Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Vượt qua đột quỵ

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Nguyễn Thị Bính (phải) cùng với chị Thành sau khi sức khỏe hồi phục 

Đột quỵ được đánh giá là một trong 10 nguyên nhân gây ra tử vong, vì thế đây là căn bệnh thật sự nguy hiểm cho tính mạng con người. Theo BS Lâm Văn Cường – Phòng khám BV Nhân dân Gia Định, đột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não, xuất huyết não, đó là tình trạng rối loạn chức năng thần kinh như hôn mê, nói mớ, liệt nửa người… với biểu hiện nhanh, đột ngột ít khi biết trước.

Sống chết trong gang tấc

Trong một lần đi thăm nhà sui gia về, bà Nguyễn Thị Bính, SN 1935 – ngụ ở P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM bỗng thấy đau đầu dữ dội sau đó tay chân cứng đơ và ngất tại chỗ. Bà Bính kể: “Bữa đó sau khi bị nhức đầu, tôi bỗng thấy mặt mày choáng váng, mắt mờ nhìn không thấy gì cả một lúc sau thì xỉu lúc nào không hay”. Biết là bà Bính đã bị tai biến mạch máu não nên người nhà đã chở bà kịp thời vào BV Bình Thạnh. Ở đây, các BS của BV chẩn đoán là bà bị đột quỵ não nên nhanh chóng thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời. Các BS ở đây cho biết, nếu bà Bính không được đưa đi cấp cứu kịp thời thì có thể bị ảnh hưởng đến tính mạng vì đây là căn bệnh rất nguy hiểm.

Dựa vào tiến triển của bệnh, đột quỵ có thể được chia ra làm 5 loại như: thiếu máu cục bộ thoáng qua, thiếu máu cục bộ có hồi phục, khỏi một phần và di chứng kéo dài, khó hồi phục, diễn tiến đến tử vong. Có trường hợp cơn đột quỵ biểu hiện ra ngoài như: mờ mắt, méo miệng, đi đứng mất thăng bằng nhưng có trường hợp người nhà và cả bệnh nhân vẫn không nhận ra cơn đột quỵ đang xảy ra. Chị Thành – con dâu bà Bính kể lại: “Lần đầu tiên mẹ tôi bị bệnh này mà cả nhà không ai biết vì cứ tưởng là mệt mỏi bình thường nhưng sau đó bà nói lơ mơ, chân tay yếu chỉ ngồi một chỗ nên mới biết là bà bị xuất huyết não. Sau khi bị nặng thì bà liệt một chân trái, trí nhớ giảm sút”.

Đột quỵ do xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ dần dẫn đến thiếu máu cho vùng não do mạch máu đó chi phối. Khi đó máu lên não đã bị gián đoạn bất ngờ hậu quả là tế bào não bị chết do thiếu ôxy. Cao huyết áp cũng là nguyên nhân chính gây ra vỡ mạch máu và gây ra tình trạng xuất huyết não. Biểu hiện rõ nhất của đột quỵ là ngất xỉu, nói không thành lời, choáng váng và không làm chủ trong việc vệ sinh cá nhân. Do xảy ra một cách đột ngột không có biểu hiện báo trước như các bệnh khác nên rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.  

Vì trong nhà có người làm ngành y nên bà Bính luôn được sơ cứu kịp thời tại chỗ. Chị Thành cho biết, khi người nhà bị đột quỵ phải gọi xe cấp cứu ngay. Trong lúc chờ đợi để bệnh nhân nằm yên một chỗ, nới lỏng quần áo, theo dõi nhịp thở và sắc diện. Nếu bị ói thì cũng thực hiện một cách nhẹ nhàng. Khi thấy bệnh nhân cắn vào lưỡi thì nên lấy đũa hoặc muỗng ngăn cản liền.  Tại BV, bà Bính được các BS cho thở máy, an thần để cung cấp đủ ôxy cho não, uống thuốc hạ huyết áp, chống phù não, kiểm soát tình trạng đông máu tốt.

Khống chế cao huyết áp và bệnh tim mạch

Theo lời kể của bà Bính, cách đây 10 năm bà đã bị cao huyết áp tuy nhiên được sự tư vấn của BS đã tìm cách kéo giảm huyết áp xuống ở mức thấp nhất bằng cách hạn chế ăn mặn, các chất béo, không ăn các loại cà muối, dưa chua. Vốn có nguy cơ bệnh tiểu đường nhưng bà Vân đã tìm cách phòng tránh như hạn chế chất bột đường, chất ngọt, tăng cường chất xơ từ rau xanh, hoa quả để giảm béo. Đây cũng là cách hạn chế các bệnh về tim mạch  nếu có tiền sử từ gia đình. Tai biến mạch máu não để lại hậu quả là nằm một chỗ nên cần phải vận động, tránh lở loét do ít đi lại. Có thời gian nằm một chỗ bà Bính luôn được con cháu thay đổi tư thế mỗi ngày vài ba lần để tránh nhức mỏi và lở loét. 

Cũng theo lời khuyên BS, những người có nguy cơ đột quỵ hạn chế làm việc quá sức, tránh tắm đêm nhất là khi trời lạnh, cơ thể đang mệt mỏi. Thực tế cho thấy không ít thanh niên trai trẻ đã tử vong do đột quỵ vì chủ quan với phong độ sức khỏe của mình. Về tinh thần nên sống thanh thản, tránh căng thẳng về thần kinh, hạn chế “bốc hỏa” có nhiều giận dữ gây xúc động mạnh. Đối với người già cần ngủ đủ giấc, không để táo bón kéo dài. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên với các động tác nhẹ nhàng, tránh tập các môn quá sức như gym, tạ, chạy bộ… Nên ăn các loại thức ăn mềm dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa, nước ép trái cây nhiều sinh tố. Nếu có cuộc sống lành mạnh và đầy đủ kiến thức về sức khỏe thì ai cũng có thể đẩy lùi được căn bệnh nguy hiểm chết người này.

Bài, ảnh: Quang Phan

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)