Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Xã hội hóa giáo dục: Để học sinh được hưởng lợi như nhau

Tạp Chí Giáo Dục

“Xã hội hóa (XHH) giáo dục như thế nào cho đúng? Trách nhiệm của nhà nước với XHH giáo dục ra sao? Phải chăng có tiền sẽ được tạo điều kiện tốt nhất trong khi con em nhân dân lao động nghèo bị “bỏ quên”? Đó là những câu hỏi đặt ra trong buổi tọa đàm “Xã hội hóa giáo dục” do UBMTTQ TPHCM tổ chức vào ngày 31-3.
Không có ngân sách, trường sẽ… chết
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi quận 4 trong giờ học đạo đức. Ảnh: MAI HẢI
Theo UBMTTQ TP, việc phát triển các loại hình trường đã có những đóng góp nhất định đối với chủ trương XHH giáo dục, giúp giảm bớt việc chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đã giải quyết tình trạng thiếu chỗ học cho số học sinh vào học các trường công lập do quá tải, do trái tuyến…
Tuy nhiên, các trường công lập tự chủ tài chính (CLTCTC) vẫn hoạt động như trường bán công. Sự khác biệt chưa rõ nét bởi ngân sách nhà nước vẫn phải chi trả lương giáo viên, chi xây dựng và phát triển cơ sở vật chất có xu hướng ngày càng cao hơn. Lẽ ra điều này phải làm ngược lại và dẫn đến việc không phải chi từ ngân sách nhà nước thì mới thực sự “tự chủ tài chính”.
Ông Đặng Đức Dũng, thành viên đoàn khảo sát cho chuyên đề “XHH GD-ĐT” nhận định: Báo cáo của ngành GD-ĐT khả quan nhưng khi tiếp xúc với các trường, họ than nhiều khó khăn. Chúng tôi hỏi Ban giám hiệu Trường Mầm non Nhiêu Lộc quận Tân Phú: Nếu không có ngân sách cấp thì trường có hoạt động được không? Trường trả lời: Chúng tôi sẽ “chết”. Theo giải thích của Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh, XHH nhưng nhà nước có trách nhiệm phải lo. Ngân sách cấp cho ngành mỗi năm một tăng, bình quân từ 20%-22%/năm.
CLTCTC xin chuyển về công lập
Theo Luật Giáo dục năm 2005, chỉ có hai loại hình công lập và tư thục, do vậy tại TPHCM, các trường bán công phải dần chuyển sang mô hình CLTCTC. Nhiều đại biểu đặt vấn đề “CLTCTC, phải chăng là “bình mới rượu cũ”? Thực tế, CLTCTC chỉ được tự chủ về mặt tài chính, hoàn toàn không được quyền quyết định về mặt nhân sự, tổ chức. So với trường công lập thì chỉ khác có… cái tên(!)
Tổng chi thường xuyên của ngân sách TP chi cho giáo dục năm 2007 là 1.756,827 tỷ đồng/8.200 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị trong toàn ngành đã huy động khoảng 1.500 tỷ đồng từ học phí, tiền học buổi thứ 2, tăng cường ngoại ngữ, tin học, tiền CSVC… để đầu tư phát triển GD. Tỷ lệ HS DL ở bậc nhà trẻ có 22.759 (52,6%); mẫu giáo có 84.650 HS (40,02%); tiểu học: 11.499 HS (2,71%), THCS: 9.584 HS (2,92%); THPT: 23.015 HS (13,02%).
Nguồn: Sở GD-ĐT TPHCM
Nhiều trường CLTCTC nằm trong khu vực dân cư nghèo, đầu vào HS thấp nên gặp nhiều khó khăn, dù được ngân sách hỗ trợ 30%. GV CLTCTC chịu nhiều áp lực, thu nhập chưa tương xứng với công sức. Từ đó dẫn đến việc một số trường THCS CLTCTC xin chuyển sang CL. Ông Nguyễn Tùng, Phó Chủ tịch UBMTTQ quận 3, nói: Quận đề nghị chuyển 2 trường Phan Sào Nam, Kiến Thiết sang CL từ năm 2009-2010 theo nguyện vọng của CBQL, giáo viên, HS quận 3.
Ông Ninh Văn Bình, Trưởng phòng GD Phú Nhuận, cho biết thêm: Hiện Phú Nhuận chỉ còn một trường THCS CLTCTC là Trường Ngô Mây. Trách nhiệm của Ngô Mây nặng nề, đầu vào yếu nên GV phải làm việc gấp hai. Quận hỗ trợ 65% ngân sách nhưng “thu” không bù đủ “chi”. Phòng giáo dục đề xuất năm học tới, quận hỗ trợ 100% ngân sách cho trường như trường CL nhưng HS Ngô Mây vẫn đóng 90.000 đồng theo mức học phí của CLTCTC.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, lý giải: các trường CLTCTC chỉ được cấp 30% định mức hoạt động, nhưng nhờ vậy, tiết kiệm cho các quận từ 5 – 7 tỷ đồng/năm. Số tiền tiết kiệm này ước tính mỗi năm là 300 tỷ đồng được “dồn” cho các trường nghèo, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất.
Ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch UBMTTQ TPHCM nhận xét: Có sự bất bình đẳng  ở bậc THCS, HS trường công chỉ đóng 15.000 đồng nhưng CLTCTC phải đóng 90.000 đồng/tháng. Các trường đề nghị duy trì một mức thu học phí cho công bằng ở các trường công, điều chỉnh mức thu CLTCTC giảm xuống 15.000 đồng/ tháng. XHH phải tính đến nhiều đối tượng để tất cả con em được hưởng lợi ích như nhau. Học phí cao sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, gia tăng khả năng bỏ học.
Hồng Liên (SGGP)

Bình luận (0)