó, số tiền ấy rất lớn”, cô kể thêm: “Công việc lễ tân không lấy gì làm khó khăn, nhưng mỗi buổi sáng nhìn ra khung cửa, tôi thấy những cô giáo mặc áo dài đi dạy, thế là niềm khao khát được mặc áo dài đứng trên bục giảng lại khắc khoải không ngừng trong tôi”. Sau nhiều tháng trăn trở, cô Diễm Trang quyết định từ bỏ công việc nhàn hạ lương cao để quyết tâm theo đuổi ước mơ to lớn của mình. “Tôi tiếp tục gửi hồ sơ lên Sở GD-ĐT. Trong quá trình chờ đợi, tôi xin đi dạy ở một trung tâm ngoại ngữ, đường rất xa, tôi phải thức dậy từ sớm đạp xe đến lớp, lương mỗi tháng chỉ hơn 300 nghìn đồng, nhưng mỗi lần nhận lương lòng tôi vui mừng khôn xiết vì được đứng trên bục giảng”, cô Diễm Trang nói.

Cô Phạm Thúy Hà (thứ 2 bên trái) chúc mừng cô Trang và các thành viên trong trường đạt giải tại cuộc thi “Ngày hội Khoa học và sáng tạo ngành giáo dục Q.4”

Không phụ sự chờ đợi, sau khi trải qua 3 vòng thi nghiêm ngặt, năm 2003, cô Diễm Trang được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học – THCS – THPT Nam Sài Gòn, với vai trò là giáo viên tăng cường tiếng Anh (chương trình tăng cường tiếng Anh đầu tiên được áp dụng tại TP.HCM). Đến 2004, trải qua lần thi tuyển thứ 2, cô được bổ nhiệm về quận 4 giảng dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ. Năm 2008, cô đoạt giải nhất Hội thi Star (Hội thi dành cho giáo viên tiểu học do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với ĐH Oxford – Anh tổ chức). Năm 2009, cô là giáo viên tiêu biểu cấp TP. Từ năm 2010, cô được chuyển về dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4)… Bằng nhiệt huyết và sự cống hiến không ngừng nghỉ, cô Diễm Trang đạt được nhiều thành tích như: 2 lần nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; giải nhì giáo viên dạy giỏi cấp quận năm học 2015-2016, giải nhất giáo viên dạy giỏi cấp quận năm học 2016-2017. Ở cơ sở, cô là chiến sĩ thi đua từ 2010 đến nay… Và ngày 19-11 này, cô là một trong 40 nhà giáo (6 cán bộ quản lý, 34 giáo viên) được Sở GD-ĐT TP.HCM vinh danh trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản. Cô Diễm Trang xúc động bày tỏ: “Từ ngày còn là thực tập sinh, tôi ao ước được gắn bó với nghề giáo, trải qua nhiều chông chênh tôi mới thực hiện được ước mơ và tự hứa phải nỗ lực hết mình để luôn trọn trách nhiệm với nghề. Giải thưởng Võ Trường Toản là ước mơ tôi ấp ủ từ lâu, đến nỗi mỗi dịp 20-11, dù bận rộn cỡ nào tôi cũng gác lại để ngồi trước ti-vi để xem chương trình trao giải… Hôm đồng nghiệp báo tin, tôi xúc động không nói nên lời”.

Cô Diễm Trang chia sẻ thêm: “Khi được đề cử nhận giải thưởng Võ Trường Toản, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào. Để có được vinh dự cao quý này, tôi rất biết ơn những người thân yêu trong gia đình. Tôi cảm ơn các thầy cô đồng nghiệp ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, một tập thể đoàn kết – gắn bó – thương yêu như một gia đình. Đặc biệt, trong ngôi trường này có một tập thể sư phạm giỏi về chuyên môn, yêu nghề mến trẻ. Một Ban giám hiệu năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm! Đó chính là động lực “truyền lửa” cho tôi và các đồng nghiệp khác luôn khát khao được cống hiến. Tôi xem giải thưởng cao quý này là động lực để mình tiếp tục dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người”, cùng tập thể sư phạm xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi trở thành trường tiên tiến hiện đại, đáp ứng được sự tin yêu của các cấp lãnh đạo và sự gửi gắm, thương yêu của các bậc phụ huynh”.

Thương Thương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)