Chàng sinh viên năm thứ nhất Nguyễn Văn Dương |
Khát khao đến trường, hè những năm học THCS, cậu học trò nghèo phải khăn gói từ quê nhà Chợ Mới (An Giang) đến nhà cô ở Thống Nhất (Đồng Nai) làm rẫy kiếm tiền đi học. Hiện giờ cậu học trò ấy đã là một tân sinh viên.
Thiếu tình thương của ba mẹ từ nhỏ nhưng chàng sinh viên năm thứ nhất Khoa Kỹ thuật hóa Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM Nguyễn Văn Dương (sinh 1997) luôn khiến bạn bè nể phục bởi nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Tài sản của một sinh viên, dẫu nghèo đến mấy cũng có chiếc xe đạp cà tàng, nhưng với Dương thì không.
Tuổi thơ không trọn vẹn
Chia tay bạn bè Trường THCS Bình Phước Xuân (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, An Giang) khi vừa kết thúc học kỳ I năm học lớp 8, Dương khăn gói về nhà cô sống (bà Nguyễn Thị Nghiệp, chị cùng cha khác mẹ với ba Dương – PV) ở ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Ngày đầu tiên học ở môi trường mới, Dương đã đối mặt với sự phân biệt giàu-nghèo, thêm “thằng đó bị ba mẹ bỏ rơi”. Lại được cô giáo giới thiệu là học sinh giỏi nên Dương đã phải nhận những cái nhìn không mấy thân thiện theo kiểu trẻ con. Lúc bấy giờ, Dương chỉ biết cố gắng học thật giỏi mà theo em đó là cách để thay đổi cái nhìn của các bạn về mình. Về sau, khi hiểu hoàn cảnh của Dương, các bạn ai cũng quý mến.
Dương kể, bấy giờ ở quê, em không thể tiếp tục đến trường vì kinh tế gia đình kiệt quệ. Ham học, không muốn con đường học vấn của mình phải dừng lại nên khi được người cô gợi ý về sống với gia đình để phụ làm rẫy và đi học, Dương đồng ý ngay. Công việc làm rẫy cũng không mấy khó khăn với cậu học sinh miền sông nước bởi những ngày hè trước đó, Dương cũng về đây làm kiếm tiền để về quê đi học.
Vừa đi học vừa làm rẫy nhưng học lực của Dương luôn đứng nhất nhì lớp, suốt nhiều năm liền là học sinh khá, giỏi. Kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015, Dương trúng tuyển vào hai trường: ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Tuy nhiên Dương chọn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vì đam mê ngành kỹ thuật hóa. Ở đây, Dương được các bạn tín nhiệm bầu làm lớp trưởng.
Trước ngày Dương vào ĐH, tai nạn lại xảy ra với người cô khiến mọi thứ trong gia đình gần như bị đảo lộn, kể cả chuyện học của em cũng gặp không ít khó khăn. Dương kể: Cô đi bán sầu riêng không may bị té, đầu đập xuống đất, máu bầm tụ ở não. Từ một người khỏe mạnh, sức khỏe của cô ngày càng xuống dốc, đi lại phải có người dìu hoặc ngồi xe lăn. Kinh tế gia đình đã khó lại càng khó hơn khi người lao động gần như trụ cột trong gia đình bị tai nạn…
Xa mẹ lúc 20 ngày tuổi
Mẹ Dương bỏ nhà đi biệt từ lúc em 20 ngày tuổi. Do đó, mẹ làm gì, quê quán ở đâu, Dương cũng không có một manh mối nào. Không có mẹ bên cạnh, những tưởng Dương sẽ sống trong vòng tay yêu thương của ba nhưng rồi ba lại bỏ em mà đi, không tin tức gì. Trong trí nhớ của Dương, năm em 4-5 tuổi, ba có về Tết. Cho đến nay, đó là lần cuối cùng Dương gặp ba, cảm giác như một người xa lạ.
Được hỏi về ước mơ, Dương tâm sự: “Khi có điều kiện em sẽ đi tìm ba mẹ để trả ơn họ đã sinh ra mình”. |
Khi bà mất. Dương về đưa tang bà trong nỗi đau tột cùng. Trên chuyến xe đò ngày ấy, Dương đinh ninh thế nào cũng được gặp ba, chắc chắn thế vì ba phải về chịu tang nội, nhưng không… Đó cũng là lần Dương về quê duy nhất sau 5 năm sống ở nhà cô. Dương chia sẻ: Lúc bà còn sống em hứa ráng học thành tài để trả công nuôi dưỡng nhưng nội đã ra đi sớm. Bà nuôi nấng, dạy dỗ em từ nhỏ. Bà mất em cảm thấy quá trống trải. Hồi nhỏ em mắc bệnh ban sởi, ai cũng bảo em không qua khỏi nhưng nội vẫn cố chạy chữa thuốc thang. Nội bảo: “Con sống là điều kỳ diệu, như có phép nhiệm mầu”.
Biết hoàn cảnh của Dương, nhóm Mô tô học bổng của hai nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền đã tạo chiếc cầu nối giúp đỡ em vượt qua khó khăn hiện tại. Dương đang háo hức đợi ngày đi dạy kèm, công việc làm thêm đầu tiên ở TP.HCM. Chùa Hoằng Pháp cũng cấp cho Dương một suất học bổng nhưng em từ chối vì “hoàn cảnh của các bạn còn đáng thương hơn”, hơn nữa em cũng hy vọng vào kết quả xin miễn giảm học phí của trường.
Khi được hỏi về ước mơ, Dương tâm sự: “Khi có điều kiện em sẽ đi tìm ba mẹ để trả ơn họ đã sinh ra mình”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Chi tiêu trong 1.350.000 đồng/tháng Dương cho biết bây giờ gia đình cô chỉ có thể gửi cho em 1.350.000 đồng/tháng để trang trải mọi chi phí học tập và ăn uống. Em giải thích về số tiền không được làm tròn trên: Tiền ăn mỗi ngày 45.000 đồng (15.000 đồng/bữa) x 30 ngày = 1.350.000 đồng. Hiện tại Dương ở ký túc xá của trường, đóng tiền 1 lần/năm. Em cho biết, tập vở lãnh thưởng hàng năm để dành nay vẫn còn; giáo trình, sách tham khảo thì tranh thủ đọc ở thư viện; từ chối các buổi tiệc, nhịn ăn sáng để có khoản dư đóng tiền quỹ lớp. |
Bình luận (0)