Trần Mạnh Huy và đối tác Nhật Bản khi thành lập Trung tâm Vận hành nghiệp vụ BPO chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam |
Là người khuyết tật, thế nhưng Trần Mạnh Huy – Giám đốc Công ty cổ phần VBPO đã “lọt vào mắt xanh”của doanh nghiệp Nhật Bản rồi cùng thành lập Trung tâm Vận hành nghiệp vụ BPO chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam. Với thân thể bị liệt nửa người nhưng bằng nghị lực phi thường anh đã vượt trùng dương sang xứ sở mặt trời mọc để tìm khách hàng…
Thân chinh sang xứ người
Trần Mạnh Huy bật mí về câu chuyện làm thế nào để thuyết phục được người Nhật giao việc cho một người chưa có danh phận gì: “Ở Nhật, nếu anh nói anh tốt nghiệp một trường danh tiếng nào đó, như Harvard chẳng hạn, người ta sẽ tin và chọn anh ngay. Nhưng đằng này, mình là người Việt Nam, không tốt nghiệp đại học danh tiếng, lại là người khuyết tật nên tôi chọn cách tiếp cận khách hàng bằng việc chứng tỏ cho đối tác thấy được khả năng, nhiệt huyết và lòng kiên trì của mình”. Câu chuyện của Huy bắt đầu từ năm 2008. Đó là buổi giao lưu hằng năm theo thông lệ giữa khách hàng và người gia công trong ngành BPO diễn ra tại Nhật Bản. “Ngày hôm đó, tôi phải đứng trước những khách hàng người Nhật và đọc một diễn văn bằng tiếng Nhật để giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam và về sự nghiệp BPO mà tôi đang đeo đuổi”, Trần Mạnh Huy tâm tình. “Sau buổi giao lưu đó, với một thùng quà mang từ Việt Nam sang, tôi đã đi khắp nước Nhật cùng với một lãnh đạo của một tập đoàn Nhật Bản để thăm, tìm hiểu và gặp gỡ các đối tác tương lai của mình. Thùng quà tương đối lớn, mà tôi là người khuyết tật nên việc mang vác rất khó khăn. Tuy nhiên, những người đi cùng đoàn hầu như không để ý đến vấn đề này. Trong một buổi tiệc do đối tác tổ chức, mặc dù không uống rượu bia được nhiều nhưng tôi luôn tự nhủ mình phải là người cuối cùng còn tỉnh táo của buổi tiệc bằng mọi cách. Đến 3 giờ sáng, khi tiệc tàn, mọi người ra về thì người lãnh đạo đó mới gọi tôi lại và nói: “Thôi, từ giờ tôi hiểu anh rồi, ý chí của anh rất kiên cường. Với tính cách này, anh sẽ thành công với BPO cho thị trường Nhật Bản”…”.
Sau khi mang về những dự án đầu tiên từ Nhật Bản, khách hàng tìm đến với VBPO cũng ngày một nhiều hơn. “Chúng tôi không chỉ cam kết mà luôn luôn nỗ lực giữ vững cam kết về quy trình bảo mật, chất lượng dịch vụ, tăng năng suất và tính hiệu quả nhằm chia sẻ chi phí với khách hàng và luôn nhanh chóng trong việc xử lý các yêu cầu của khách hàng”, Trần Mạnh Huy nói về sự phát triển lớn mạnh và ổn định của công ty với hơn 300 lao động, trong số này có trên 30% là người khuyết tật ở khắp miền Trung. Qua hơn 4 năm xây dựng và phát triển, VBPO không chỉ cung cấp dịch vụ BPO chất lượng cao cho thị trường Nhật Bản với doanh thu tăng trưởng 100% liên tục trong 3 năm 2011, 2012, 2013 mà còn khẳng định được thương hiệu của mình tại các thị trường Mỹ, New Zealand…
Cánh cửa rộng mở khắp toàn cầu
Là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực gia công quy trình doanh nghiệp tại Việt Nam, VBPO đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn tìm kiếm đối tác tin cậy tại thị trường Việt Nam. Hiện tại, với khoảng 30 khách hàng tại thị trường Nhật và một số khách hàng tại thị trường Mỹ, New Zealand, doanh thu hàng năm của VBPO khoảng hơn 1 triệu USD. “Trong năm 2015, VBPO tiếp tục mở rộng thị phần tại Nhật Bản và đẩy mạnh mở rộng thị trường tại Mỹ với dự kiến doanh thu có thể lên gấp đôi. Thị trường BPO toàn cầu có tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 15% và vẫn còn miễn dịch từ những thách thức của nền kinh tế đầy biến động. Thực tế là ngày càng có nhiều công ty nhận ra được lợi ích của việc thuê ngoài các quy trình kinh doanh để cắt giảm chi phí nên nhu cầu về thị trường BPO vẫn còn nguyên vẹn”, Trần Mạnh Huy bật mí. Hơn nữa, sự đổi mới không ngừng của công nghệ ảo hóa, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ điện toán đám mây, cũng khiến cho thị trường BPO toàn cầu tiếp tục tăng trưởng. Với lực lượng lao động dồi dào và trẻ tuổi có trình độ chuyên môn không cao kéo theo đó là chi phí nhân công cũng không cao, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội thuận lợi để định vị mình trên thị trường BPO toàn cầu. “Trong phạm vi khu vực, không có bất cứ lý do gì chúng ta không tham dự thị trường với các doanh nghiệp Nhật bởi tôi được biết, các doanh nghiệp Nhật đã chi tới 20 tỉ USD cho các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia BPO từ năm 2012. Nếu mình biết tận dụng mọi khả năng đang có, tôi nghĩ đến năm 2015 chúng ta sẽ có khoảng 8 tỉ USD (40% chuyển dịch từ Trung Quốc sang). Đây là cơ hội cho VBPO nói riêng và ngành công nghệ thông tin nói chung”, Trần Mạnh Huy chia sẻ.
Kéo người khuyết tật cùng đứng dậy
Tiếp nhận người đồng cảnh vào làm việc có tạo áp lực quá lớn cho VBPO và cho Trần Mạnh Huy, tôi hỏi. Rất thật tình, Trần Mạnh Huy cho rằng: “Tôi sinh ra với nửa người bên trái bị liệt do ảnh hưởng của việc mẹ phải dùng thuốc kháng sinh trong giai đoạn cuối thai kỳ. Mặc dù gặp phải biến chứng như vậy ngay lúc chào đời nhưng may mắn tôi có gia đình sát cánh yêu thương, và bản thân từ nhỏ đã không chịu bỏ cuộc nên học xong phổ thông, tôi thi vào Khoa Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa TP.HCM. Cũng nhờ kiên trì luyện tập nên từ chỗ không thể tự mình đứng lên được, tôi đã có thể đi lại vững chãi. Thời gian học đại học nhiều thử thách nhưng cũng giúp tôi rèn luyện bản thân rất nhiều”. Huy kể: Những lần phải “đánh vật” với bản vẽ kỹ thuật, mạch điện, rồi thực hành hàn mạch điện là những lần đổ mồ hôi sôi nước mắt thật sự khi mình chỉ có thể dùng một tay mà làm, nhưng tôi nhất quyết không muốn nhờ vả ai, chỉ muốn tự mình cố gắng để vượt qua. Theo Trần Mạnh Huy, BPO làm từ những công việc đơn giản nhất như xử lý ảnh, nhập dữ liệu, số hóa văn bản… cho đến những công việc phức tạp hơn như dịch vụ kế toán – tài chính… “Dịch vụ BPO thường có giá rẻ nhất so với các dịch vụ gia công khác, nhưng bù lại tạo ra khối lượng công việc lớn, đơn giản mà lại liên tục, thời gian đào tạo nhân lực cũng không quá dài nên hết sức phù hợp với trình độ và sức khỏe của người khuyết tật. Công việc tại VBPO không đòi hỏi sự vận động của các cơ bắp và trình độ quá cao mà chỉ cần sự tỉ mỉ, kiên trì nên người khuyết tật hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh công bằng với các đồng nghiệp khác. Do đó việc tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc không phải là một trở ngại”, Trần Mạnh Huy khẳng định. Hiện nay, công ty có hơn 30% lao động là người khuyết tật đến từ các tỉnh thành của khu vực miền Trung, với nhiều dạng tật khác nhau như bị cụt cánh tay, bị tật ở tay hay ở chân, khiếm thính. Thu nhập bình quân từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Với những con người này thì công việc không đơn giản chỉ là nghề để kiếm sống, mưu sinh mà còn là phương tiện giúp họ hòa nhập một cách tốt nhất với cộng đồng.
“Những năm tháng thanh xuân sôi nổi và tràn đầy năng lượng là quãng thời gian không thể kéo lùi được nên tôi mong các bạn trẻ hãy trân trọng món quà quý giá đó. Các bạn trẻ bây giờ rất thông minh nhưng để cái thông minh đó tạo ra thành quả thì các bạn phải rèn cho mình tính kỷ luật và cả ý thức trách nhiệm nữa”, Trần Mạnh Huy tâm tình với những người trẻ từ nhận thức và nỗ lực vượt qua gian khó để thành công như hôm nay của mình.
Điền Gia Thạnh
Bình luận (0)