Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Vượt qua “khuyết tật”

Tạp Chí Giáo Dục

Vượt qua khó khăn, mặc cảm trước cơ thể khuyết tật, Phan Thị Rát (quê Ninh Thuận) đã nỗ lực học tập, hòa nhập và làm việc nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình. Hiện Rát đang làm công việc tư vấn kỹ năng tìm việc làm cho người khuyết tật.

Phan Thị Rát tại hội nghị chia sẻ khó khăn của sinh viên khuyết tật tổ chức ở TP.HCM

Khi khuyết tật không còn là sự bất hạnh

Phan Thị Rát sinh năm 1990 trong gia đình có 6 người thì hết 4 người bị khuyết tật, đó là cha, chị gái, em gái và Rát. Ngày mới sinh, cũng như bao đứa trẻ khác, cô bé Rát khỏe mạnh, nhanh nhẹn nên cha mẹ không giấu được niềm vui, hạnh phúc. Thế nhưng, gần 5 tuổi, giống như chị gái chịu ảnh hưởng từ cha, tứ chi của cô bé Rát bắt đầu co rút và dần dần bị liệt hẳn. Gia đình khó khăn, kinh tế phần lớn trông chờ vào mẹ, nhưng vì ham học nên cô bé được gia đình tạo điều kiện đến trường… Suốt chặng đường học tập, cô bé phải nhờ đến sự giúp sức của người thân, bạn bè trong việc di chuyển cũng như sinh hoạt cuộc sống. Ý thức được những khó khăn của bản thân và gia đình, cô bé đã không ngừng nỗ lực học tập để đạt thành tích tốt trong những năm học phổ thông, đặc biệt chị học rất giỏi môn tiếng Anh và lịch sử.

Đến khi vào ĐH (học chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Mở TP.HCM), Rát vẫn duy trì thành tích học giỏi, luôn nằm trong top ba sinh viên có điểm số cao nhất khoa. Mặc dù luôn đạt thành tích giỏi trong học tập, nhưng bản thân Rát vẫn không thể vượt qua mặc cảm tật nguyền. Nhớ lại chặng đường học phổ thông cho đến năm thứ nhất ĐH, Rát sống khép kín, hay khóc trước ánh nhìn của người xung quanh và luôn cảm thấy tự ti. Thậm chí, trước những lời trêu ghẹo của bạn bè lúc nhỏ, Rát đã từng nghĩ đến cái chết để giải thoát bản thân. Thế nhưng nghĩ đến gia đình vất vả, nghĩ đến cha, chị gái cũng khuyết tật nên Rát tự động viên mình phải cố gắng, học tốt mới có thể hòa nhập và thay đổi bản thân.

Năm 2013, Phan Thị Rát là một trong 12 người khuyết tật tiêu biểu nhất Việt Nam được vinh dự giao lưu với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ngoài ra, Rát còn tham gia nhiều hoạt động giao lưu, truyền cảm hứng cho người khuyết tật…

Vào ĐH là thời điểm giúp Rát thay đổi bản thân, từ cô gái tự ti, sống khép kín, chỉ biết vùi đầu vào học tập, Rát trở nên tự tin, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và truyền cảm hứng đến người xung quanh. Đó là nhờ vào suất học bổng do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) trao, tạo cơ hội để Rát tham gia các lớp học hòa nhập, phát triển bản thân. “So với người bình thường, người khuyết tật không chỉ thiệt thòi về vẻ ngoài cơ thể mà tâm hồn cũng bị tổn thương. Bản thân tôi không dễ dàng thoát được suy nghĩ tật nguyền là gánh nặng cho người thân và mọi người xung quanh. Chỉ khi tham gia DRD, tôi đã có được cơ hội tìm lại sự tự tin. Mạnh dạn mở lòng, biết lắng nghe, chia sẻ khó khăn với người xung quanh. Lúc này tôi nhìn nhận được rằng khuyết tật cơ thể chỉ là bất tiện chứ không còn bất hạnh”, Rát cho biết.

Quay lại phục vụ cộng đồng

Nhận thấy nhiều sinh viên khuyết tật cũng đối diện với những khó khăn mà bản thân mình đã trải qua, trong quá trình tham gia DRD, Rát đã thành lập nhóm “Đột phá” nhằm mục đích giúp sinh viên khuyết tật được học tập, hoàn thiện các kỹ năng giao tiếp cũng như hướng dẫn các em về đường đi, cung cấp thông tin nhà trọ… Năm 2014, sau khi tốt nghiệp ĐH, với những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm có được, Rát quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển công việc tư vấn kỹ năng tìm việc làm cho người khuyết tật tại DRD và được nhận. Công việc hằng ngày là: Xem xét hồ sơ, tùy theo dạng tật, Rát cung cấp các địa chỉ có nhu cầu tuyển dụng, tư vấn kỹ năng viết CV cũng như xác định một công việc phù hợp cho người có nhu cầu. Tuy nhiên, trước khi có được những thông tin tư vấn thiết thực, Rát và nhóm nhân viên làm cùng trực tiếp đến nhà tuyển dụng khảo sát điều kiện làm việc, thu nhập… Tính đến nay, sau 4 năm gắn bó với công việc, Rát giúp hơn 300 người khuyết tật trên cả nước tìm việc mỗi năm. Đặc biệt là nhiều sinh viên khuyết tật đã được Rát tư vấn tìm được việc làm phù hợp.

Với công việc hiện tại, Rát luôn mong muốn giúp cho nhiều người khuyết tật tìm được việc làm phù hợp hơn nữa. Bởi cách tốt nhất để họ hòa nhập được với cộng đồng xã hội là có việc làm, có thu nhập để nuôi sống bản thân. Ngay như Rát, đi làm không chỉ có thu nhập nuôi sống bản thân mà còn giúp em tự tin hơn. Ngoài ra, với số tiền tiết kiệm hàng tháng, Rát còn gửi về phụ giúp gia đình khiến em có động lực vượt qua khó khăn hơn nữa…

Minh Phương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)