Học viên học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài tại Yola |
Du học ở một quốc gia mình yêu thích là niềm mơ ước của không ít bạn trẻ hiện nay, tuy nhiên, du học sinh (DHS) sẽ phải đối phó với rất nhiều khó khăn trong suốt hành trình 3-5 năm du học. Trở ngại đầu tiên mà nhiều DHS phải đối phó chính là văn hóa – nếp sinh hoạt nơi quốc gia du học.
Đủ tình huống bi hài
Rất nhiều DHS phải đương đầu với hàng loạt khó khăn khi bắt đầu bước chân đến một đất nước xa lạ. Minh Quyên, DHS một trường ĐH tại Nhật Bản không quên được “kỳ tích” nhậu nhẹt đầu tiên mà cô trải qua khi vừa sang nước này một tuần. Số là cô được mời tham dự một cuộc gặp gỡ giữa những thành viên trong gia đình chủ nhà. Lần đầu tiên uống rượu Sake nhưng vì phép lịch sự nên Quyên đã không ngần ngại uống cạn ly rượu đầu tiên. Rồi Quyên tiếp tục được chủ nhà rót đầy ly thứ 2, thứ 3 cho đến ly thứ 5 thì cô buộc phải nói: “Cám ơn! cháu uống đủ rồi”. Nhưng một số thành viên trong gia đình vẫn không ngừng rót rượu dù cô đã cố gắng uống cạn ly rượu rồi xua tay. “Mãi sau này, tôi mới biết được quy luật của họ là không được để ly rượu của khách cạn. Bạn cũng không được tự tay rót rượu cho mình mà phải để những người cùng bàn “chăm sóc”. Đó là phép lịch sự và cũng là lễ nghi tại Nhật Bản”, Minh Quyên kể lại.
Không chỉ Nhật Bản, đất nước vốn chuộng lễ nghi, quy tắc mà ngay tại Mỹ – đất nước được coi là biểu tượng của sự tự do, phóng khoáng – cũng khiến nhiều DHS tưởng mình… thiếu được tôn trọng. “Lần đầu tiên, khi được một cậu bạn người Mỹ hỏi “How are you?” (Thế nào, khỏe không?), tôi liền trình bày một tràng dài. Đột nhiên, tôi thấy những người xung quanh nhìn chằm chằm với ánh mắt ngạc nhiên cứ như tôi là con người kỳ quặc. Họ còn nói chuyện khá to và thậm chí nhại lại giọng của tôi nữa. Khi tôi lại gần một cô bạn, cô ấy lập tức lùi lại mấy bước cứ như thể tôi sắp gây nguy hiểm cho cô ta vậy. Đôi lúc, tôi thấy mình như lạc lõng, bị để ý và stress kinh khủng. Nhưng khi nhận ra đó là những điều rất bình thường ở đất nước này thì tôi hiểu rằng: À, văn hóa tự do của Mỹ là thế. Trong xã giao hằng ngày, họ không nói những câu dài, rất coi trọng sự an toàn cá nhân và nói to là để mọi người cùng nghe thấy”, Nam Lê – DHS Trường ĐH Stanford – nhắc lại cảm giác lúc mới sang Mỹ.
Bên cạnh những vấn đề thường gặp trong văn hóa giao tiếp ứng xử hằng ngày với người dân bản xứ, một số bạn trẻ còn thấy kém may mắn khi phải ở homestay với những chủ nhà kỹ tính, quá tiết kiệm hoặc gia đình có người già, trẻ nhỏ. My Trần – DHS ở New Zealand – là người từng trải qua tình huống tương tự. “Bà chủ nhà đưa cho em một danh sách dài những sinh hoạt liên quan đến điện nước phải tiết kiệm vì giá cả ở New Zealand rất đắt đỏ, nhất là vào mùa đông. Nào là không được bật máy nước nóng quá 5 phút, không tắm quá lâu, không sử dụng máy vi tính sau 22 giờ, rồi phải sạc pin các loại ở trên trường hoặc nơi công cộng… Nhiều lúc em thấy thật khó chịu khi bị để ý từng việc làm nhỏ nhặt của mình, thậm chí có lần đang tắm thì bị gõ cửa”, My Trần ấm ức nói.
Khắc phục không khó
Bỡ ngỡ, đó là cảm giác chung của bất cứ ai khi phải xa nhà và sinh hoạt ở một vùng đất khác. Ở Mỹ và các nước phương Tây, trẻ em thường được cha mẹ tập cho tính tự lập từ bé. Đến tuổi thiếu niên hay thanh niên, nhiều người đã phải dọn ra ở riêng hay sống tự lập hoàn toàn. Còn ở Việt Nam, con cái có thể sống với cha mẹ từ bé cho đến khi học ĐH và nhiều khi còn được bố mẹ nuôi cho đến hết thời kỳ đèn sách. Với sự bảo bọc của phụ huynh như vậy, không ít bạn đã bỡ ngỡ khi bước vào đời với bao điều mới lạ. Trong những thứ mới lạ đó, điều hay ho đáng học hỏi cũng có, mà cạm bẫy đưa đẩy các bạn sa ngã cũng nhiều.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sốc văn hóa”. Trong đó, bất đồng ngôn ngữ cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản. Lê Nguyễn, một DHS đang theo học tại Trường ĐH Bách khoa Bucharest (Rumani), cho rằng các sự khác biệt về văn hóa và trình độ ngoại ngữ kém khiến DHS Việt Nam ngại giao tiếp với sinh viên nước ngoài. Nhưng họ càng ngại giao tiếp thì càng làm cho vốn ngoại ngữ của mình đã kém lại càng kém hơn. “Do đó, các DHS nên mạnh dạn giao tiếp và chuẩn bị thật tốt về ngôn ngữ để có thể giao tiếp với người nước ngoài bởi chỉ có như vậy các bạn mới tự tin hơn trong giao tiếp và hơn hết, đó là cơ hội quý giá mà chỉ khi ra nước ngoài bạn mới có được”, Lê Nguyễn khẳng định. Bên cạnh đó, DHS cần tìm hiểu thật kỹ trước về đất nước, con người và tập quán ở nơi mà mình sắp đến thông qua các tổ chức du học hay hội sinh viên người Việt, nguồn thông tin khác từ internet hoặc sách báo… Càng hiểu kỹ về văn hóa nước sở tại thì mức độ và thời gian “sốc văn hóa” sẽ giảm đi rất nhiều và khả năng thích nghi sẽ nhanh hơn.
“Ngoài ra, DHS cũng cần chuẩn bị về mặt tâm sinh lý để đón nhận “sốc văn hóa” nơi xứ người. Cần tự hào về nền văn hóa gốc của mình nhưng cũng phải biết cách chấp nhận và tôn trọng nền văn hóa bản xứ hay các nền văn hóa khác đang tồn tại song hành với nền văn hóa bản xứ”, Minh Quyên khẳng định.
Bài, ảnh: Linh Vy
Bình luận (0)