Hội nhậpThế giới 24h

WHO cảnh báo sự trở lại của “bóng ma dịch tả trên toàn cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Theo chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 40 quốc gia đang đối mặt nguy cơ tái bùng phát bệnh tả. Những nơi có nền kinh tế – xã hội bất ổn cùng điều kiện vệ sinh môi trường kém phải chịu đựng rủi ro lớn hơn cả.

“Chúng tôi đang gặp khủng hoảng chồng chất” – bác sĩ Mohammad Al Jasem nói về tình trạng bùng phát dịch tả lúc này tại Syria. Đất nước Trung Đông hiện có khoảng 80.000 ca nghi mắc bệnh tả tính từ thời điểm dịch tái xuất hiện hồi tháng 9/2022. Sự kiện động đất kinh hoàng tháng trước càng gây khó khăn cho nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Dịch tả lây lan nhanh qua nguồn nước và thực phẩm nhiễm bẩn. Nguy cơ bùng dịch ở mức đặc biệt cao trong những khu vực tập trung đông dân nhưng thiếu nước sạch. Bệnh không khó chữa trị nhưng đòi hỏi người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn tả. Nếu không, các triệu chứng có thể nhanh chóng trở nặng, khiến cơ thể mất nước, mất sức dẫn đến tử vong.  

Trẻ em uống vaccine ngừa bệnh tả tại một trường học ở Maaret Misrin, tây bắc Syria. (Ảnh: Shutterstock)

Trẻ em uống vắc xin ngừa bệnh tả tại một trường học ở Maaret Misrin, tây bắc Syria – Ảnh: Shutterstock

Những con số thống kê đáng ngại

Bác sĩ Jasem – điều phối viên y tế của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) làm việc tại tây bắc Syria – cho biết: “Hệ thống y tế và vệ sinh công cộng hoạt động yếu kém tạo cơ hội cho các dạng bệnh truyền nhiễm phát tán. Vài năm gần đây, chúng tôi chỉ có thể đối phó với những tình huống khẩn cấp khi dịch bất ngờ lan nhanh. Nhưng khi cơ sở hạ tầng chưa được củng cố, rất khó để ngăn chặn dịch bệnh quay trở lại”.

Nền tảng y tế không được đảm bảo đồng nghĩa bệnh nhân không thể hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe kịp thời, khiến nguy cơ tử vong tăng cao. Ước tính trong tổng số 580 ca mắc được ghi nhận chính thức ở Syria, đã có 23 ca tử vong, nhiều gấp 4 lần so với tỉ lệ tử vong trung bình vì dịch tả do WHO thống kê.

1 chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng dành cho những đối tượng nhạy cảm nhất với vi khuẩn tả như trẻ em, lực lượng nhân viên y tế đang được tiến hành. Tuy nhiên bác sĩ Jasem e ngại, vẫn còn cả chặng đường dài phải vượt qua để kiểm soát dịch hoàn toàn.

Các nhân viên y tế đến thăm một trại tị nạn ở Idlib, tây bắc Syria trong một chiến dịch tiêm chủng phòng dịch tả. (Ảnh: Shutterstock)

Các nhân viên y tế đến thăm một trại tị nạn ở Idlib, tây bắc Syria trong một chiến dịch tiêm chủng phòng dịch tả – Ảnh: Shutterstock

Syria hiện là một trong số 23 quốc gia được xem như “điểm nóng” của bệnh tả. Phần lớn những nước này chưa từng đối mặt nguy cơ bùng phát dịch suốt hàng thập niên. WHO công bố, số người chết vì dịch tả trên toàn cầu tính riêng vào năm 2022 đã nhiều hơn tổng số bệnh nhân tử vong trong 5 năm trước đó.

Bệnh tả luôn là nỗi ám ảnh thường trực tại nhiều quốc gia châu Phi, nhưng gần đây, việc dịch bùng phát mất kiểm soát và nguy hiểm hơn trên khắp thế giới đang gây lo ngại đặc biệt. “Số lượng các nước xuất hiện dịch bệnh đồng loạt nhiều như hiện nay là thứ chúng tôi chưa từng nhìn thấy suốt 20 năm qua” – bác sĩ Philippe Barboza – chuyên gia y tế cộng đồng đang điều hành Đơn vị ứng phó khẩn cấp với dịch tả của WHO – chia sẻ.

Giữa bối cảnh “thiếu trước, hụt sau”

Theo số liệu thống kê từ WHO, khoảng 1 tỉ người của 43 quốc gia đang đối diện nguy cơ mắc bệnh tả mỗi ngày. Đói nghèo, xung đột và thiên tai do biến đổi khí hậu có thể gây nên một đợt bùng phát dịch bất kỳ lúc nào. Tại Syria, nạn thiếu nước sạch kéo dài đã kích phát dịch tả lan nhanh. Nước láng giềng Lebanon – nơi bệnh dịch bắt đầu “thâm nhập” từ biên giới Syria, lại đang mắc kẹt trong một cơn khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.   

Tuy nhiên, bất kể nguyên nhân cụ thể là gì, theo Arielle Nylander – chuyên gia cố vấn điều trị dịch tả của WaterAid (tổ chức phi chính phủ chuyên xây dựng các dự án cung ứng nước sạch trên toàn cầu), “gốc rễ vấn đề lại giống nhau”. Cô nói: “Tôi tin rằng xuất phát điểm của dịch bệnh trên nhiều quốc gia đều liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch và dịch vụ vệ sinh chung. Minh chứng sống động là những nơi như Syria và Haiti, vốn có cơ sở hạ tầng công cộng xuống cấp”.

Mặt khác, độc lực của vi khuẩn bệnh tả gần đây đang trở nên nguy hiểm hơn. “Tỉ lệ tử vong tăng vọt biểu thị tính trầm trọng của tình hình dịch bệnh hiện nay” – Nylander nhấn mạnh.   

Hai bé trai câu cá trên một con sông gần thành phố Lilongwe, miền trung Malawi – khu vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch tả. (Ảnh: AFP)

2 bé trai tham gia câu cá trên con sông gần thành phố Lilongwe, miền Trung Malawi – khu vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch tả – Ảnh: AFP

Ở Malawi, dẫu bệnh tả không còn là mối đe dọa xa lạ, số ca tử vong tăng mạnh một năm trở lại đây là điều khó lý giải. “Ở đô thị lớn, tỉ lệ bệnh nhân tử vong đã xấp xỉ 6%. Cho dù đói nghèo gây khó khăn nhất định, Malawi vốn dĩ nên có sự chuẩn bị tốt hơn để chống đỡ dịch bệnh” – Andrew Azman – nhà dịch tễ học chuyên ngành bệnh truyền nhiễm của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) – nói.

Tuy vậy, Azman phủ nhận khả năng xuất hiện 1 chủng vi khuẩn mới. “Chúng tôi không chắc nguyên nhân cụ thể nào khiến số ca tử vong tăng bất thường, nhưng chắc chắn thực trạng này đang phản ánh sự xuống cấp của hệ thống y tế”.

WHO từng đề cập đến tình thế “thiếu trước, hụt sau” của những nước nghèo như Malawi – khi ngành y tế địa phương phải cùng lúc xoay xở trước đại dịch COVID-19, vi rút bại liệt và nay là sự trở lại của dịch tả.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, hành động ứng phó khẩn cấp để chống dịch – tiêm chủng ngừa bệnh trên diện rộng và cung cấp nước sạch cho những khu vực thiếu thốn – chỉ là giải pháp tình thế. “Luôn tiềm tàng nguy cơ dịch tái bùng phát nếu các quốc gia không chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng và chất lượng vệ sinh công cộng. Nếu chúng ta không nâng cao nhận thức tự bảo vệ trước bệnh tả thì dịch bệnh sẽ khó chấm dứt” – Azman nói.

Như Ý/PNO (theo Telegraph)

Bình luận (0)