Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Wikipedia mất 49.000 “biên tập viên”

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: BBC

Trang từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia bản tiếng Anh đã mất khoảng 49.000 "biên tập viên" tự nguyện chỉ trong ba tháng đầu năm 2009, con số này cao gấp 10 lần so với 4.900 "biên tập viên" tự ý ra đi trong cùng kỳ năm ngoái, theo trang tin BBC.

Wikipedia là một dạng bách khoa toàn thư trực tuyến. Nó khuyến khích mọi người đưa các thông tin hoặc dữ liệu do chính mình biên tập lên trang Wikipedia.

Ông Michael Peel – một thành viên thuộc nhóm Wikipedia tiếng Anh – cho biết, sự ra đi ngày càng nhiều của các "biên tập viên" tự nguyện vẫn sẽ không làm trang Wikipedia thất bại. Ông này tin rằng Wikipedia vẫn sẽ mãi mãi tồn tại.

Tuy nhiên, ông Felipe Ortega – một nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Rey Juan Carlos tại Madrid (Tây Ban Nha) – thì lý giải rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng các "biên tập viên" tự do ra đi ngày càng nhiều là do tình trạng tiêu cực và quan liêu mang mùi "chính trị" trong các bài viết tại Wikipedia đang có xu hướng gia tăng.

Felipe Ortega cũng nhấn mạnh rằng nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì chất lượng bài vở của Wikipedia sẽ giảm xuống đáng kể, bao gồm các thông tin xác thực của bài viết và cả các lỗi chính tả bên trong…

Wikipedia chính thức ra mắt vào ngày 15.1.2001. Đó là "tác phẩm" của hai nhà sáng lập Jimmy Wales và Larry Sanger cùng vài cộng tác viên nhiệt thành khác. Khi đó, Wikipedia chỉ có phiên bản tiếng Anh, nhưng chỉ hơn 3 năm sau đó (tức vào khoảng tháng 3.2004) đã có hơn 6.000 người đóng góp tích cực cho 600.000 bài viết bằng 50 thứ tiếng. Cho đến nay đã có hơn 900.000 bài viết ở phiên bản tiếng Anh. Và mỗi ngày có hàng chục ngàn người từ khắp mọi nơi truy cập vào Wikipedia để xem cũng như chỉnh sửa và đóng góp bài vở.

Thành Luân (Theo TNO)

Bình luận (0)