Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Vượt lên số phận tiếp sức người nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Một người mẹ ung thư được yêu cầu phẫu thuật ngay đã dùng số tiền chuẩn bị cho viện phí để sửa căn nhà dột nát, sắp sập vì sợ con bị cột nhà đè trúng. Một người mẹ lao công, ở nhờ nhà thờ họ, nuôi hai đứa con học giỏi nhất khối. Một người chị sinh viên vừa học, vừa làm nuôi em ăn học…

Chị Tùng và các con – Ảnh: đoàn phim cung cấp

Những con người đầy nghị lực như vậy sẽ xuất hiện trong chương trình Vượt lên số phận, dự kiến lên sóng kênh VTV9, Ðài truyền hình Việt Nam từ đầu tháng 3-2009.  

Khởi đầu từ ý tưởng của nhà văn, đạo diễn Võ Ðắc Danh, Vượt lên số phận đã thành hình hài. Ðó là một chương trình truyền hình có tính nhân văn, dài 15 phút gồm phóng sự tài liệu về nhân vật và phần trao quà của nhà tài trợ. MC chỉ xuất hiện vào cuối chương trình với vài lời thay mặt nhà tài trợ tặng quà (hiện kim là sổ tiết kiệm) cho nhân vật – gia đình nhân vật.  

Cũng như nhiều chương trình truyền hình về người nghèo khác, Vượt lên số phận đã chinh phục chính những người làm chương trình để họ toàn tâm toàn ý và trút hết tâm huyết của mình. Ðạo diễn Vũ Minh Phương cho biết: "Chương trình cố gắng tạo nét khác biệt so với các chương trình nhân đạo khác đang phát sóng trên truyền hình. Với mong muốn tạo được độ sâu lắng hơn, chúng tôi chọn cách khai thác nhân vật theo kiểu phóng sự tài liệu".  

Quay phim kiêm đạo diễn Khôi Nguyên nhấn mạnh: "Tôi luôn cố gắng giấu lại, nén lại cảm xúc của mình với nhân vật để có thể ghi lại tất cả sự thật khách quan nhất, không dàn dựng, không diễn. Khi tham gia chương trình, tôi thật sự cảm thấy rất vui vì mình có thể đóng góp chút công sức nhỏ bé cho cộng đồng". 

Tuy chưa chính thức lên sóng, chỉ bằng sự lan tỏa thông tin trong cộng đồng, một nhân vật của chương trình đã nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời từ xã hội. Ðó là trường hợp của chị Ðoàn Thanh Tùng, làm nghề xỏ chổi lông gà, bán cá, một người mẹ ung thư vú, quyết định không đi phẫu thuật mà dùng số tiền mình có để sửa lại căn nhà dột nát vì sợ ba đứa con đang ngủ thì bị đè chết.

Khi biên kịch đến tìm hiểu gia cảnh được biết chị Tùng đã quá hạn phẫu thuật ba tháng và không còn tiền đến bệnh viện nữa. Câu chuyện về chị Tùng được một thành viên đoàn phim đưa lên blog và thật bất ngờ chỉ trong vòng 5 giờ, cộng đồng blogger xa gần cùng với một số phóng viên các báo TP.HCM đã quyên góp đủ 10 triệu đồng để chị đến bệnh viện chuẩn bị phẫu thuật.

Trong số này có chị Thanh Hương, cũng là một phóng viên, đã góp sức quyên góp bạn bè được 5 triệu đồng, đến Bình Chánh thăm chị Tùng cùng với lời hứa sẽ giúp thêm nữa để chị Tùng an tâm chữa trị. Anh Minh Triển, Việt kiều Mỹ, cũng đã đến tận nhà chị Tùng gửi tặng 10 triệu đồng, thay vì 5 triệu như dự định ban đầu.

Khi biết chuyện, giáo sư bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng đã gặp mặt, động viên chị Tùng và tạo điều kiện để chị được hỗ trợ tốt nhất từ Bệnh viện Ung bướu. Ðạo diễn trẻ Nguyễn Quý Khang ngoài việc đóng góp cho chị Tùng còn vận động những bạn bè giúp đỡ chị.

Nhiều người bằng nhiều hình thức khác nhau, đã chung sức giúp chị Tùng trước cả khi chương trình lên sóng. Tình cảm ấm áp đó từ cộng đồng khiến nhà văn Võ Ðắc Danh tự tin: "Tôi tin sẽ có nhiều khán giả đồng hành cùng chúng tôi".

“Đưa người ta một quãng đường”  

Nhà văn Võ Đắc Danh cho biết: “Chúng tôi muốn làm một chương trình tôn vinh phẩm giá con người. Từ đó sẽ tạo ra một tác dụng tốt với cộng đồng, để những người khó khăn giảm bớt áp lực trong cuộc sống và tin tưởng bên cạnh họ còn có nhiều người đồng hành, chia sẻ. 

Ý tưởng làm chương trình này đến với tôi từ một thực tế đời sống ở đồng bằng sông Cửu Long: người ta dùng đập để ngăn nước mặn, những người sức yếu thế cô khi đến đập chỉ còn biết ngồi đợi có người đến giúp mình cùng đẩy xuồng ghe qua khỏi đập để đi tiếp. Có người đợi hoài cả ngày chẳng có ai.

Chúng tôi xem chương trình như một cái nắm tay, đẩy chiếc ghe của người ta qua cái đập khó khăn và đưa họ đi một quãng đường”.

NGUYỄN TRỰC (theo TTO)

Bình luận (0)