Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Xã hội hóa đánh giá kết quả học tập

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nếu việc đánh giá kết quả học tập, thi cử của HS được mở rộng dân chủ, XHH một cách thực sự như trên thì chúng ta có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: T.T.Q

Chúng ta đã xây dựng được nội dung của xã hội hóa giáo dục (XHHGD) gồm bốn vấn đề chính sau: GD hóa xã hội (làm cho xã hội ta trở thành một xã hội học tập); Cộng đồng hóa trách nhiệm (vận động toàn dân chăm sóc thế hệ trẻ. Phối hợp chặt chẽ giữa GD nhà trường với GD gia đình và GD xã hội, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các tổ chức đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng góp xây dựng GD); Đa dạng hóa loại hình đào tạo; Đa phương hóa nguồn lực.
Với 4 nội dung trên, quan niệm về XHHGD chỉ coi các lực lượng GD ngoài nhà trường như những lực lượng hỗ trợ cho GD trong nhà trường mà chủ yếu là về nhân, vật lực để xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường. Do vậy, việc tìm hiểu nội dung XHHGD còn là vấn đề lâu dài, phức tạp; bởi nội dung đó luôn vận động theo không gian, thời gian một cách cụ thể theo sự vận động của xã hội. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin bàn về XHHGD ở khâu đánh giá kết quả học tập.
1. Việc đánh giá kết quả học tập xưa nay là lĩnh vực độc quyền của thầy cô giáo, của ngành GD. Làm thế khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Với việc đánh giá hoàn toàn ở bên trong như vậy đã làm cho khâu này trở thành một hệ thống đóng, tính khách quan không thể được đảm bảo. Cũng chính từ sự độc quyền đó mà những hành vi tiêu cực, gian lận có điều kiện để hoạt động. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do ngành GD-ĐT khư khư giữ lấy độc quyền trong việc đánh giá kết quả đào tạo của mình. Việc làm này hoàn toàn trái với bản chất xã hội hóa cao của GD; càng trái với xu thế mở của nền GD hiện đại. Sản phẩm của GD-ĐT (bên cung) là con người. Chất lượng sản phẩm ấy phải do bên cầu (xã hội) đánh giá thì mới khách quan. Việc đánh giá kết quả GD phải căn cứ vào mục tiêu đào tạo do xã hội yêu cầu. Mỗi ngành học, bậc học có những mục tiêu GD riêng. Vì vậy việc kiểm tra thi cử ở tất cả các trường ngày càng chịu những áp lực tâm lý hết sức nặng nề từ nhiều phía, biến nền GD nước ta thành nền GD ứng thí và chính áp lực đó là nguyên nhân dẫn đến những hành vi gian lận, tiêu cực, làm tha hóa một bộ phận không nhỏ thầy, trò. Hậu quả này đã phản lại những mục tiêu GD của các nhà trường.
2. Để XHH việc đánh giá kết quả học tập của HS thì phải mở rộng dân chủ, thu hút tất cả các lực lượng GD hữu quan tham gia vào kiểm tra việc đánh giá tất cả các bài kiểm tra, bài thi của HS, trên cơ sở công bố đáp án, biểu điểm của các bài kiểm tra, bài thi ấy cho người học và các lực lượng GD hữu quan nắm vững. Nếu người học hay các lực lượng GD thấy sự đánh giá cho điểm bài kiểm tra, bài thi không đúng với đáp án, biểu điểm đã công bố thì có quyền kiến nghị với người chấm để các bên đồng thuận với một điểm số chính xác cho kết quả thực tế của bài làm theo đáp án, biểu điểm. Để làm được điều đó thì tất cả các bài kiểm tra viết, khi chấm, giáo viên phải cho điểm từng phần ở bên lề theo đáp án, biểu điểm. Điểm số toàn bài là tổng điểm số từng phần. Khi trả bài, giáo viên phải công bố đáp án, biểu điểm cho các em rõ và yêu cầu các em ghi vào vở. Trả bài làm và cho phép các em kiểm tra lại việc chấm bài của thầy cô… Đối với bài thi học kỳ và cuối năm ở các lớp THPT thì bộ ra đề để có chuẩn đánh giá chất lượng chung trong cả nước, đảm bảo công bằng cho việc xét tuyển vào ĐH, CĐ sau này. Bài thi học kỳ, cuối năm chấm xong cũng phải trả lại cho HS qua giáo viên bộ môn, rồi giáo viên bộ môn cũng sẽ công bố đáp án, biểu điểm bài thi cho HS nắm vững để các em kiểm tra lại. Nếu sai, các em có quyền khiếu nại. Đầu tiên, chính giáo viên bộ môn là người kiểm tra việc chấm của các giám khảo trước khi trả bài thi cho HS và đây là khâu kiểm tra chính xác nhất. Để tránh việc tráo hay viết thêm vào bài làm, chủ khảo khi làm phách phải ký vào từng trang bài làm, gạch chéo những đoạn bỏ trống và gạch ngang dưới bài làm. Tất cả các bài kiểm tra, bài thi của HS đều được các em lưu giữ vào một phong bì (do nhà trường làm) để rút kinh nghiệm trong việc làm bài và làm chứng cứ, tư liệu cho các đoàn kiểm tra, thanh tra GD khi cần.
Nếu việc đánh giá kết quả học tập, thi cử của HS được mở rộng dân chủ, XHH một cách thực sự như trên thì chúng ta có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, một kỳ thi hết sức vất vả, nặng nề, tốn kém biết bao công của Nhà nước và nhân dân bằng việc xét tốt nghiệp THPT. Thực chất các kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay là thi tốt nghiệp sáu môn lớp 12. Còn theo đề án này thì tất cả các môn ở lớp 12 cuối năm đều phải thi, nhưng gọi là thi cuối năm ở tại trường, có đổi 50-100% giám thị và đổi bài chấm giữa các trường. Đề do bộ ra. Yêu cầu về kiến thức, kỹ năng các bài thi này không hề thua kém các bài thi tốt nghiệp hiện nay, song tất cả các môn đều được thi mà áp lực tâm lý của kỳ thi này lên thầy, trò, phụ huynh, cũng như tiền của, công sức phục vụ cho kỳ thi được giảm đi rất nhiều.
Việc đánh giá kết quả học tập xưa nay là lĩnh vực độc quyền của thầy cô giáo, của ngành GD. Làm thế khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
3. Việc xét tốt nghiệp THPT theo chúng tôi phải xem xét một cách toàn diện từ lớp 10-12 để kích thích HS phải nỗ lực ngay từ lớp 10 và càng đến cuối cấp càng phải cố gắng hơn. Muốn vậy phải tính điểm trung bình chung của từng môn và điểm trung bình chung của tất cả các môn của toàn cấp. Đồng thời nâng dần hệ số điểm tổng kết qua từng lớp như sau: lớp 10 hệ số 1, lớp 11 hệ số 2, lớp 12 hệ số 3. Trong cuốn học bạ, sau lớp 12 có bảng tổng hợp kết quả học tập toàn cấp của mỗi HS như sau: cột lớn thứ nhất ghi tên môn học, cột lớn thứ hai ghi điểm tổng kết từng môn ở mỗi lớp (cột này có ba cột nhỏ ghi điểm tổng kết từng môn ở ba lớp. Trong mỗi cột ở mỗi lớp lại chia làm hai cột, cột bên trái ghi điểm tổng kết môn học, cột bên phải ghi hệ số điểm tổng kết ở lớp đó). Cột lớn thứ ba ghi điểm tổng kết toàn cấp từng môn và điểm trung bình chung tất cả các môn toàn cấp. Riêng điểm trung bình chung của tất cả các môn toàn cấp lấy tới ba số lẻ để phân hóa cao trình độ HS, làm cơ sở cho việc xét tuyển vào ĐH, CĐ sau này. Việc xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ căn cứ vào hai tiêu chí là điểm trung bình chung toàn cấp và điểm trung bình văn hóa chung các môn theo khối dự tuyển. Cần hiểu rằng thi không thể chính xác bằng xét, bởi nó chỉ kiểm tra được một số kiến thức kỹ năng ít ỏi so với chương trình toàn lớp, toàn cấp và tiến hành trong những điều kiện đặc biệt. Nó không tránh khỏi những yếu tố ngẫu nhiên và tiêu cực. Còn xét là nhìn nhận cả quá trình một cách đầy đủ, toàn diện. Nhất là xét dựa trên một lộ trình đổi mới quy chế kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo hướng XHH như trên. Mặt khác, việc xét sẽ giúp cho nhà trường thực hiện tốt mục tiêu GD toàn diện hơn là thi như hiện nay.
Với việc đánh giá kết quả học tập của HS được XHH cao độ như trên thì kết quả đó rất khách quan, chính xác. Thói vụ điểm, gian lận, bệnh thành tích không còn đất để hoạt động, chất lượng dạy và học sẽ được nâng cao.
Vũ Duy Yên (Trường CĐSP Thái Bình)
Năm 2007 thực hiện cuộc vận động “Hai không”, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là 66%, năm 2008 là 80% và năm 2009 với bao biện pháp quyết liệt nhằm chuẩn bị cho việc sáp nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ làm một thì tỉ lệ tốt nghiệp vẫn tăng lên đến 83,8% và năm 2010 này là 92,57%, nhiều trường đỗ 100%.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)