Mới đây tại TP.HCM, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải Tác giả trẻ và giải Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022. Trong số đó, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa và nhà thơ Trần Đức Tín là người trẻ từng trải qua nhiều khó khăn, biến cố trong cuộc sống nhưng thơ, văn đã giúp họ mạnh mẽ vượt lên số phận. Không chỉ vậy, họ còn dùng những vần thơ văn của mình để trao niềm tin và hy vọng cho những người đang sống.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều và Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân trao giải Nữ nhà văn ấn tượng năm 2022 cho nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa
Viết văn, dạy trẻ
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa sinh ra ở vùng đất Ninh Thuận khô cằn, quanh năm chỉ có nắng gió và cát bỏng. Chất con người xứ ấy đã mạnh mẽ, rắn rỏi, cộng với hoàn cảnh nên nghị lực và quyết tâm của nữ nhà văn Kim Hòa lớn gấp nhiều lần.
Nhà văn Kim Hòa cho biết, sinh ra vốn bình thường như bao người khác nhưng đến năm 2 tuổi, chị bị sốt cao dẫn đến bị liệt cả tay phải và nửa cánh tay trái. Sau khi đã chữa trị nhiều nơi không thành công, cha mẹ chị đành chấp nhận số phận. Dải đất miền Trung nhiều nắng gió, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, thấu hiểu hơn ai hết cha mẹ chị Kim Hòa vẫn cho chị đến trường. Tốt nghiệp lớp 12 loại giỏi, chị vào TP.HCM học tiếp cao đẳng. Ra trường đi làm được hơn 1 năm nhưng do hoàn cảnh gia đình bắt buộc chị quay trở về quê, mở lớp dạy học cho những trẻ em quanh vùng. Chị dạy được cả hai môn văn và tiếng Anh.
Năm 2009, chị Kim Hòa đã sáng tác văn chương với nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện thiếu nhi, truyện dài và cả tản văn. Chất liệu để chị sáng tác đó chính là cuộc sống và thiên nhiên ở vùng đất Ninh Thuận – nơi mà chị được sinh ra và lớn lên. Trong 14 năm qua, chị Kim Hòa đã xuất bản 15 cuốn sách. Các tác phẩm của chị đa phần dành cho thiếu nhi, chủ yếu là lớp học nhỏ do gia đình tự mở và chị là người đứng lớp. “Sinh ra ở xóm nghèo, các bé không có điều kiện để được giáo dục hoàn chỉnh. Điều đó đã tự nhiên đi vào trang viết và trở thành nhân vật trong tác phẩm của tôi”, chị Kim Hòa chia sẻ.
Chính vì cuộc sống khó khăn, học sinh không có điều kiện nên các sáng tác của chị Kim Hòa đều dành cho các em nhỏ. “Tôi dùng sách của mình dạy các em. Như vậy, tôi vừa có lượng độc giả cứng vừa được các em cổ vũ để cho ra đời tác phẩm mới”, chị Kim Hòa bật mí.
Không chỉ cho các em kiến thức, chị Kim Hòa còn tạo lập thói quen đọc sách cho các em nhỏ. Chị mở lớp cho các em đọc sách và tìm hiểu về văn học. Chính tình thương các em nhỏ chị Kim Hòa đã trở thành “người mẹ” của các em, góp phần vun đắp ước mơ về những con chữ cho trẻ ở vùng đất đầy nắng gió. “Dù hiện tại tôi phải điều trị bệnh cột sống nhưng tôi vẫn thực hiện sứ mệnh của mình đó là viết văn và dạy cho các em nhỏ. Mong muốn của tôi là được nhìn thấy các em trưởng thành và tích lũy vốn kiến thức phong phú để vào đời”, chị Kim Hòa bày tỏ.
Nhà thơ Trần Đức Tín (bìa trái) nhận giải Tác giả trẻ năm 2022
Tìm niềm vui và hạnh phúc
Trần Đức Tín là một trong 2 tác giả trẻ TP.HCM đoạt giải Tác giả trẻ năm 2022 và là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Trước giải thưởng Nhà văn trẻ do Hội Nhà văn TP.HCM trao cuối năm 2021, Trần Đức Tín đã được thừa nhận trong cộng đồng văn chương trẻ như là một trong những cây bút sáng tác sung sức và triển vọng bậc nhất khi đoạt rất nhiều giải thưởng từ các cuộc thi thơ khác nhau do Báo Văn nghệ, Tập san Áo Trắng tổ chức; thi thơ đồng bằng sông Cửu Long…
Nhà thơ Đức Tín cho biết: “Sau tất cả những nỗi đau, thơ đã nhen nhóm, thôi thúc điều gì đó về sự sống, niềm tin trên từng con chữ. Tôi biết, có thể tôi đã quá lời về thơ nhưng tôi thấy con người có thể tốt, có thể xấu nhưng thơ chưa bao giờ làm điều xấu. Tôi, chúng ta, có thể rời bỏ thơ nhưng thơ chưa bao giờ rời bỏ lòng ta”. |
Nhà thơ Đức Tín cho biết, thơ đến với anh trong những lúc anh rơi vào biến cố cuộc đời, cùng cực nhất, trong bóng tối mịt mù, chỉ có thơ vẫn ở lại, không rời bỏ anh. Chính thơ đã cho anh niềm tin vào con người. “Sau tất cả những nỗi đau, thơ đã nhen nhóm, thôi thúc điều gì đó về sự sống, niềm tin trên từng con chữ. Tôi biết, có thể tôi đã quá lời về thơ nhưng tôi thấy con người có thể tốt, có thể xấu nhưng thơ chưa bao giờ làm điều xấu. Tôi, chúng ta, có thể rời bỏ thơ nhưng thơ chưa bao giờ rời bỏ lòng ta”, nhà thơ Đức Tín bộc bạch.
Đức Tín sinh ra ở vùng đất cuối cùng ở Cửu Long – Cà Mau. Anh hiểu đất quê mình không muốn hóa rồng, anh làm thơ và không muốn bất cứ thứ gì phủ lên nỗi đau hay hạnh phúc của anh, của làng, của lúa nước và tổ tiên mình. Vì anh biết, tất cả những gì ông cha mình muốn là bình yên, là hạnh phúc. Mà chúng ta chỉ thật sự hạnh phúc, thật sự bình yên khi và chỉ khi ta sống bằng lòng tốt, đối đãi bằng lòng tốt và thở bằng lòng tốt. Và anh cho rằng thơ sẽ làm tốt điều đó. Cũng vì vậy, trong thơ, anh lưu lại tiếng “à ơi” của mẹ Việt, của chiếc áo bà ba, những rặng đước, tàu dừa che mát tuổi thơ trên đường quê mỗi bận đi học về. Tác giả trẻ cũng lưu lại cái thở dài của cha vì những trận bão, đôi mắt của những chiếc thuyền đánh cá trập trùng biển khơi, câu đồng dao hồn nhiên, điệu ca cổ ngọt ngào và những nụ cười bội thu của đồng quê bát ngát… Trong thơ, anh cũng lật giở lại những trằn trọc của tổ tiên, những khát vọng, ước mong cống hiến của từng lớp người đến và đi như sóng. Sóng đời nào cũng thế, sóng triền miên vỗ. “Tôi hy vọng, mình sẽ là phần nhỏ của một giọt nước nhỏ góp sức cùng lớp người thế hệ tôi, tạo nên một con sóng nào đó để tiếp nối những khát vọng của ông cha, của nước non, của tiếng Việt thân thương máu thịt này. Và may mắn cho tôi, những người yêu thơ đã bồi đắp, thắp lên thêm ngọn lửa trong tôi, ngọn lửa về lòng tốt con người vì thơ đã khiến cho chúng ta gần nhau thêm bước nữa”, nhà thơ Đức Tín bày tỏ.
Kiều Khánh
Bình luận (0)