Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Vượt rào trong tuyển sinh ngành sư phạm?

Tạp Chí Giáo Dục

Một số trường CĐ, TC có đào tạo ngành giáo viên đặt ra các mức nhận hồ sơ tối thiểu thấp hơn so với quy định của Bộ GD-ĐT.
Đề án tuyển sinh các trường TC, CĐ có ngành sư phạm được công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT /// Ảnh: Hà Ánh
Đề án tuyển sinh các trường TC, CĐ có ngành sư phạm được công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. ẢNH: HÀ ÁNH
Năm nay, Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn tối thiểu nhận hồ sơ) với các ngành đào tạo giáo viên ở trình độ ĐH, CĐ và TC xét theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Ở phương thức xét tuyển học bạ, quy chế cũng có ràng buộc riêng về học lực bậc phổ thông cho từng trình độ đào tạo. Cụ thể, các ngành ĐH yêu cầu thí sinh có học lực giỏi lớp 12 (riêng các ngành sư phạm (SP) âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất từ khá trở lên). Trình độ CĐ và TC, người tham gia xét tuyển cần có học lực lớp 12 từ khá trở lên (riêng các ngành SP về âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất bậc CĐ và SP giáo dục thể chất bậc TC học lực lớp 12 trung bình trở lên).
Không cần học lực khá?
Đăng tải trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, Trường CĐ SP Kiên Giang thông báo 3 phương thức xét tuyển các ngành SP trong năm nay. Trong đó, ngoài xét tuyển kết quả thi THPT, trường còn 2 phương thức liên quan xét tuyển học bạ: điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trong học bạ lớp 12 và điểm trung bình chung cả năm lớp 12.
Về ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu của 2 phương thức xét tuyển học bạ, đề án này ghi rõ: “Trường xét tuyển học sinh (HS) tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên, riêng ngành giáo dục mầm non xét HS có học lực trung bình trở lên”. So với quy định của Bộ thì trường này đã tự đặt ra quy định riêng về mức “sàn” học lực ngành giáo dục mầm non. Đáng nói, mức này thấp hơn quy định hiện hành: học lực lớp 12 từ khá trở lên.
Cũng công bố trên website của Bộ GD-ĐT, Trường CĐ Việt – Anh (Nghệ An) thông báo tuyển 30 chỉ tiêu ngành SP mầm non theo phương thức xét điểm học bạ 2 môn văn, toán (điểm lớp 12) và môn năng khiếu. Trường này công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đầu vào (tính cả điểm ưu tiên) từ 21,5 điểm trở lên. Tuy nhiên, trường chỉ yêu cầu HS đã hoàn thành chương trình THPT mà không hề đưa ra ràng buộc học lực lớp 12 như quy định.
Không chỉ CĐ, một số trường TC tuyển sinh ngành SP mầm non cũng không đưa ra điều kiện điểm lớp 12 trong học bạ phải xếp loại khá trở lên như quy định. Chẳng hạn, Trường TC Công nghiệp Bình Dương tuyển 120 chỉ tiêu SP mầm non. Trong đề án công bố, trường này xét tuyển dựa vào kết quả năm học lớp 9 (bậc THCS) hoặc kết quả năm lớp 12 (bậc THPT) của tổ hợp môn: văn, toán, sử. Ngành SP mầm non của Trường TC Tài chính kế toán Bình Dương cũng xét điểm tổ hợp toán, văn, sử năm lớp 9 hoặc lớp 12 đạt từ 10,5 điểm trở lên…
Phải theo quy định của Bộ GD-ĐT
Việc các trường CĐ, TC đưa ra ngưỡng tối thiếu xét tuyển khác nhau này đặt ra câu hỏi phải chăng có 2 quy định khác nhau của Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH trong tuyển sinh ngành SP trong năm nay?
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Nho Luyện, Phó vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: “Các trường SP không thuộc chức năng quản lý của Bộ LĐ-TB-XH. Các ngành SP nằm trong các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng vẫn phải tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT. Nếu trường nào tuyển sinh không đúng quy định thì Bộ GD-ĐT sẽ có trách nhiệm xử lý, Bộ LĐ-TB-XH chỉ quản lý các ngành không thuộc SP”.
Như vậy, dù hệ thống các trường CĐ, TC đã được bàn giao quản lý về Bộ LĐ-TB-XH nhưng các ngành đào tạo giáo viên bậc CĐ và TC vẫn chịu sự giám sát của Bộ GD-ĐT về mặt tuyển sinh. Vì vậy, mới dẫn đến tình trạng các trường CĐ, TC có đào tạo ngành SP và ngoài SP sẽ phải tuyển sinh theo 2 quy định khác nhau. Trong đó, các ngành SP theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển theo hệ thống sở GD-ĐT từ ngày 1 – 20.4. Nhưng cũng trong trường này, các ngành khác sẽ thực hiện xét tuyển trực tiếp tại trường với quy định và mẫu hồ sơ riêng theo quản lý của Bộ LĐ-TB-XH.
Do đó, Thông tư 07/2018 của Bộ GD-ĐT đã có nội dung về sửa đổi tên quy chế tuyển sinh theo hướng phù hợp hơn. Cụ thể, tên quy chế đã được điều chỉnh từ “Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy” thành “Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh CĐ, tuyển sinh TC nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy”. Quy chế này áp dụng cho tất cả cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐ, TC có tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng thông tin, năm nay chỉ có một quy định chung về tuyển sinh cho tất cả các ngành đào tạo giáo viên ở bậc CĐ và TC. Đó là các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên (nhóm ngành I theo quy định của Bộ). Dù ngành SP đó được đào tạo tại trường CĐ và TC trực thuộc sự quản lý của Bộ LĐ-TB-XH cũng phải thực hiện theo quy định chung này.
 
Như vậy, nếu trường CĐ, TC nào thông báo tuyển sinh các ngành giáo viên không tuân theo quy định điểm nhận hồ sơ tối thiểu như trên là trái với quy chế tuyển sinh.
Có trường đặt ngưỡng cao hơn quy định
Ngược lại với tình trạng trên, có những trường CĐ còn đặt ra yêu cầu tối thiểu cao hơn quy khi tuyển các ngành SP. Chẳng hạn, Trường CĐ SP Bến Tre đặt ra 2 tiêu chí trong ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khi tuyển ngành giáo dục mầm non. Cụ thể: tốt nghiệp THPT và năm lớp 12 có học lực cũng như hạnh kiểm khá trở lên; tổng điểm 2 môn toán và văn năm lớp 12 đạt từ 10 trở lên và dự kỳ thi năng khiếu do trường tổ chức đạt từ 6,5 trở lên.

Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)