Hội nhậpGiáo dục phát triển

William Hiếu Nguyễn mang sản phẩm giáo dục Ai-Robotics vào học đường

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm hướng đến trang bị kỹ năng, trau dồi kiến thức AI để thế hệ trẻ được hội nhập vào nguồn nhân lực chất lượng cao thời đại công nghệ 4.0, William Hiếu Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc của IPPG đã tích cực mang sản phẩm giáo dục AI-Robotics vào học đường.

Thế hệ trẻ Việt Nam và những thách thức thời đại công nghệ 4.0

AI đang trở thành công cụ tất yếu và không thể thiếu trong mọi hoạt động đời sống của con người từ y tế, ngân hàng, công nghiệp nặng, vận chuyển cho đến giải trí… thúc đẩy hầu hết các ngành nghề tiến lên và giúp chúng ta giải quyết nhanh chóng nhiều vấn đề trong cuộc sống.

TS. Lê Hùng Tiến, Trưởng khoa Kỹ thuật Cơ-Điện và Máy tính, Giám Đốc dự án Carnegie Mellon University (CMU là trường ĐH đầu tiên trên thế giới cấp bằng Cử Nhân AI), GĐ TT ĐT Autodesk Văn Lang đã cho rằng, “Chúng ta nên xem AI như là cơ hội và việc ứng dụng AI là công cụ tuyệt vời. Sắp tới sẽ là sự bùng nổ của việc ứng dụng AI trong các công việc hiện có và tạo ra các công việc mới hấp dẫn hơn như AI trong Y Khoa, AI trong đào tạo, AI trong thiết kế… AI sẽ giúp tăng tốc tích hợp đa ngành nghề trong các lĩnh vực chưa từng có trước đây”

TS. Lê Văn Út, Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu, Trường Đại học Văn Lang cho biết, “Một số công việc có thể bị thay thế hoặc thay đổi bởi sự phát triển của các công nghệ AI, trong khi những công việc khác có thể tạo ra nhiều cơ hội mới. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng chuyên gia AI thời gian tới là vô cùng lớn.”

TS. Lê Văn Út cho biết AI có thể ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề trong tương lai

TS. Lê Văn Út cũng chia sẻ thêm rằng để giới trẻ Việt Nam khai thác tốt những cơ hội này, họ cần có kiến thức và kỹ năng để làm việc với công nghệ AI, bao gồm kỹ năng lập trình, xử lý dữ liệu, phân tích và đưa ra quyết định dựa trên số liệu, và cải thiện khả năng tư duy logic và sáng tạo. Các trường học cũng cần đưa AI vào chương trình giảng dạy và tạo ra các khoá học, chương trình đào tạo chuyên sâu về AI. Ngoài ra, cần có các cuộc thi và chương trình khởi nghiệp để khuyến khích giới trẻ Việt Nam tham gia và phát triển các dự án liên quan đến AI.

Giúp thế hệ trẻ hiểu rõ công nghệ, tự tin làm chủ tương lai

Mong muốn cung cấp cho thế hệ trẻ đầy đủ kỹ năng, kiến thức AI để hội nhập vào nguồn nhân lực chất lượng cao thời đại công nghệ 4.0 trên toàn cầu, đồng thời đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của đất nước, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đồng hành cùng Trường Đại Học Văn Lang (VLU) về việc Hợp tác phát triển chương trình giáo dục Trí tuệ nhân tạo và Robot (AI-Robotics) dành cho cấp đại học, cao đẳng, nhằm xây dựng một môi trường đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

IPPG đồng hành cùng VLU hợp tác phát triển chương trình giáo dục AI-Robotics tại các trường Đại học, cao đẳng

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) là đơn vị phân phối độc quyền nhãn hàng robot trí tuệ nhân tạo UBTECH, và Chương trình giáo dục AI-Robotics cho học sinh phổ thông và sinh viên cao đẳng đại học tại Việt Nam từ năm 2019. Đây là hệ thống sản phẩm và chương trình đào tạo AI tiên tiến trên thế giới đã được Ban cố vấn chuyên môn IPPG (gồm các giáo sư, tiến sĩ chuyên về AI trong và ngoài nước) phân tích lựa chọn và hiệu chỉnh, đáp ứng 06 tiêu chí về tính quốc tế, tính phát triển, tính toàn diện, tính hệ thống, tính tương hợp và tính kinh tế.

William Hiếu Nguyễn – Phó Tổng Giám Đốc của IPPG đã tâm huyết chia sẻ, “Chúng tôi nhận thức được rằng, muốn thành công trong tình hình giáo dục trí tuệ nhân tạo AI-Robotics hiện nay, là phải đầu tư xây dựng một hệ sinh thái giáo dục có quy mô đủ lớn và được quy hoạch đồng bộ. Với định hướng trên, IPPG luôn định hướng tìm các đối tác đồng hành để cùng hợp tác phát triển hệ sinh thái giáo dục Trí tuệ nhân tạo và Robot toàn diện bao gồm các học cụ, giáo trình, phương pháp giảng dạy, đào tạo giáo viên, thiết kế không gian học tập và các cuộc thi đấu cũng như các sân chơi về Trí tuệ nhân tạo và Robot.”

Ông William Hiếu Nguyễn muốn phát triển hệ sinh thái giáo dục Trí tuệ nhân tạo và Robot toàn diện tại Việt Nam

Được biết đầu năm 2019, ông William Hiếu Nguyễn đã tiếp xúc với đối tác UBtech để mua bản quyền Chương trình gồm: Các trang thiết bị, đi kèm cùng Bộ sách AI Giáo dục Trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot cho học sinh phổ thông và bậc Đại học. Chương trình này đã được các nước tiên tiến đang triển khai, giảng dạy chính khoá tại các trường phổ thông và đại học. Cùng với đó, Tập đoàn IPPG đã phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM mời các chuyên gia về AI, ngôn ngữ, giáo dục, sư phạm… của các Trường Đại học danh tiếng trong và ngoài nước cùng thẩm định, đánh giá và thực hiện quy trình chuyển ngữ bộ sách cho phù hợp với văn hoá và trình độ của học sinh Việt Nam.

Trong khi đó, Trường Đại học Văn Lang tiên phong trong việc tạo ra những tác động truyền cảm hứng, với khát vọng trở thành một trong những trường đại học trẻ được ngưỡng mộ nhất Châu Á vào 2030. VLU không ngừng nỗ lực, vượt qua giới hạn của một trường đại học truyền thống, được ghi nhận về những thành tựu đột phá trong giáo dục đại học, đổi mới sáng tạo và đóng góp cho Việt Nam và cộng đồng thế giới.

TS. Lê Hùng Tiến cũng cho biết ông rất tâm đắc với sự hợp tác lần này của hai bên. “IPPG có thế mạnh trong thương trường với hệ thống mạng lưới đối tác đa dạng, phong phú. Trong khi đó Đại học Văn Lang lại có một đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong nhiều lĩnh vực hiện đại như Trí Tuệ Nhân Tạo, Khoa Học Dữ Liệu, Robotics. Sự hợp tác này sẽ tạo ra cơ hội tốt cho học sinh, sinh của Văn Lang nói riêng cũng như giúp giới trẻ Việt Nam nói chung tiếp cận nhanh hơn với công nghệ AI, sau đó ứng dụng vào trong lĩnh vực của họ.

T.D.V

Bình luận (0)