Hội nhậpThế giới 24h

WHO: Các nước châu Á lập quỹ y tế khẩn cấp

Tạp Chí Giáo Dục

11 quốc gia tại Nam và Đông Á đã đồng ý thành lập một quỹ khẩn cấp để tăng cường dịch vụ y tế của mình nhằm phản ứng tốt hơn trước sự bùng phát dịch bệnh trong khu vực, bao gồm cả virút Zika.

WHO: Các nước châu Á lập quỹ y tế khẩn cấp
Lũ lụt tại ngoại ô Colombo, Sri Lanka khiến dịch bệnh dễ bùng phát – Ảnh: Reuters

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 9-9 cho biết thông tin trên. 

Reuters cho biết quỹ có sự tham gia đóng góp của Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Hàn Quốc, Indonesia, Maldives, Myanmar, Nepal, Sri Lanka, Thái Lan và Timor-Leste.

Khu vực Đông Nam Á thường hứng chịu thiên tai như lũ lụt, do đó dễ bùng phát các dịch bệnh.

Ngoài ra các chuyên gia y tế cho rằng khu vực này cũng đang bị đe dọa bởi một loạt các bệnh mới nổi như SARS, MERS CoV, dịch cúm và Zika và các nước trong khu vực vẫn chưa có sự chuẩn bị thật sự hiệu quả để đối phó với một đợt bùng phát dịch bệnh mới.

"Cho đến nay nguồn quỹ hậu thảm họa đóng góp thông qua Quỹ Khẩn cấp Y tế khu vực Đông Nam Á đã thực hiện một công việc tuyệt vời là giúp đỡ các nước đối phó với các trường hợp y tế khẩn cấp khi nó xảy ra như chúng ta thấy gần đây nhất tại Nepal và Sri Lanka" – giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á Poonam Khetrapal Singh nói.

Tại một cuộc họp của WHO ở thủ đô Colombo, Sri Lanka, 11 quốc gia trên đã thông qua một nghị quyết thành lập quỹ y tế khẩn cấp khu vực.

Theo nghị quyết này, chính phủ các nước cũng đồng ý tăng số lượng nhân viên y tế, đào tạo họ cũng như cung cấp điều kiện công việc và phúc lợi tốt hơn để giúp họ gắn bó với công việc.

"Nguồn quỹ tài trợ mới này sẽ cho phép các nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để tăng cường sự chuẩn bị ứng phó trước các trường hợp xấu" – bà Singh nói.

Reuters cho biết tỉ lệ nhân viên chăm sóc sức khỏe trong khu vực Đông Nam Á hiện nay là 12,5 nhân viên chăm cho mỗi 10.000 người. Con số này chỉ bằng 1/4 so với khuyến cáo tối thiểu của WHO là 44,5 nhân viên.

Các nhân viên cứu trợ đã hoan nghênh động thái này, nêu cuộc khủng hoảng Ebola tại Tây Phi như một ví dụ để minh họa cho lý do vì sao nguồn quỹ như vậy là cần thiết để xây dựng năng lực tại địa phương và ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh trở thành một cuộc khủng hoảng.

 

ANH THƯ/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)