Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Vượt qua trầm cảm

Tạp Chí Giáo Dục

Sống lạc quan, vui vẻ là phương thuốc hữu hiệu nhất chống bệnh trầm cảm (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: K.N

Stress – trầm cảm (TC) là một căn bệnh không còn xa lạ trong xã hội hiện đại hiện nay. Tuy nhiên, rất ít người quan tâm, tìm hiểu về nguyên nhân, cách chữa trị cũng như các vấn đề liên quan: tỉ lệ mắc bệnh ở nam và nữ, những triệu chứng của căn bệnh này…
Trầm cảm là bệnh rối loạn cảm xúc tác động đến khí sắc và ức chế toàn bộ hoạt động tâm thần do sự mất cân bằng hóa học của bộ não, đặc biệt là do giảm sự sản sinh các neron thần kinh truyền thông tin gây ra. Nhiều nguyên nhân gây bệnh được đưa ra liên quan đến các yếu tố như sinh học, di truyền, gia đình, công việc.
Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh
TC là khoảng thời gian bạn trở nên im lặng, xa lánh mọi người, không muốn giao tiếp với ai, rất buồn và cô đơn. Ban đầu, bạn cảm thấy không hài lòng về việc gì đấy và suy nghĩ rất nhiều về việc này. Dần dần, bạn chợt nhận ra mình đang rất “khổ tâm” vì nó và trở nên u sầu, chán nản, lười biếng hoạt động, bỏ luôn cả những sở thích, thói quen hàng ngày. Dường như bạn cảm thấy câm lặng là trên hết. Chẳng còn thích nói chuyện cùng bạn bè và người thân trong gia đình. Bạn có cảm giác khó ăn, khó ngủ, chỉ muốn trốn thui thủi một mình.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, một vài rối loạn thần kinh là nguyên nhân gây nên căn bệnh này: thay đổi đột ngột nhịp sinh học (ngày ngủ, đêm thức), mất ngủ, không tập trung, lo âu kéo dài. Đó là yếu tố sinh học, còn yếu tố di truyền nếu bạn có người thân (bố mẹ, ông bà) từng mắc bệnh TC thì tỉ lệ mắc phải bệnh của bạn sẽ cao. Đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy một loại gene nào trực tiếp gây ra TC. Nhưng có thể là bạn thừa hưởng một loại gene khiến bản thân dễ bị TC hơn khi gặp chuyện căng thẳng. Yếu tố gia đình bạn không hạnh phúc, tan vỡ, sự chia tay của người yêu, mất người thân, do bị thôi việc, làm việc căng thẳng… đều có thể là nguyên nhân của căn bệnh TC. Ngoài ra, dùng nhiều chất gây nghiện và rượu cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Những kinh nghiệm điều trị
Nếu đang trong những triệu chứng như thế, trước hết bạn đừng phó mặc cho trời, hãy tin rằng những cảm giác tuyệt vọng kia rồi sẽ chóng tan biến. Điều trị tâm lý kết hợp dùng thuốc được xem là phương pháp điều trị tốt nhất cho căn bệnh này. Thời gian điều trị khá lâu. Cần ít nhất là 6 tháng để điều trị dứt hẳn nó. Bên cạnh đó, bạn cũng cần sử dụng những “mẹo” khác; bạn hãy cố gắng ra khỏi giường vào mỗi buổi sáng và sẵn sàng cho việc đến trường, nơi làm việc. Nếu cứ nằm mãi ra đấy suốt ngày, bạn sẽ có nhiều thời gian để suy nghĩ những chuyện không may đã xảy ra, chắc chắn tinh thần sẽ xuống cấp trầm trọng hơn trước; những ngày cuối tuần, hãy vui chơi cùng bạn bè, nên tâm sự với bạn bè, cha mẹ, thầy cô… những gút mắc đang mắc phải; hãy tặng riêng cho mình một cuốn nhật ký, viết những cảm xúc thật vào đấy, ít nhiều bạn cũng có một người bạn để tâm sự; âm nhạc thật sự là một giai điệu hạnh phúc, sẵn sàng nhắc lại những lần bạn vui vẻ bên gia đình, bạn bè, những bài hát yêu thích bạn sẽ có cảm giác tươi tỉnh hơn; đi bộ và hít thở không khí trong lành, tập yoga hay chọn bất kỳ một bộ môn thể thao nào mà bạn yêu thích, phù hợp với sức của bạn sẽ giúp giảm thiểu được sự buồn phiền bởi khi cơ thể vận động, các chất dẫn truyền endorphin và dopamin được giải phóng, giúp cơ thể hưng phấn; nên ngủ đúng giờ, tránh các chất kích thích như trà, rượu, cà phê, thuốc lá… vào các buổi tối; nếu tình trạng của bạn quá trầm trọng, nên tìm một chuyên viên tâm lý và bác sĩ chuyên khoa để cho bạn những lời khuyên thích hợp trong việc điều trị.
Theo thống kê của WHO thì phụ nữ mắc căn bệnh này nhiều hơn nam giới. Trung bình, một người phụ nữ thường “nhiễm” nó hai lần trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, hiện nay ngày càng có nhiều người bị tái phát căn bệnh này nhiều lần trong suốt cuộc đời họ. Điều đáng quan tâm là số lượng thanh thiếu niên mắc căn bệnh này đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.
BS. Nguyễn Minh Tuấn
(Chuyên khoa Nội thần kinh Phòng khám Minh Tuấn – TP.HCM)

Bình luận (0)