Yến (trái) và Oanh, hai bạn có hoàn cảnh đặc biệt của lớp 5A3, Trường TH Thiện Hưng A
|
Khi cuộc sống còn chưa đủ ăn, đủ mặc thì việc đến trường đối với những học sinh (HS) vùng sâu thuộc xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) là cả một chặng đường khó khăn. Thế nhưng, trong hoàn cảnh ấy có những tấm gương vượt khó để được đến lớp với mong muốn rất nhỏ nhoi: Được làm cô giáo.
Cô học trò đảm việc nhà, giỏi việc học
Chúng tôi tìm đến nhà Điểu Thị Oanh, HS lớp 5A3 Trường TH Thiện Hưng A giữa lúc bốn bà cháu đang quây quần bên bữa cơm trưa. Bữa ăn đạm bạc, chỉ vài con cá khô, dĩa măng ngâm chua chấm xì dầu với bát cơm độn sắn hơn một nửa.
Nhà của Oanh chỉ là túp lều tranh, rộng chưa đầy 40m2 với bốn vách thưng bằng lá, nằm lọt thỏm giữa những tán lá điều, keo lá tràm. Trên vách treo mấy cái xoong đen nhẻm, giữa nhà, chiếc bàn gỗ mối xông lủng lỗ nhuốm màu đất đỏ bazan lại là nơi cất giữ những cuốn sách và tập vở của ba chị em. Nơi chúng tôi chú ý nhất trong căn nhà là những tấm giấy khen về thành tích học tập, cháu ngoan Bác Hồ của ba chị em được dán lên cột nhà.
Chúng tôi hỏi thăm về ba mẹ, Oanh cho biết: “Nhà em không có đất nên ba mẹ phải đi làm thuê. Mùa mưa, ba mẹ sang Tây Ninh bẻ măng, nhanh thì một tháng ghé về thăm nhà và đưa cho em ít tiền lo cho bà và các em, còn lâu thì vài ba tháng mới về nhà. Khi không còn măng, ba mẹ phải đi quét lá cao su thuê cho nông trường”.
Do thiếu vắng bố mẹ nên mọi việc trong gia đình đều do Oanh quán xuyến. Hàng ngày, đúng 5 giờ 30, Oanh thức dậy nấu vội nồi cơm cho bà, quét qua cái nhà rồi đưa hai em gái đến lớp tại các điểm lẻ của Trường TH Thiện Hưng A, sau đó em mới đến lớp học. Tính ra, mỗi ngày cô bé đi bộ ngót nghét gần 20km. Những ngày nghỉ, Oanh lại vào rừng mót mủ cao su, mót hạt điều kiếm thêm thu nhập. Với số tiền ấy, em dành đóng học phí cho mình và hai em. Khó khăn thế nhưng cô bé có gương mặt già dặn trước tuổi ít khi vắng bóng ở trường và thành tích học tập cũng rất đáng nể. “Bốn năm liền, Oanh luôn là HS giỏi của lớp, đặc biệt, em học rất giỏi môn tiếng Anh và môn vẽ. Hơn thế nữa, em còn thường xuyên tham gia các cuộc thi do nhà trường tổ chức như thi vẽ tranh, vở sạch chữ đẹp hay thi toán đố. Năm 2009, Oanh mang vinh dự về cho trường với giải nhất cấp huyện và giải nhì cấp tỉnh trong cuộc thi “Giao lưu tiếng Việt với chúng em” dành cho HS dân tộc thiểu số. Mới đây, em được nhận học bổng của Hội Khuyến học và Sở GD-ĐT Bình Phước dành cho HS nghèo vượt khó học giỏi (500 ngàn đồng/suất). Với số tiền ấy em dự định mua cho mình chiếc xe đạp, thế nhưng, nhìn hũ gạo trong nhà luôn vơi, em đã dành lại để mua gạo” – Cô Nguyễn Thị Quang Trinh, chủ nhiệm lớp 5A3 cho biết.
Bà Điểu Thị Zơn, bà ngoại Oanh, chia sẻ: “Lúc nào nó cũng tự nhủ “cố gắng học thật giỏi để sau này làm cô giáo như cô Trinh lớp con để dạy chữ cho các em”. Nhà nghèo, thấy nó ham học nên ba mẹ nó cũng không bắt nghỉ đi làm thuê mà để cho nó học được đến đâu hay đến đó. Mong cho nó càng sớm thành cô giáo như cô giáo Trinh”.
Cô bé có đôi chân… chữ X
Chúng tôi đến Trường TH Thiện Hưng A vào giữa trưa trong tiếng đùa giỡn của các em HS khi ra chơi. Thấp thoáng trước cửa lớp 5A3, một cô bé có đôi mắt đen láy đứng tựa cửa nhìn các bạn vui đùa ánh lên sự “thèm khát”, đó là em Lê Thị Hồng Yến – cô bé có đôi chân chữ X, học cùng lớp với Oanh.
Gọi Yến là cô bé có đôi chân chữ X vì hai đầu gối của em teo tóp, khuỵu lại có hình dáng như chữ X do căn bệnh xương thủy tinh. Do đó việc đi, đứng đối với Yến không dễ dàng chút nào. Ba mẹ phải chở em đến lớp mỗi ngày, cô giáo phải đỡ khi em lên bảng làm bài, bạn bè phải luôn cẩn thận những lúc vui đùa với em. Mọi người, ai cũng sợ làm em gãy xương. Một bạn trong lớp kể, ngày đầu đến lớp, Yến đã bị gãy chân vì vui đùa cùng các bạn. Căn bệnh xương thủy tinh làm cho Yến không lớn và phát triển bình thường như những đứa trẻ cùng trang lứa. Đã học đến lớp 5 nhưng em chỉ cao 90cm, nặng chưa đầy 13kg. Lo lắng cho sức khỏe của con, chị Trần Minh Anh – mẹ Yến – không muốn cho Yến đến lớp khi đã đến tuổi vào lớp 1, nhưng: “Thấy con thường khóc mỗi khi nhìn các bạn cùng xóm đi học, thương con, tôi cố gắng cho cháu đến lớp để phần nào khuây khỏa tinh thần”- chị Anh nghẹn ngào nói. Được đến trường là một niềm vui lớn, là động lực giúp Yến vượt qua nỗi đau về thể xác mà học chữ một cách nhẹ nhàng. Bốn năm liền, Yến luôn đạt danh hiệu học sinh khá giỏi. Nhắc đến Yến, cô Mã Thị Linh, Tổng phụ trách Đội của trường, khen: “Mặc dù bị những cơn đau liên tục hành hạ nhưng cô bé sống rất lạc quan, vui tính, hay cười, hay nói, chính vì thế, thầy cô và các bạn rất thương em. Ngoài ra em rất chăm học, luôn cố gắng học giỏi bằng Oanh. Cũng nhờ sự nỗ lực vượt khó của Yến mà nhiều em HS đồng bào cũng chăm chỉ đến lớp, ít bỏ học hơn”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Mỗi khi nhắc tới lớp 5A3 của cô Nguyễn Thị Quang Trinh, không chỉ phụ huynh trong xã biết đến Yến và Oanh mà các chú bộ đội Đồn biên phòng 793 cũng hết sức xúc động. Tình thương mà các chú bộ đội dành cho Yến và Oanh là sự thăm hỏi, là những cuốn tập… như một phần an ủi về tinh thần cho Yến và Oanh.
|
Bình luận (0)