Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Vượt sóng”

Tạp Chí Giáo Dục

Vượt trên 30km đường Rừng Sác, chúng tôi cũng đến được bến Cầu Đò và hơn ba giờ tàu chạy cùng hai lần chuyển đò mới tới được ấp đảo Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Từ xa, khu dân cư Cán Gáo hiện ra với những mái nhà liền kề, các ô cửa nhỏ ẩn hiện dưới các giàn hoa giấy đang khoe sắc, đẹp đến mê hồn. Không khí trong lành, cuộc sống thanh bình cùng con người đôn hậu nơi mảnh đất này đã níu kéo nhiều người chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. Đó là những thầy cô giáo gắn bó trên 20 năm với việc “gieo chữ” đến những “người gác luồng biển”… Họ sống giữa bốn bề sông nước nhưng lại thiếu từng ca nước ngọt, điện sinh hoạt chạy bằng máy phát nên phải tiết kiệm tối đa. Không cách đất liền bao xa nhưng muốn về thăm nhà cũng khó, tất cả sinh hoạt của họ đều gắn với biển cả mênh mông.
Trong chuyến hành trình đầy “sóng và gió” ấy, những sự kiện liên tục diễn ra như chính cuộc sống hàng ngày mà người dân nơi đất đảo coi là chuyện “xưa như trái đất”. Với chúng tôi, đó lại là những thử thách không dễ vượt qua!
Sau khi tàu cập bến xã đảo Thạnh An, chúng tôi chuyển sang một con đò khác để ra ấp Thiềng Liềng. Trên đò đã có khoảng 10 học sinh và một số người dân đã yên vị trên đò. Cố gắng, chúng tôi cũng tìm được cho mình một chỗ ngồi, trên đường ra đảo chúng tôi phải vượt qua 10km đường sông mới tới được Thiềng Liềng. Trên đường đi đò ghé vô rất nhiều bến lẻ để đón và trả khách, mọi chuyện yên bình. Nhưng một sự cố khiến mọi người trên đò “hoảng sợ”. Đò dừng trả khách ở “Bến cỏ” trên rạch Năm Mười… bỗng nhiên đò trôi tự do, mọi người hốt hoảng còn chủ đò không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mất hơn 15 phút mới tìm ra nguyên nhân… bánh lái của đò bị gãy. Mọi người tìm cách làm cho đò dừng lại nhưng do sóng lớn, đò cứ trôi vô định. Chủ đò hốt hoảng, gọi điện tiếp cứu còn hành khách thì nhớn nhác tìm áo phao mặc vội. May mắn thay, khi đò trôi ra gần tới biển thì được tàu cá tới ứng cứu kịp thời, mọi người lúc này mới kịp thở phào nhẹ nhõm. Sau khi đã trấn an, cô Phạm Thị Tuyết Loan (có thâm niên trên 20 năm bám đảo) là người cùng hành trình với chúng tôi an ủi: “Các anh nhà báo có sợ không? Bà con cũng như tôi đã rất quen với chuyện này nhưng đây là lần đò bị trôi ra xa nhất nên mọi người không còn được bình tĩnh!”.
Vâng, có lẽ những chuyện như vậy đã quá quen với cô Loan cũng như bà con ở nơi đây còn với chúng tôi, đây là kỷ niệm khó quên và cũng thấm thía được thế nào là “đầu sóng ngọn gió”. Điều rất đáng trân trọng là dù khó khăn, nguy hiểm như vậy nhưng Thiềng Liềng đã là quê hương là máu thịt của biết bao thế hệ ngư dân nơi đây trong đó có cô giáo Loan.
Lê Quang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)