Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

WB: 2011, kiều hối về Việt Nam tăng trên 6%

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

“Dòng kiều hối” chảy về Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán (tháng cuối năm 2010 và tháng đầu năm 2011) tăng mạnh so với năm 2009 do các ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất xoay quanh 5%/ năm cho tiền gửi bằng đồng USD là mức rất hấp dẫn.


Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng hàng thứ 16/30 quốc gia trên thế giới có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất. Nhìn nhận về bức tranh kiều hối khả quan nêu trên, WB dự báo năm 2011, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có thể sẽ còn tăng thêm trên 6%.

Tính đến hết tháng 11/2010, nguồn thu từ kiều hối đã đạt 7,6 tỷ USD. Ước tính lượng kiều hối trong tháng 12/2010 đạt khoảng 770 triệu USD, nâng tổng mức kiều hối của cả năm 2010 lên 8 tỷ USD, tăng khoảng 25,6% so với tổng lượng kiều hối của cả năm 2009.
Phần lớn các ngân hàng thương mại cho biết, lượng kiều hối gửi về tăng trên 20% so với năm 2009.
Kết thúc năm 2010, doanh số kiều hối chuyển qua Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đạt 1,3 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2009. Doanh số kiều hối qua Công ty kiều hối Đông Á đạt 1,2 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2009. Lượng kiều hối chuyển qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương cũng đạt trên 1,2 tỉ USD. Mức tăng đột biến của dòng kiều hối về Việt Nam trong năm 2010 là khá bất ngờ bởi năm 2009 kiều hối chuyển về nước giảm gần 13% so với năm 2008, xuống 6,3 tỉ USD.
Bên cạnh nguồn kiều hối thông thường của người dân gửi về hàng năm, theo nhận định và đánh giá của một số chuyên gia kinh tế có uy tín tại Việt Nam, sở dĩ năm nay lượng kiều hối đổ về Việt Nam có phần tăng lên chủ yếu nhờ vào các yếu tố chính sau:
– Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn phải đang chống đỡ và gượng dậy sau khủng hoảng, nhất là sự bất ổn tài chính gần đây của đồng tiền Eurozon, việc chuyển tiền và đầu tư về Việt Nam có xu hướng thuận lợi hơn. Một trong các hạng mục được chú ý nhất là việc đầu tư vào bất động sản có giá như đất đai ở những vị trí đẹp, thuận lợi dành cho khai thác du lịch, văn phòng và khách sạn. Một số tài liệu báo cáo thống kê gần đây cho thấy có đến 45-50% lượng kiều hối đã được đầu tư vào thị trường bất động sản.
– Hầu hết các chuyên gia đều nhắc đến yếu tố thông thoáng và cởi mở trong chính sách kiều hối của Việt Nam, đó là việc cho phép gửi và nhận tiền bằng đồng USD. Trong đó, có phần đóng góp đáng kể của các ngân hàng thương mại với việc triển khai và nâng cấp liên tục dịch vụ kiều hối trên các kênh trực tiếp tại trụ sở, trực tuyến và thậm chí, đến tận gia đình.
– Động lực “khơi thông dòng chảy kiều hối” chính là sự chênh lệch lãi suất, trong khi lãi suất của đồng USD trên thế giới hiện nay khá thấp (lãi suất cho vay liên ngân hàng thế giới chỉ dao động quanh 0,23-0,78%/năm cho tất cả các kỳ hạn) thì tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất huy động USD xoay quanh 5%/năm là mức cao. Người gửi tiền chắc chắn cũng muốn đồng tiền của họ sinh lợi nhiều hơn nên đã gửi về đây để nhận lãi suất tốt hơn.
Xét trên cả 3 yếu tố tạo ra nguồn kiều hối nêu trên thì hai yếu tố sau là cơ sở bền vững cho việc tạo nguồn.
Để “dòng chảy kiều hối” phát huy được hiệu quả, việc hoạch định chính sách quản lý ngoại hối cần theo sát được diễn biến tình hình, tiến tới việc chủ động duy trì nguồn kiều hối góp phần giảm áp lực khan hiếm USD.
Nguồn Tamnhin.Net

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)