Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vượt mặt

Tạp Chí Giáo Dục

Với tốc độ tăng trưởng kinh doanh đầy ấn tượng, Viettel đang đẹ dọa vị trí dẫn đầu trong ngành viễn thông Việt Nam của VNPT
Những con số tổng kết cuối năm của cả VNPT và Viettel đều nói lên rằng, khoảng cách giữa một tập đoàn viễn thông lớn nhất nước về doanh thu và doanh nghiệp lớn thứ hai Viettel không còn bao xa. Khả năng VNPT bị Viettel vượt mặt là hoàn toàn có thể xảy ra trong những năm tới.
So sánh với các ngân hàng quốc doanh – những doanh nghiệp hoạt động trong một lĩnh vực được coi là sinh lời nhiều, VNPT có mức lãi gấp 5 lần mức lãi cao nhất của các ngân hàng quốc doanh, ước tính 11.000 tỷ đồng trong năm 2008 trên tổng số doanh thu 53.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu so sánh với doanh thu đạt 33.000 tỷ đồng và lợi nhuận ước đạt trên 8.600 tỷ đồng của Viettel thì tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp này rõ ràng đang lớn hơn VNPT. Năng suất lao động của Viettel đạt 2,73 tỷ đồng/người/năm, gấp gần 4 lần con số của VNPT, tập đoàn mà được cho rằng phải gánh lỗ cho phần bưu chính cũng như số lượng nhân viên quá đông.
Theo ông Hoàng Anh Xuân – Tổng giám đốc Viettel, năm 2008 là năm thứ tư liên tiếp Viettel giữ tốc độ phát triển năm sau cao gấp đôi năm trước. Với những ưu thế đầu tư mở rộng sang khu vực Đông Dương, doanh thu của Viettel được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao trong các năm tới.
Năm 2009, Viettel sẽ tiếp tục phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa, mở rộng hoạt động ở Campuchia và Lào, phấn đấu đến năm 2010 sẽ là mạng viễn thông số 1 tại Campuchia.
Tại Việt Nam, năm 2008 cũng là năm đầu tiên Viettel vượt VNPT về số thuê bao di động phát triển mới và số thuê bao băng thông rộng mới với 27,4 triệu thuê bao trên hệ thống và 735.000 thuê bao băng thông rộng mới, gấp 3 lần so với năm trước. Con số của VNPT là 19,9 triệu thuê bao di động mới và 567.000 thuê bao băng thông rộng. 
Ông Phạm Long Trận – Chủ tịch HĐQT VNPT cho biết, năm 2009 dự báo sẽ có nhiều khó khăn hơn, sẽ có thêm nhiều nhà khai thác mới ra đời, bắt buộc VNPT phải làm việc nhiều hơn và năng động hơn. Hiệu quả kinh doanh của mạng lưới đang ngày càng đi xuống. Trước đây lợi nhuận trên tổng doanh thu có thể đạt 40-50%, nhưng nay lợi nhuận đã giảm xuống dưới 20%, doanh thu trung bình hàng tháng của một thuê bao di động chỉ đạt 2-3 đô-la Mỹ, bằng một nửa của các nước khác.
“Việc đua nhau khuyến mãi dẫn đến lợi nhuận của ngành ngày càng giảm dần, trong đó VNPT đã giảm 30% trong năm 2008 (so với năm 2005); và nếu cứ tiếp tục thì sẽ rất khó khăn cho VNPT. Nếu các nhà khai thác viễn thông không phối hợp với nhau, tất cả sẽ gặp khó khăn, lợi nhuận giảm sẽ, không có tiền đầu tư mạng lưới,” ông Trận khuyến cáo. VNPT xác định mục tiêu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao với tổng doanh thu dự kiến ở mức khoảng 60.000 tỉ đồng trong năm 2009, ưu tiên tiếp tục mở rộng, hiện đại hóa hạ tầng mạng viễn thông quốc gia và phát triển các dịch vụ trên nền mạng hiện đại; Phát triển các lĩnh vực dịch vụ truyền thống như điện thoại cố định, thông tin di động, dịch vụ băng rộng… cũng như thúc đẩy các dịch vụ giá trị gia tăng.
Hai doanh nghiệp đang bỏ khá xa doanh nghiệp thứ ba trong ngành –  EVN Telecom về doanh thu với độ lớn gấp 10 đến gần 20 lần.
Mộc Miên (dddn)
 
 

Bình luận (0)