Ngồi trò chuyện với Nguyễn Thị Phóng, vừa tốt nghiệp loại giỏi Khoa Nhạc cụ dân tộc Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM, tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi sự chân tình, nụ cười lạc quan yêu đời. Phóng đã vượt qua bóng tối bằng nghị lực phi thường để khẳng định rằng, cuộc sống của người khuyết tật không phải là vô dụng.
Nói về cô sinh viên đặc biệt này, nghệ sĩ Nhất Dũng – giảng viên Khoa Nhạc cụ dân tộc hết lời ngợi khen: “Tôi rất phục tinh thần vượt khó, vươn lên của Phóng. Với một sinh viên bình thường học Khoa Nhạc cụ dân tộc đã khó, huống chi một người khiếm thị như Phóng lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, suốt những năm học ở trường, Phóng luôn là một sinh viên chuyên cần, học giỏi. Tất cả những khó khăn đều “chào thua” cô sinh viên đầy nghị lực này…”.
Trong quá trình thực tập, trong khi các bạn sinh viên cùng khoa chọn cho mình những sân khấu, tụ điểm lớn của thành phố để nhanh chóng tiếp cận thực tế, ra trường có “đất” dụng võ tốt. Còn Phóng âm thầm xin về thực tập tại Trường Khuyết tật Vĩnh Long để dạy nhạc cho các em đồng cảnh ngộ. Phóng cho biết: “Với người khiếm thị như tôi, dạy đàn tranh rất khó. Lúc đầu, tôi phải rờ vào tay từng em mới biết các em đàn đúng hay sai. Dần dần thì quen, tôi chỉ cần nghe tiếng nhạc là biết các em bấm dây đàn đúng hay sai, biết bị khuyết điểm chỗ nào để sửa…”.
Tôi hỏi: “Có khi nào Phóng thấy mặc cảm vì sự khuyết tật của mình?”. Phóng gật đầu thú nhận: “Nhà tôi ở huyện Trà Ôn – tỉnh Vĩnh Long, rất nghèo. Căn bệnh ban đỏ quái ác đã cướp đi ánh sáng của tôi dù ba mẹ đã bán đi mấy công ruộng để chạy chữa nhưng vô hiệu. Hồi còn nhỏ, tôi rất mặc cảm, chỉ biết quanh quẩn ở nhà vì sợ các bạn đồng trang lứa trong xóm thấy tôi mù lòa mà chọc ghẹo, khinh khi. Mãi đến năm 14 tuổi, tôi tình cờ quen với một người bạn cùng cảnh ngộ qua radio, và cũng nhờ đó, tôi được tiếp xúc với chữ nổi, được đến trường học hòa nhập nên đã xóa đi mặc cảm tật nguyền của mình…”. Ngoài học chữ, Phóng còn sinh hoạt ở nhóm đờn ca tài tử. Phóng hát rất hay và học đàn rất nhanh. Năm lớp 9, Phóng cùng lúc đoạt hai huy chương vàng về đàn tranh và hát trong Liên hoan đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long. Nhờ thế, Phóng được tỉnh đặc cách cho lên TP.HCM ôn luyện và thi đậu vào Trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP.HCM (nay là Trường Đại học Sân khấu điện ảnh). Thời sinh viên, ngoài việc đến giảng đường, hàng đêm Phóng còn đi đàn và hát cho các nhà hàng, quán ăn ở khu vực quận 7 (nơi cô ở trọ) để tự trang trải cuộc sống. Năm 2008, Phóng được Thành đoàn TP.HCM trao tặng danh hiệu Thanh niên tiên tiến cấp TP. Phóng kể cho tôi nghe về những lần được xuất hiện trên ti vi, lần nào cũng vậy, lượng thư gửi về trường nhiều đến độ Phóng đọc và hồi âm không xuể. Có những lá thư của các bạn, cô chú, nhất là của các em nhỏ đồng cảnh ngộ với những lời cảm thông, chia sẻ, đọc xong, Phóng ứa nước mắt vì cảm động. Chính vì điều này mà sắp tới, Phóng quyết định về dạy chính thức tại Trường Khuyết tật Vĩnh Long. “Tôi muốn giúp các em khuyết tật, khiếm thị có niềm tin, không còn mặc cảm nữa. Tôi sẽ đem tất cả những kiến thức âm nhạc, tình yêu thương đến cho các em, để các em biết rằng, trên cuộc đời này còn nhiều tình thương lắm…” – Phóng tâm sự như thế!
Bài, ảnh: ĐẠI NGHĨA
Bình luận (0)