Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vượt khó thực hiện tốt chương trình GDPT 2018 ở bậc lớp 1

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM là địa phương luôn chịu áp lực lớn về sĩ số học sinh, hạn ché về quy đất xây dựng cơ sở vật chất song thực hiện chương trình GDPT 2018, SGK mới năm học 2020-2021, tỷ lệ học sinh lớp 1 toàn TP học 2 buổi/ngày đạt 82,6%. Kết thúc năm học, học sinh lớp 1 đã đọc thông, viết thạo, tự tin hơn…


Ông Nguyễn Văn Hiếu
 – Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – phát biểu tại hội nghị tổng kết trực tuyến

Chiều 26-5, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết trực tuyến triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa GDPT 2018 ở bậc lớp 1.

82,6% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ ngày

Báo cáo về quá trình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, SGK mới ở bậc lớp 1 trên địa bàn TP.HCM, bà Lâm Hồng Lãm Thuý – Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2020 – 2021, toàn TP có 554 trường TH, trong đó có 534 trường tổ chức dạy 2 buổi ngày, đạt tỉ lệ 94,6,%, tăng 1,3% so với năm học trước. Tỷ lệ HS được học 2 buổi/ ngày là 75,8%, tăng 2,3%. Sĩ số bình quân là 39,2 HS/lớp (tăng 0,9 so với năm trước), định mức phòng học/lớp đạt 0,94, định mức giáo viên/lớp đạt 1,36%. Trong năm học, TP đưa vào sử dụng 28 dự án trường TH với 429 phòng học mới, tăng thêm 240 phòng so với năm học 2019-2020.

Riêng với lớp 1, năm học 2020-2021, toàn TP có 134.452 HS, trong đó có 111. 039 HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày, đạt tỉ lệ 82,6%. Sĩ số trung bình là 38,2 HS/lớp trên toàn TP, tuy nhiên ở một số địa phương như: TP.Thủ Đức (KV III), Q.3, Q.7, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Nhà Bè sĩ số HS cao nhất trên 50 HS/lớp; TP.Thủ Đức (KV I), Quận 12, Bình Thạnh, huyện Củ Chi, Hóc Môn sĩ số HS/lớp cao nhất trên 55 HS/lớp.

Bà Thuý nhận định, năm học 2020-2021 tiếp tục là năm học “đặc biệt” khi vừa học vừa chống dịch Covid-19 với nhiều thách thức và nỗ lực của toàn ngành. Để hoàn thành mục tiêu kép, ngành GD-ĐT TP đã hết sức nỗ lực. Không chỉ tham mưu kịp thời, đeo bám cơ sở sát sao, việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí, tập huấn SGK lớp 1 cũng được triển khai đúng tiến độ. Các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, phát huy hiệu quả ứng dụng CNTT; chú trọng giáo dục đạo đức lối sống, kĩ năng sống, thực hành, trải nghiệm, hiểu biết xã hội cho HS. TP.HCM là địa phương hoàn thành sớm nhất việc tập huấn bồi dưỡng giáo viên so với tiến độ của Bộ GD-ĐT.

Đại diện Phòng GDTH đánh giá, tại TP.HCM, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày với Chương trình GDPT 2018 vẫn là một thách thức lớn đối với một số quận/huyện nội ô mở rộng có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu bởi khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân cũng như dân số cơ học tăng cao. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số giáo viên chưa đồng đều; cơ cấu đội ngũ chưa hợp lí, thiếu trầm trọng giáo viên các môn chuyên như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục. Cạnh đó, kinh phí để tổ chức tập trung bồi dưỡng đại trà cho giáo viên toàn thành phố về Chương trình GDPT 2018 rất lớn nhưng hành lang pháp lí để thực hiện chưa đầy đủ.

Mặc dù vậy, đại diện Phòng GDTH nhìn nhận, chương trình mới với điểm mới là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực HS cùng với chương trình mở, các cơ sở giáo dục đã có nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình, hoạt động giáo dục, từng giáo viên thực hiện hiệu quả quá trình đánh giá, tự đánh giá. Mỗi địa phương có nhiều sáng kiến linh hoạt triển khai dạy học trực tiếp, trực tuyến để nâng cao tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày; đẩy mạnh mạng lưới chuyên môn đổi mới hình thức; ghi hình tiết học…

Từ những nỗ lực đó, nhìn lại kết quả đạt được sau 1 năm triển khai chương trình, SGK mới, Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định, tuy thời gian đầu còn lúng túng nhưng giáo viên đã xây dựng được kế hoạch giáo dục theo từng chặng. Cả quá trình đánh giá, HS đã có nhiều khác biệt về kỹ năng, kiến thức, thái độ. HS lớp 1 được đánh giá tự tin và tích cực trong quá trình học tập, đọc thông, viết thạo hơn, đạt được phẩm chất, năng lực cần thiết. HS biết tham gia đánh giá và nhận xét bản thân cũng như các bạn một cách trung thực. HS lớp 1 phát triển năng lực tốt hơn so với khi học chương trình cũ. Đặc biệt trong môn Tiếng Việt, HS đọc và viết thành thạo hơn. Riêng môn hoạt động trải nghiệm, đã hình thành cho HS những năng lực thích ứng với cuộc sống, giúp HS được khám phá tối đa thế mạnh của bản thân.

Tuy nhiên, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng thừa nhận, ở các quận huyện vẫn còn một số HS chưa đạt được yêu cầu đặt ra của chương trình. Trước khi bước vào năm học mới, sở đề nghị từng địa phương rà soát lại những HS chưa hoàn thành để có kế hoạch bồi dưỡng…

Vượt khó

Là một trong những địa phương chịu áp lực lớn về sĩ số HS đầu cấp, năm học 2020-2021, huyện Bình Chánh đạt tỷ lệ 70,7% HS lớp 1 học 2 buổi/ngày. Toàn huyện có 38 trường TH trong đó 7 trường dạy 5 buổi/tuần. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh thông tin, khó khăn thực hiện chương trình mới trên địa bàn huyện là do dân số cơ học tăng nhanh, đặc biệt là các xã Phạm Văn Hai, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B. Triển khai chương trình, toàn huyện thiếu 17 giáo viên tiếng Anh dạy chương trình tự chọn cho HS song các trường chủ động thực hiện thỉnh giảng hợp đồng đảm bảo đủ giáo viên. “Với 7 trường dạy trên 5 buổi/ tuần đảm bảo dạy đúng đủ nội dung thời lượng các môn học bắt buộc, đảm bảo thời lượng 30 tiết/tuần ở tất cả các môn học. Các đơn vị này được Phòng GD-ĐT thường xuyên kiểm tra, tăng cường dự giờ, đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, tăng cường mối liên hệ phụ huynh HS để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục…”.

Nhìn lại quá trình triển khai tại nhà trường, bà Phan Thị Châu (Hiệu trưởng Trường TH Lương Thế Vinh, Q.Gò Vấp) chia sẻ, toàn trường có 54 lớp thì 40 lớp học 2 buổi/ngày, còn lại là 5 buổi/tuần. Riêng đối với HS lớp 1, nhà trường ưu tiên để triển khai dạy 2 buổi/ ngày với 9 lớp học 2 buổi/ ngày và 2 lớp học 1 buổi/ngày. Mặc dù vậy, nhằm đảm bảo HS lớp 1 được thụ hưởng chương trình giao dục như nhau, nhà trường thiết kế thêm 2 buổi học vào chiều thứ 5, thứ 6 dành cho 2 lớp học 1 buổi/ ngày, với các môn học nhẹ nhàng như âm nhạc, GDTC, xen kẽ Toán, tiếng Việt, hoạt động trải nghiệm. Đồng thời, tăng cường dự giờ thăm lớp góp ý cho giáo viên, thực hiện ghi nhật ký sinh hoạt chuyên môn. “Cuối năm học, toàn khối 1 còn 4 HS chưa đạt được yêu cầu, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tiếp tục bồi dưỡng các em trong hè, giúp các em theo kịp chương trình mới ở năm lớp 2”.


Học sinh lớp 1 học chương trình mới tự tin hơn, tiếp thu kiến thức nhanh hơn

Nhìn nhận lại quá trình thực hiện chương trình mới, SGK mới tại TP.HCM trong năm học 2020-2021, ông Nguyễn Văn Hiếu- Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, Sở đánh giá rất cao sự nỗ lực của các trường để hoạt động dạy học diễn ra thực chất, khắc phục khó khăn để đảm bảo 100% HS lớp 1 học 2 buổi/ ngày, đáp ứng mục tiêu giáo dục TH, yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục, phát huy năng lực và phẩm chất của HS. So với chương trình cũ, chương trình mới đã giúp học sinh tự tin hơn, tiếp thu nhanh hơn…

Đối với bộ phận nhỏ HS chưa theo kịp chương trình, còn khó đọc, khó viết, làm tính sai và kiểm tra lại, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP đề nghị các địa phương chỉ đạo các nhà trường tiếp tục xây dựng kế hoạch phụ đạo và có giải  pháp cụ thể cho từng HS, không để HS “bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt, chú ý và xây dựng kế hoạch, yêu cầu cần đạt, mức đạt được, đề kiểm tra phù hợp với từng đối tượng, loại tật của từng HS, đảm bảo quyền lợi của các em HS khuyết tật.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mới trong năm học 2021-2022, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu các phòng GD-ĐT chủ động rà soát các điều kiện ngay từ bây giờ, chủ động tham mưu với UBND các quận, huyện về quỹ đất và ngân sách dành cho giáo dục; xây dựng lộ trình cụ thể từng năm đảm bảo thực hiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Rà soát danh mục dạy học tối thiểu của từng đơn vị, đảm bảo đủ thiết bị dạy học tối thiểu, SGK cho từng lớp học kịp thời và đúng quy định….

Bài, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)