Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Wear OS là nền tảng thiết bị đeo lớn thứ hai thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Báo cáo mới nhất từ Counterpoint cho thấy thị phần thiết bị đeo chạy Wear OS đã tăng mạnh trong quý 3/2021, từ 4% của cùng kỳ năm ngoái lên 17%, tương ứng mức tăng thị phần lên đến 325%.

Theo Android Authority, điều này giúp Wear OS trở thành nền tảng thiết bị đeo lớn thứ hai trên phạm vi toàn cầu. Để đạt được thành công này không thể không nhắc đến sự xuất hiện từ Samsung khi công ty Hàn Quốc đã chọn Wear OS trên Galaxy Watch 4 series và từ bỏ nền tảng Tizen "cây nhà lá vườn".

Sự ủng hộ của Samsung đã giúp Wear OS tăng trưởng mạnh trong quý 3. Ảnh: Chụp Màn Hình Yahoo

Báo cáo cho thấy Samsung là nhà sản xuất thiết bị đeo Wear OS lớn nhất trong quý 3 và xếp vị trí thứ 2 trên toàn cầu, chỉ sau Apple. Từng ở vị trí thứ 2 nhưng hiện tại Huawei đã tụt xuống vị trí thứ 5, ngay trên Garmin.

Doanh số tăng mạnh của Samsung trong quý 3 có liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm Galaxy Watch 4 và Galaxy Watch 4 Classic đã nhận được các đánh giá tích cực. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm Samsung ra mắt dòng smartwatch với nhiều kiểu dáng, kích thước và màu sắc. Trong thực tế, Galaxy Watch 4 cung cấp cho người dùng nhiều sự lựa chọn hơn so với các Galaxy Watch đã có trong quá khứ. Counterpoint cho biết hơn 60% tổng số thiết bị đeo từ Samsung được bán ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Mặc dù thị phần Wear OS đang tăng trưởng mạnh nhưng nền tảng này vẫn có nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt khi Google thiếu các cam kết cập nhật khiến người dùng lo lắng về tương lai của nền tảng.

Trong khi đó, Apple vẫn dẫn đầu thị phần thiết bị đeo, mặc dù thị phần của họ đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái do Watch Series 7 bị trì hoãn đến quý 4/2021. Apple cũng không phát hành phiên bản Apple Watch SE mới như những gì đã làm vào năm ngoái.

Cũng theo báo cáo, thị trường thiết bị đeo có giá dưới 100 USD đang phát triển nhanh chóng khi chiếm 1/3 tổng số thiết bị đeo được xuất xưởng trong quý 3. Cả Apple và Samsung đều không cung cấp thiết bị đeo dưới 100 USD để cạnh tranh với những thiết bị đến từ Amazfit hoặc các thương hiệu khác. Việc tập trung vào các thiết bị đeo giá rẻ đã giúp thương hiệu Amazfit của Huami đạt được vị trí thứ ba về thị phần tổng thể. Các thương hiệu Ấn Độ như Noise và BoAt (giữ vị trí thứ nhất và thứ hai tại thị trường này) đã có doanh số tăng gấp đôi nhờ việc tập trung vào các mẫu smartwatch giá dưới 100 USD.

Theo Kiến Văn/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)