Ánh trăng vừa chếch bóng người, Lâm dắt chiếc xe máy tàu cũ nát mới “tậu” được với giá hơn triệu đồng ra đầu đường. Bỏ lại sau lưng sự yên lặng, êm đềm nơi xóm trọ. Tiếng xe máy nổ hoà cùng dòng người đang mưu sinh. Lâm đi bán rau đêm.
Đó là hình ảnh thường ngày về Nguyễn Văn Lâm, SV năm thứ 4 ĐH Kiến trúc Hà Nội, chàng trai đã liên tục có 3 năm đại học là sinh viên giỏi, hiện đang thực hiện đề tài khoa học “Cầu cạn và bố trí đường sắt trên không” cùng với người bạn của mình.
Lâm đã đã phải vượt qua nước mắt, bao khó khăn để có thể bước tiếp trên con đường học vấn và đạt được kết quả như ngày hôm nay.
Nước mắt ở lại
Nhà Lâm ở Mỹ Đức – An Lão – Hải Phòng, rất nghèo. Cha cậu suốt ngày làm bạn với “ma men” rồi về hành hạ vợ con, mẹ thì quanh năm đau ốm, người anh trai nay tù mai tội vì đánh bạc, trộm cắp.
Ước mơ khi đi học về được thấy gương mặt bố đang tỉnh táo, mẹ không còn bị bố đánh, người anh biết lo cho em đến giờ “vẫn chỉ là ước mơ thôi”.
Với Lâm, ngôi nhà nhỏ bé và người bà nội nhiều lúc còn thiết thân hơn cả gia đình. Lâm tới nhà nội ngủ để được nội chở che. Cậu không thể cầm được lòng mình mỗi lần chứng kiến cảnh bố hành hạ mẹ và người anh bị người ta chửi bới, truy bắt. Nỗi đau ấy, Lâm nén lại, chôn giấu…
Cậu chỉ biết học và học. Thầy cô, bạn bè ai cũng quý mến, cảm phục sự chăm chỉ hiếu học của cậu học trò nhỏ: “Hồi mình học lớp 4 bố mình bị tai nạn gãy một chân, mẹ thì ở lại bệnh viện. Buổi trưa, mình đi bộ 5 cây số đem cơm lên cho bố mẹ ở bệnh viện Kiến An, Hải Phòng. Lúc đó, mình đã nghĩ tới việc bỏ học” – Lâm nhớ lại.
Khi hỏi về người anh trai của mình cậu chỉ thở dài: “Anh mình phá quá”. Giờ, ngay cả Lâm cũng không biết anh đang ở đâu, làm gì. Bởi cứ về nhà, anh lại sinh ra ăn cắp, “nướng” tất cả vào những cuộc đỏ đen, chơi bời thâu đêm suốt sáng. Rồi lại cái “kịch bản” chạy trốn, đuổi bắt: “Buồn lắm, nhiều lúc mình không “dám” ra ngoài đường vì xấu hổ với làng xóm, bè bạn.”
Gia đình, với mỗi người là nền tảng, điểm tựa cho mọi ước mơ bay xa, bay cao hơn. Những mảnh vỡ lặng câm trong gia đình tưởng như đã có thể nhấn chìm Lâm vào “vũng bùn” của dòng đời cuộn chảy: “Năm vừa rồi mình định nghỉ học. Nhất là khi về nhà thấy mẹ bị ốm nặng, trong khi bố chẳng quan tâm gì lại còn thường xuyên chửi bới, đánh đập mẹ”.
“Chứng kiến cảnh mẹ mình nằm ốm liệt giường không một bát cháo ăn mà nước mắt mình chực trào ra. Mình quay trở lại trường làm đơn xin được bảo lưu một năm để về quê chăm sóc mẹ. Các thầy cô và bạn bè đã khuyên ngăn mình cố gắng khắc phục khó khăn để tiếp tục theo học, bởi dở dang như vậy sẽ bị khuyết kiến thức rất lớn”.
Nhưng mãi tới khi mẹ Lâm can ngăn: “Cùng lắm thì mẹ con dìu dắt nhau lên Hà Nội sống, mẹ sẽ nuôi con tiếp tục học tập. Dù khó khăn thế nào con cũng phải học tập cho bằng bạn bằng bè và không phụ lòng mong mỏi của mẹ”. Nghe lời mẹ, cậu quay lại trường học với quyết tâm sẽ học trở thành tài, không phụ lòng mong mỏi của bà.
“Dù qua bao khó khăn vẫn cười”
Nhà nghèo, sáng đi học, trưa về, buông cặp xuống là Lâm đi mò cua bắt ốc cho mẹ đem ra chợ bán kiếm tiền. Mọi công việc đồng áng Lâm đều “thạo”: từ cày bừa, cấy hái, gồng gánh. Thời gian học của cậu chủ yếu là trên lớp và đêm khuya.
Hồi còn học ở trường PTTH Trần Hưng Đạo chiều nào Lâm cũng theo mẹ đi đổ bê tông. Vào vụ, hai mẹ con lại nghỉ lo thu hoạch mùa màng.
Không có nhiều thời gian học tập nhưng liên tục từ lớp 6 đến lớp 12 Lâm đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lớp 8 cậu đạt giải nhì huyện môn Vật lý, lớp 10 đạt hai giải Vật lý và máy tính bỏ túi.
Ngày hay tin Lâm đậu hai trường đại học với số điểm khá cao: ĐH Kiến Trúc (26,5 điểm); ĐH Y Hải Phòng (25 điểm) mọi người mừng ít mà lo nhiều. Mẹ Lâm, bà Dương Thị Liêm trầm tư: “Học ở Hà Nội lấy tiền đâu mà học hả con?”. Biết được suy nghĩ của mẹ, Lâm tự bảo với lòng: “Mình sẽ tiếp tục đi học dù khó khăn đến mấy. Lên Hà Nội mình sẽ đi gia sư và rửa bát thuê”.
Trước đó, sau khi đậu đại học Lâm đã lao vào đi làm thuê kiếm tiền lo cho ngày lên Hà thành. Cậu đi làm bốc vác từ 5 giờ sáng tới 5 giờ chiều, ăn vội bát cơm rồi lại đi bán xăng tới 11 giờ đêm mới lặng lẽ trở về nhà.
Vất vả, khó khăn nhưng mỗi tháng cũng “bỏ lợn” được 1 triệu đồng. Được cô dì chú bác và các thầy cô cho thêm tiền, Lâm một mình xuống Hà Nội học mang theo biết bao mơ ước, hoài bão.
Năm đầu Lâm đi gia sư 9 buổi trong một tuần: “Khổ cực mình chẳng sợ, chỉ sợ không có việc làm, đồng nghĩa với việc mình sẽ không có tiền để trang trải việc học tập cũng như ăn ở thôi”. Cậu không quản ngại vất vả, đạp xe đạp 20 cây số từ Bình Đà ra Hoàng Mai dạy thêm.
Nhưng, kiếm được đồng tiền nơi đất chật người đông thế này đâu phải dễ dàng. Một lần đi dạy thêm về, khi đi qua cầu Hà Đông Lâm bị trấn lột hết số tiền kiếm được: “Thế là cả tháng sau mình đeo đuổi “giấc mơ nhà Phật”: ăn chay, chỉ có cơm và canh rau, không biết đến miếng thịt là gì”- Lâm là vậy: dù khó khăn vẫn “cứ phải cười”, vẫn thích pha trò cho mọi người.
Vất vả vẫn chưa muốn “buông tha” chàng sinh viên ấy. Đầu năm nay, Lâm đã đưa mẹ ba lần lên Hà Nội điều trị bệnh ở Bệnh viện Lao Phổi Trung ương: “Khi đưa mẹ lên Hà Nội điều trị bệnh trong túi mình chỉ có 700 nghìn, vay nặng lãi được 700 trăm nữa. Quá trình điều trị hết hơn 4 triệu, may mà cậu mợ mình giúp thêm”. Bệnh của mẹ cậu, giờ mỗi tháng phải mua thuốc uống một lần. Mà thuốc tây thì đắt lắm!
***
Ánh trăng vừa chếch bóng người, Lâm dắt chiếc xe máy tàu cũ nát mới “tậu” được với giá hơn triệu đồng ra đầu đường. Bỏ lại sau lưng sự yên lặng, êm đềm nơi xóm trọ. Tiếng xe máy nổ hoà cùng dòng người đang mưu sinh. Lâm đi bán rau đêm.
Một ngày làm việc của Lâm: Sáng đi học, chiều về học và tranh thủ chợp mắt, tối đi dạy thêm tới 11 giờ, học một “lèo” đến hai giờ, ra chợ bán rau tới tận sáng rồi đi học luôn.
Đã ba năm nay, chưa một đêm nào Lâm chợp mắt. Cậu tâm sự: “Ban đầu không quen mệt lắm nhưng làm nhiều thành quen, giờ thì mình cảm thấy bình thường rồi”.
Tôi ghé thăm phòng trọ của Lâm nằm sâu trong xóm trọ trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Hà Đông – Hà Nội). Một chiếc giường kê chiếm gần hết diện tích phòng, vài bộ quần áo đã cũ, giá sách đôi ba cuốn về kiến trúc, nồi cơm điện và một bát rau luộc sẵn. Tất cả chỉ có thế. Cậu cười bảo: “Mình bận quá nên chẳng mua được cái gì ăn”. Tôi biết cậu đang “biện hộ” cho mình.
“Và lòng còn nhiều điều muốn nói…”
Nguyễn Văn Năm – bạn học cùng lớp với Lâm cho biết: Ban đầu mình cảm thấy cậu ấy hơi lập dị, cứ mặc mãi một chiếc áo đi học. Có hôm đi học cả áo lẫn quần Lâm dính đầy nhựa rau. Nhưng khi biết được hoàn cảnh của Lâm và những thành tích mà Lâm đạt được thì mình mới thực sự “nể” cậu ấy”.
Thầy Nguyễn Văn Thịnh – Giảng viên Đại học Kiến Trúc, người hướng dẫn Lâm thực hiện đề tài khoa học: Cầu cạn và bố trí đường sắt trên không nhận xét: “Lâm là một sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em đã cố gắng rất nhiều trong học tập. Em chính là tấm gương sáng cho các sinh viên trong toàn trường chúng tôi”.
Còn cô Nhật – Giảng viên dạy môn Tiếng Anh, người theo Lâm, đã giúp đỡ cậu rất nhiều từ khi Lâm mới bước chân vào giảng đường đại học.
Cô nói: “Tôi biết tới hoàn cảnh của Lâm qua trò chuyện và tự nhủ phải giúp em một cái gì đó dù nhỏ để em tiếp tục được theo đuổi ước mơ của mình”. Thấy Lâm cần cù, thông minh nên cô tin tưởng giới thiệu cho cậu đi làm gia sư cho con những người bạn của mình để cậu có thêm tiền lo trang trải học hành.
Giờ đây, Lâm đang cố gắng hết mình cho đề tài khoa học mình tâm huyết vì: “Đây là vấn đề còn mới ở Việt Nam và khá khó”. Lâm cũng cho biết: “Mình sẽ cố gắng học thật tốt để sau này có thể được giữ lại trường tham gia giảng dạy”.
Ngoài kiến trúc, Lâm còn có một niềm đam mê vũ khí, cậu có thể thuộc lòng tên những loại súng gì, vũ khí gì, cỡ nòng, cỡ đạn, tốc độ bắn bao nhiêu….Cậu luôn mơ ước mình sẽ trở thành người chế tạo vũ khí tài ba.
Chia tay Nguyễn Văn Lâm, cậu sinh viên với dáng người gầy gầy, mái tóc xoăn đầy chất “nghệ sĩ” đang chăm chú bên bản thiết kế lòng tôi không khỏi nghĩ về một điều: Có lẽ càng trong gian khổ con người ta càng thấy hết khả năng của mình.
Nguyễn Văn Chung (vietnamnet.vn)
Bình luận (0)