Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

WHO khẳng định vắc-xin phòng cúm A/H1N1 an toàn

Tạp Chí Giáo Dục

Theo dự kiến, giữa tháng 12 sẽ triển khai tiêm vắc-xin phòng cúm A/H1N1 với sự tài trợ 1,2 triệu liều của Tổ chức Y tế Thế giới. Khoảng 800.000 phụ nữ có thai và 280.000 cán bộ y tế sẽ được tiêm đợt đầu tiên
Hôm qua, 9-12, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại VN cho biết toàn bộ 1,2 triệu liều vắc-xin phòng cúm A/H1N1 mà WHO cung cấp cho VN là vắc-xin Arepanrix, do Công ty GlaxoSmithKline (GSK) – Canada sản xuất, dự kiến sẽ chuyển về VN từ ngày 9-12-2009 đến tháng 2-2010. VN nằm trong số 17 quốc gia tại khu vực Tây Thái Bình Dương được nhận vắc-xin Arepanrix, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 2% dân số trong nước.
Nghiên cứu sản xuất vắc-xin
phòng cúm A/H1N1 tại Công ty Vắc-xin sinh phẩm số 1 Hà Nội
 Thu hồi lô vắc-xin gây phản ứng
Cũng theo WHO, vắc-xin Arepanrix chính là loại đã gây ra tác động bất lợi nghiêm trọng sau khi tiêm cho nhiều người dân tại Canada. Theo báo cáo giám sát của Cơ quan Y tế công cộng Canada ngày 4-12, đã có 7 trường hợp được xác nhận sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin từ lô A80CA007A, với tần suất sốc phản vệ sau tiêm lên đến 4/100.000 liều được phân phối. Tần suất này cao hơn khi so sánh với tỉ lệ thông thường là 0,1 đến 1/100.000 liều. Trong khi chờ đợi điều tra thêm, vắc-xin chưa sử dụng từ lô này đã bị thu hồi.
WHO cũng cho biết đã có 150 triệu liều vắc-xin phòng cúm A/H1N1  được phân phối trên toàn thế giới và 95 triệu liều đã được tiêm, trong đó 30% là vắc-xin có tá dược (vắc-xin Arepanrix). Kết quả tiêm chủng cho thấy vắc-xin này có độ an toàn tương tự như vắc- xin cúm mùa thông thường và chưa có ca tử vong. Các phản ứng quá mẫn tức thì đã được thông báo ngay sau khi sử dụng, bao gồm: nổi mề đay, phù mạch, sốc phản vệ và có thể dao động từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng.
WHO nhấn mạnh: “Nguy cơ về phản ứng bất lợi của vắc-xin vẫn nhỏ hơn nhiều lần so với nguy cơ nghiêm trọng mắc cúm đại dịch mà những nhóm dân có nguy cơ cao phải chịu” và lợi ích chính của tiêm chủng là nhắm đến “nhóm dân số có nguy cơ cao” như những người mắc các bệnh mãn tính, phụ nữ có thai, người sống trong các cộng đồng tách biệt, vùng sâu, vùng xa và các cán bộ y tế. Tiêm chủng cho các nhóm đối tượng này sẽ giảm bớt nguy cơ lây nhiễm, biến chứng và tử vong. WHO cũng cho biết sẽ tiếp tục cung cấp cho Chính phủ VN thông tin về các trường hợp bất lợi do vắc-xin gây ra.
Tai biến: Nhà tài trợ vô can
Chiều 9-12, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), cho biết để nhận vắc-xin viện trợ từ WHO, Bộ Y tế cần thỏa thuận các vấn đề của bên tài trợ. Theo đó, bên tài trợ bao gồm WHO và nhà sản xuất vắc-xin không chịu trách nhiệm về các vấn đề xảy ra tai biến liên quan đến vắc-xin. Bên được tài trợ vắc-xin phải cam kết sử dụng vắc-xin đúng đối tượng ưu tiên, không được xuất khẩu và các mục đích khác. Tổ chức mạng lưới tiêm phòng cũng như các điều kiện bảo quản phải đúng tiêu chuẩn.
PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết loại vắc-xin mà WHO cung cấp cho VN chính là loại đã gây nhiều phản ứng biến chứng sau tiêm tại Canada, vấn đề này hiện vẫn chưa được xác minh rõ ràng nên cơ quan chức năng có liên quan ở VN vẫn đang tiếp tục theo dõi, chờ đợi kết quả điều tra cụ thể về nguyên nhân gây các phản ứng bất lợi sau tiêm vắc-xin tại Canada, trước khi ký cam kết nhận vắc-xin.
Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 800.000 phụ nữ có thai từ tháng thứ 4 và 280.000 cán bộ y tế được tiêm vắc-xin cúm A/H1N1 trong đợt đầu tiên này. Hiện tại Bộ Y tế đang chỉ đạo các địa phương triển khai các công đoạn cho chiến dịch tiêm phòng cúm A/H1N1.
Nguy cơ virus cúm biến chủng gây nguy hiểm
Ngày 9-12, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố triển khai dự án “Nghiên cứu tỉ lệ lưu hành kháng thể kháng virus cúm A/H5N1 ở người”. Các nhà khoa học của viện  hợp tác với các nhà khoa học Hoa Kỳ sẽ tiến hành nghiên cứu tại  Hà Nội (khu vực Hà Tây cũ), các tỉnh Thừa Thiên-Huế và An Giang. Dự án có kinh phí 1,6 triệu USD, do Quỹ Nghiên cứu Y học quốc tế (Hoa Kỳ) hỗ trợ, dự kiến sẽ nghiên cứu trên 12.000 người từ lứa tuổi lên 7. Đây là nghiên cứu có quy mô lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại trong lĩnh vực này, đặc biệt dự án xác định người nhiễm cúm A/H5N1 trong cộng đồng nhưng không có biểu hiện bệnh, tìm hiểu sâu hơn về các nguồn lây.
Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, tỉ lệ tử vong do nhiễm cúm A/H5N1 tại VN đứng thứ 2 trên thế giới. Cùng với sự xuất hiện của cúm đại dịch A/H1N1, nguy cơ virus cúm biến đổi thành virus mới độc lực mạnh (của cúm A/H5N1) và lây lan nhanh (của cúm A/H1N1) rất đáng lo ngại.
N.Dung
Bài và ảnh: Ngọc Dung/NLĐ

Bình luận (0)