Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vượt qua thử thách nhờ bình tĩnh sống

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian không đợi ai, nên người trẻ kháo nhau sống khát khao, sống hết mình, đến tận cùng cảm xúc, nhưng đừng nhầm với sống ẩu, sống cuồng.

Vượt qua thử thách nhờ bình tĩnh sống - Ảnh 1.

Nhà báo Trần Mai Anh, mẹ nuôi của "chú lính chì" Thiện Nhân từng bị bỏ rơi ở Quảng Nam năm 2006 khi còn sơ sinh, bị súc vật ăn mất chân phải và bộ phận sinh dục. Vợ chồng chị đã đưa con đi Mỹ, Italy để tái tạo bộ phận sinh dục, trở thành người có ích cho xã hội. Chị cho rằng làm việc tốt chỉ tốt thôi là không đủ, cần phải có kỹ năng, kiến thức, cân bằng giữa cảm xúc con tim và sự tính toán của lý trí – Ảnh: TRẦN NHI

Những ngày đầu năm 2018, giới trẻ TP.HCM có dịp lắng nghe chia sẻ về câu chuyện bình tĩnh sống từ ba diễn giả là tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, nhà báo Trần Mai Anh, họa sĩ Đỗ Chí Hiếu (Bút Chì).

Năm 2017, Đặng Hoàng Giang đồng hành cùng những người cận tử để rồi nhận ra, muốn có một cuộc sống bình tĩnh, viên mãn, chúng ta nên chuẩn bị tâm lý chào đón cái chết. Với nhà báo Trần Mai Anh, cuộc sống không thể thiếu những bi kịch ta phải chấp nhận, chọn lựa và hướng thái độ tích cực, bình tĩnh đón nhận. Riêng họa sĩ Bút Chì khuyến khích khán giả tìm đến ngôn ngữ nghệ thuật, nơi con người ta được là chính mình.

Nhà báo Trần Mai Anh kể về giây phút mất bình tĩnh của chị khi chứng kiến con trai Thiện Nhân bị nhiễm trùng vết thương khi về nước, sau ca phẫu thuật kéo dài gần 10 tiếng ở Italy. "Tôi cố gắng hết sức giữ bình tĩnh, suy nghĩ tích cực. Nhưng tôi đã không làm được. Tôi tháo từng lớp băng, nhìn vết thương nhiễm trùng, trong tôi sụp đổ hoàn toàn".

Rất khó khăn để "chú lính chì" Thiện Nhân được sang Italy phẫu thuật. Chi phí ca phẫu thuật 1,5 tỷ đồng được quyên góp từ cộng đồng. Vết thương Thiện Nhân nhiễm trùng, chị Mai Anh rơi vào bế tắc. 

Bình tĩnh lại, chị trình bày và mời bác sĩ về Việt Nam chữa cho Thiện Nhân. Từ đây, mở ra một chuỗi hành trình kết nối giữa các bác sĩ ở nước ngoài về khám và chữa bệnh cho trẻ em Việt.

Mai Anh nói, dù trong hoàn cảnh nào, sau cùng phải bình tĩnh mới giải quyết được vấn đề. Theo chị, để sống bình tĩnh giới trẻ phải có sự quyết đoán. 

Cuộc sống mở ra nhiều cánh cửa, sự chọn lựa, buộc ta phải mạnh mẽ quyết định chứ không thể lưỡng lự mãi. Lúc ấy, ta chỉ việc tiến về trước, còn sau đó, thế giới tốt hay không tốt, hãy đón nhận bằng thái độ bình tĩnh.

Nhà báo Trần Mai Anh

Người mẹ nuôi đầy dũng cảm và đáng nể phục của bé Thiện Nhân (12 tuổi) chia sẻ thêm: "Cuộc sống trở nên thú vị bởi nó mất cân bằng. Chặng đường nào cũng có bước hụt, bước chênh hòng thử thách bản lĩnh của chúng ta. 

Hãy ví mình như con lạc đà qua sa mạc. Dẫu thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, nó cứ đi nhởn nha, từ tốn và hết sức bình tình. Những hạt cát xung quanh nó luôn lấp lánh dưới ánh mặt trời".

Để nói về bí quyết sống bình tĩnh, tìm lại chính mình, họa sĩ Đỗ Hữu Chí đã gợi ý cho giới trẻ 3 cách: sống trung thực với con tim, dành thời gian một mình, học thêm ngôn ngữ nghệ thuật.

Vượt qua thử thách nhờ bình tĩnh sống - Ảnh 5.

Họa sĩ Đỗ Hữu Chí chia sẻ cứ sống YOLO (You Only Live One) thôi, đến một lúc mệt mỏi thì ngồi nghỉ. Cuộc sống khắc sẽ tự cân bằng – Ảnh: TRẦN NHI

Người sáng lập ngôi nhà Toa tàu nói rằng lý trí luôn bị tác động, bị ảnh hưởng từ muôn vàn thứ trong thế giới này, nhưng bạn hãy chỉ nghe con tim mà thôi. "Chúng ta luôn bị bắt phải học cái này, làm cái kia, trở thành người của gia đình mong muốn, xã hội kỳ vọng. Chúng ta không được dạy phải sống cho đam mê, sở thích của mình trước nhất", anh nói.

Anh cũng chỉ ra rằng khi quyết định sống theo con tim hẳn sẽ trở nên đơn độc vì sẽ khác với số đông, không tránh cảm giác "lạc loài". 

Lúc này, giới trẻ nên dành 15 phút mỗi ngày ngồi một mình, ở nơi có thiên nhiên càng tốt, để soi xét bản thân rồi đây sẽ khám phá được nhiều điều hay, sau đó, học một môn nghệ thuật như vẽ, đàn hát, múa… 

Nghệ thuật là ngôn ngữ để biểu đạt tâm hồn, để tìm được giây phút thanh thản.

Vượt qua thử thách nhờ bình tĩnh sống - Ảnh 6.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nói rằng để người trẻ cởi trói mình khỏi máy móc khô khan, cần có sự tiếp xúc, tương tác giữa con người với con người – Ảnh: TRẦN NHI

Khán giả lặng đi khi nghe tiến sĩ Đặng Hoàng Giang kể về hành trình cận tử. Anh nói rằng, mọi người vẫn thường né tránh khi nói về cái chết. 

Chỉ khi đã hiểu thật rõ cái chết, biết rằng cái chết không ở nơi xa lạ mà là một phần của cuộc sống và nó sẵn sàng tìm đến ta bất cứ lúc nào, khi ấy chúng ta mới có được cuộc sống bình tĩnh, viên mãn.

Vượt qua thử thách nhờ bình tĩnh sống - Ảnh 8.

Khán giả theo dõi chương trình ngày 5-1 tại TP.HCM – Ảnh: TRẦN NHI

TRƯỜNG ĐỖ/TTO

 

Bình luận (0)