Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xã hội hóa giáo dục để giải quyết sức ép về chỗ học

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 31-3, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP.HCM đã tổ chức hội thảo về xã hội hóa lĩnh vực giáo dục (XHHGD) với sự tham gia của nhiều cơ quan đơn vị. Hội nghị nhằm ghi nhận những mặt đã đạt được cùng những khó khăn trong thời gian qua.
XHHGD cho… các tỉnh
Tại TP.HCM, đối với lĩnh vực giáo dục, XHHGD phát triển rất nhanh, chỉ riêng quận Bình Thạnh số cơ sở mầm non ngoài công lập đã lên đến hàng trăm. Ngay cả quận 12- một quận ven, số lượng cơ sở giáo dục ngoài công lập tròm trèm 100 đơn vị. Điều đó cho thấy, nhu cầu về chỗ học của người dân rất lớn. Tuy nhiên, số học sinh theo học hệ trường này là con em thành phố chiếm tỉ lệ thấp, ngoại trừ bậc mầm non. Đặc biệt với bậc THCS và THPT, tỉ lệ học sinh theo học các trường ngoài công lập (dân lập tư thục) là người từ các tỉnh thành khác chiếm đến 95%. Hệ trường này đã giúp cho thành phố giải tỏa sức ép giải quyết chỗ học. Điều này cũng dễ hiểu, khi lượng dân nhập cư từ các tỉnh thành ồ ạt đổ về TP.HCM là một bài toán khó cho chính quyền thành phố. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT thì, hệ thống trường dân lập tư thục từ mầm non, tiểu học đến THPT và chuyên nghiệp của TP.HCM có quy mô lớn nhất nước, nhưng so với nhu cầu vẫn chưa đáp ứng đủ.
Thành công của XHHGD
Một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc thực hiện XHHGD là Trường THPT Nguyễn Thái Bình. Mô hình này đã được Đoàn khảo sát của Quốc hội và HĐND TP.HCM đánh giá tốt và đề nghị có kế hoạch nhân rộng. Được biết mô hình XHHGD ở Trường THPT Nguyễn Thái Bình là mô hình trường phổ thông không dạy thêm để thu tiền. Việc đầu tư ngân sách cho trường này giống như các trường phổ thông khác, mức học phí 110.000 đồng/tháng/học sinh và không thu bất cứ một nguồn thu nào khác. Mô hình Trường Mầm non Rạng Đông quận 6 thực hiện theo dạng kích cầu. Nhờ thực hiện, trường đã được mở rộng và nâng cấp lên 15 phòng với diện tích từ 88 đến 120m2/phòng. Ngoài ra còn có các phòng chức năng khác như âm nhạc, TDTT, hồ bơi, nhà bếp hiện đại; mô hình XHHGD ở Trường THPT Lê Quý Đôn: không dạy thêm, học thêm, không thu phí nhiều loại; về nội dung chương trình thực hiện theo cơ chế tự chủ, học 2buổi/ngày, học phí cao (học phí từ 850.000 đến 900.000 đồng/tháng), học trong môi trường với trang thiết bị hiện đại, chương trình của Bộ GD-ĐT cùng chương trình tiên tiến của quốc tế… Mô hình này cũng được Đoàn khảo sát của Quốc hội đánh giá cao và đề nghị Sở GD-ĐT nên mở rộng.
XHHGD rất cần sự hỗ trợ
Ngân sách của thành phố dành cho giáo dục chiếm 22% tổng ngân sách của thành phố. Hơn 80% dành cho chi trả lương, bình quân lương của mỗi giáo viên khoảng 1.300.000 đồng/tháng. Tỉ lệ còn lại chi cho các hoạt động khác. Chính vì thế XHH đã chia sẻ rất nhiều cho ngành GD-ĐT. Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh kiến nghị: “Rất mong các cấp lãnh đạo xem xét và chấp thuận nhân rộng các mô hình điển hình. Đối với các trường ngoài công lập, thành phố có chính sách trong việc cấp, bán hoặc cho thuê hay cho vay vốn kích cầu, tín dụng đối với các cơ sở giáo dục dân lập tư thục. Miễn giảm thuế trong hoạt động giáo dục đồng thời tăng cường kiểm toán để sử dụng thuế như biện pháp điều tiết chính ở những cơ sở giáo dục không tình nguyện đăng ký hoạt động không vì lợi nhuận. Có chính sách toàn diện, bảo đảm sự bình đẳng thực sự giữa các trường công lập và các trường ngoài công lập. Xây dựng cơ chế thông thoáng hơn trong chuyển đổi học sinh từ khu vực công lập sang khu vực ngoài công lập”.
Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Phạm Ngũ Lão than thở: “Trường phải thuê mướn mặt bằng, nhưng đến khi thay đổi ban lãnh đạo của cơ sở cho thuê thì bị bắt buộc phải trả lại dù thời hạn hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Việc làm này gây khó khăn rất lớn cho hoạt động dạy và học của trường”. Theo nhận xét của Đoàn khảo sát MTTQVN TP.HCM: Việc phát triển các loại hình trường dân lập, tư thục và công lập tự chủ tài chính đã có những đóng góp nhất định đối với chủ trương XHHGD; giúp giảm bớt việc chi ngân sách nhà nước cho giáo dục; giải quyết tình trạng thiếu chỗ học cho số học sinh vào học các trường công lập do quá tải, do trái tuyến… phần nào thấy được sự đóng góp của loại hình trường này.
T.T.Q

Bình luận (0)