Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, các nền kinh tế trên toàn thế giới đang được dẫn dắt bởi công nghệ số và Việt Nam cũng không thể là một ngoại lệ.
Công nghệ số đang len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống hàng ngày và tạo ra những giá trị mới cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Công nghệ số đang tạo ra những mô hình kinh doanh phi truyền thống. Những khái niệm như E-commerce, Blockchain, Fintech, Big Data, Internet of Things ( IOT)… đã trở nên không còn xa lạ đối với nhiều doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tương, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp trong ngành logistics nhằm tiếp cận rộng rãi hơn các nền tảng công nghệ số hiện nay.
-Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và trước làn sóng Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, các doanh nghiệp ngành logistics đã nhận thức như thế nào về tầm quan trọng của việc phải đổi mới khoa học công nghệ để bắt kịp xu hướng phát triển chung của toàn cầu?
Ông Nguyễn Tương: Gần đây, các doanh nghiệp ngành logistics đã có sự chủ động tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn về các xu hướng phát triển công nghệ; cũng như tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong nhiều khâu hoạt động. Tỷ lệ ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong ngành logistics đã gia tăng đáng kể từ 15-20% lên 40-50% và đây là một dấu hiệu tốt.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần mạnh dạn và thúc đẩy đầu tư hơn nữa. Đồng thời, hướng tới 100% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cao nhằm làm giảm chi phí logistics; nâng cao năng suất lao động và chất lượng cung cấp dịch vụ.
Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng, theo tinh thần Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
-Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang có những tác động hiện hữu như thế nào đối với hoạt động của các doanh nghiệp ngành logistics, thưa ông?
Ông Nguyễn Tương: Có thể thấy rõ Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cũng như những thành tựu đột phá về công nghệ đã mang lại nhiều thay đổi cho ngành logistics. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng những công nghệ này chưa nhiều tại Việt Nam.
Các công nghệ như AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet of things – internet vạn vật), Smart sensors, Robotics, Augmented/Virtual Reality (thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường), Blockchain (công nghệ chuỗi khối)… trong vận hành, quản lý kho, theo dõi điều kiện vận chuyển hầu như chưa được thâm nhập vào trong các hoạt động logistics tại Việt Nam, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Điều đó cũng đúng với thực tế hiện nay, khi Việt Nam đang bước đầu nhận thức về Công nghệ 4.0 và chuẩn bị các điều kiện về vật chất, tài chính, nguồn nhân lực để thích ứng.
-Vậy, để tiếp cận và nắm bắt các thành tựu về công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn lên trong xu thế hội nhập, các doanh nghiệp logistics có những băn khoăn, trăn trở gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Tương: Việc nắm bắt kịp thời xu hướng công nghệ để theo kịp sự phát triển của ngành logistics toàn cầu là hết sức cần thiết. Trong bức tranh toàn cảnh về thị trường logistics, các công ty logistics truyền thống đang tự đổi mới mình thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại.
Các công ty khởi nghiệp công nghệ (start-up) bổ sung kiến thức về ngành, gia tăng mạng lưới. Các công ty hiện đang là khách hàng có thể triển khai các giải pháp tối ưu trong hoạt động logistics của riêng mình và bắt đầu cung cấp năng lực logistics của mình ra ngoài.
Tuy còn chưa hoàn thiện và có nhiều xu hướng khác nhau, nhưng chắc chắn các công ty truyền thống cần phải thay đổi, gia tăng dịch vụ trên nền tảng công nghệ, nếu không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi trong tương lai.
Nhưng để nắm bắt thành tựu công nghệ mới cần phải có thời gian để nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của công nghệ mới khi ứng dụng vào công việc logistics, vốn là một ngành dịch vụ tổng hợp.
Thêm nữa cần phải có nguồn tài chính để nâng cấp thiết bị công nghệ và chuẩn bị nguồn nhân lực. Ngoài ra, cần ứng dụng đồng bộ không những chỉ trong doanh nghiệp mà cả trong các cơ quan Nhà nước liên quan.
-Hiệp hội có kiến nghị gì gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành hay đề xuất hỗ trợ về chính sách nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics chủ động tiếp cận và đổi mới công nghệ; đón đầu những cơ hội và vượt qua những thách thức trong cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ 4 này?
Ông Nguyễn Tương: Đa phần các công ty của Việt Nam nói chung và trong ngành logistics nói riêng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thậm chí, là nhiều công ty siêu nhỏ.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 90% doanh nghiệp logistics có vốn dưới 10 tỷ đồng. Khả năng chủ động, tự chủ trong ứng dụng công nghệ tiên tiến là khá hạn chế, nhất là nguồn tài chính và nguồn nhân lực cao để thích ứng với công nghệ mới.
Vì vậy, Chính phủ cần tăng cường và thông qua các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hay thông qua Hiệp hội Logistics để tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng những giải pháp có tính quốc tế.
Tôi thấy quan trọng là cần có chính sách cụ thể khuyến khích việc tăng cường kết nối doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp để có thể hiện thực hóa những sản phẩm sáng tạo, những sáng chế và những giải pháp đột phá, mang lại hiệu quả cao trong lĩnh vực logistics.
Trong điều kiện, đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa như đã nói trên đây, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp khoa học công nghệ có hình thức cho thuê ngoài các thiết bị, giải pháp công nghệ; đồng thời, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ.
Tất nhiên, bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành logistics cũng cần chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới. Các bộ, ngành phải triển khai đi trước một bước, các doanh nghiệp sẽ tiến theo sau.
Trân trọng cảm ơn ông!./.
THẠCH HUÊ (TTXVN/VIETNAM+)
Bình luận (0)