Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vượt khó và… thành công

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Hoàng Diễm Trang (đứng giữa) trong buổi lễ nhận giải

Vượt qua những khó khăn ban đầu của một giáo viên trẻ mới bước vào nghề, cô Nguyễn Hoàng Diễm Trang, giáo viên tiếng Anh Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ (Q.4) bước đầu đạt được thành công trong nghề nghiệp – đó là giải nhất cuộc thi tiếng Anh STAR lần 1 năm 2009 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.Đây là cuộc thi nhằm tổng kết thành tựu 10 năm thí điểm dạy tiếng Anh tăng cường (TATC) trong trường tiểu học tại TP.HCM.
Vượt qua chính mình
Năm 2004 tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chuyên ngành tiếng Anh, Diễm Trang được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ với nhiều bỡ ngỡ lúc ban đầu. Tuy nhiên, điều Diễm Trang thấy may mắn đó là được công tác trong một tập thể sư phạm đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, không phân biệt người cũ người mới. Vì vậy, khi được phân công giảng dạy TATC lớp 1, cô đã mạnh dạn đưa ra nhiều sáng kiến mới trong phương pháp giảng dạy. Thực tế, chương trình TATC có những yêu cầu riêng mà không phải cứ áp dụng những mô hình “chuẩn” vào thực tế là thành công. Bởi vì lớp TATC phải thực hiện 2 buổi/ngày, sĩ số không được quá 35 học sinh/lớp. Bên cạnh đó, phòng học có trang bị bàn ghế cá nhân, hệ thống thiết bị nghe nhìn tạo điều kiện trau dồi những kỹ năng của môn ngoại ngữ… Với những “chuẩn” đó, nhà trường cũng như bản thân cô Diễm Trang gặp rất nhiều khó khăn, do cơ sở vật chất của trường không thể đáp ứng được những tiêu chí trên. Tuy nhiên nhà trường đã có cách làm sáng tạo nhằm khắc phục những khó khăn trên. Đó là vận động phụ huynh đầu tư màn hình, micro, cải tạo một số phòng chức năng, phòng nghỉ của giáo viên để làm lớp học TATC. Chưa hết, điều làm cô Trang trăn trở nhất đó là học sinh lớp 1 các em mau quên, hay bắt chước người lớn và quan trọng là các em chưa ý thức được tại sao mình phải học tiếng Anh? Ngoài ra một số em còn phát âm chưa chuẩn… Đây là những khó khăn mà giáo viên dạy tiếng Anh phải khắc phục và phải có “nghệ thuật” giảng dạy của riêng mình mới thành công.
Quả ngọt… đầu tiên
Thực tế cho thấy, các em học sinh lớp 1 hay bắt chước người lớn, thầy cô, tiếp thu bài nhanh nhưng cũng mau quên. Với phương pháp giảng dạy: lấy hoạt động làm chủ đạo trong tiết dạy, cô Diễm Trang đã giúp cho các em phát huy được tinh thần lãnh đạo, thủ lĩnh trong lớp… của các em. Vì vậy, trong các tiết dạy nhiều khi cô cũng là học sinh như các em trong lớp, khi đó lớp trưởng sẽ điều khiển buổi sinh hoạt hoặc các hoạt động ngoài trời. Kết quả cho thấy, học sinh phát âm chuẩn, nhớ từ mới và trao đổi những câu, từ được học một cách lưu loát hơn. Với cuộc thi STAR, cô Diễm Trang xác định tham gia để học hỏi những kinh nghiệm, những phương pháp dạy hay của trường bạn trong giảng dạy TATC. Tinh thần được xác định, do đó cô không bị áp lực tâm lý đè nặng khi đứng lớp hay các tiết dự giờ thăm lớp của Sở GD-ĐT, của Hội đồng Anh (thành viên ban tổ chức)… Mọi hoạt động dạy và học của cô trò vẫn diễn ra bình thường, tiếng cười luôn rộn rã trong giờ học và các hoạt động ngoài giờ. Và kết quả đem lại ngoài mong đợi, đó là giải nhất cho cá nhân cô và giải sáng tạo của nhà trường. Cô Diễm Trang chia sẻ: “Khi giải thưởng được công bố, tôi thật sự xúc động. Đứng trên sân khấu nhận giải thưởng mà tôi không biết mình đi lên từ khi nào. Thành công này là của tập thể nhà trường, của học sinh và phụ huynh. Đây là tiền đề để tôi được cống hiến nhiều hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người”.
Cuộc thi STAR – có ý nghĩa là chuẩn mực của giáo viên dạy giỏi tiếng Anh bậc tiểu học: sự nhạy cảm, am hiểu tâm lý, sáng tạo trong giảng dạy, giao tiếp với học sinh, phụ huynh, tinh thần tập thể, biểu hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó và thường xuyên tổ chức các hoạt động cho học sinh giúp các em nhận ra sức mạnh tập thể, tôn trọng các bạn xung quanh mình… Đây là cách thể hiện qua mối quan hệ với mọi người trong và ngoài trường học.
 
Quang Huy

Bình luận (0)