Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xã hội hóa giáo dục ĐH: Cần đi bằng “hai chân”

Tạp Chí Giáo Dục

Xã hội hóa giáo dục góp phần tạo nên những lớp học có cơ sở vật chất hiện đại

“Xã hội hóa giáo dục ĐH hiện nay của chúng ta đang đi lệch chân”. Đó là nhận xét của PGS. Nguyễn Hữu Chí, Vụ trưởng Vụ GD-ĐT và Dạy nghề, Ban Tuyên giáo TW trước những vụ “lộn xộn” trong giáo dục ĐH vừa qua. Các trường ngoài công lập mọc lên ngày một nhiều và những vụ “bê bối” cũng cứ dài thêm mãi. Mới đây nhất là vụ ĐH Phan Châu Trinh. Câu chuyện buồn trong giáo dục ĐH có lẽ sẽ không có hồi kết khi xã hội hóa giáo dục đang đi “lệch chân”.
Chuyện trong nhà đóng cửa ra ngoài kiện nhau
Câu chuyện giữa tôi và nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Phan Châu Trinh bắt đầu tại một quán cà phê ven đường sau khi báo chí đã um xùm vụ việc của trường ông. Là người có tâm huyết với ngành giáo dục, lại mơ ước xây dựng một đại học ngang tầm khu vực, ông không khỏi buồn.
Khi quyết tâm thành lập một trường ĐH, điều ông không bao giờ ngờ tới lại là kết quả của ngày hôm nay. Ông cho biết, suốt từ khi thành lập (2007), Hội đồng quản trị của trường ông chưa bao giờ bàn được câu nào về giáo dục. Họ (là những người gửi đơn tố cáo gồm: Nguyễn Gia Chiến, Trần Thị Thịnh, Trần Thị Lan, Trần Văn Chính và đều là cổ đông của trường) chỉ nói đến chuyện tiền.
Câu chuyện tiền này lại bắt nguồn từ điều lệ các trường ĐH do Bộ GD-ĐT quy định. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, đối với trường tư không có Hội đồng trường mà có Hội đồng quản trị. Nhưng điều lệ lại nêu Hội đồng quản trị là những người đóng góp tiền. Ông đã phải đi vay mấy tỷ để có thể làm được. Với cách làm như thế, những người có tiền sẽ điều khiển được giáo dục. Cho nên các trường ĐH tư của chúng ta nếu đa số là buôn bán giáo dục thì cũng không thể trách họ. Với điều lệ này, ông thấy không khác gì của một con buôn. Tìm được một nhà đầu tư có tâm huyết cho giáo dục rất khó.
Trong khi đó, thực tế đối với trường tư, 5 năm đầu lỗ, giỏi lắm đến năm thứ 5 mới bù được lỗ. Nhưng nếu làm chất lượng cao thì còn khó nữa. Những người tâm huyết với giáo dục như ông có lẽ còn quá ít trong Hội đồng quản trị của trường. Và khi đa số không phục tùng thiểu số thì cái gì cũng khó. Ông lấy làm xấu hổ khi thư viện của trường ông mang tiếng là ĐH mà không bằng trường tiểu học. Thậm chí, đến thuê giáo viên dạy tiếng Anh những người “trong cuộc” cũng “cò kè” thiệt hơn. Rồi khi quyền lợi không được thỏa mãn, họ mang đơn đi kiện.
Xã hội hóa giáo dục kiểu “thọt chân”
Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là ĐH QG TP.HCM), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: kêu gọi các thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư vào giáo dục, dành những ưu đãi về thuế, về đất đai nhưng “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích lợi nhuận” bằng rất nhiều điều kiện “phải xin” và “được cho” là chưa đủ. Nếu nhà đầu tư thực hiện đúng như các điều kiện được Nhà nước thiết kế và yêu cầu, đồng thời thực sự vì sự nghiệp giáo dục, cung cấp cho sinh viên những sản phẩm tốt nhất trong khả năng có thể thì lấy đâu ra lợi nhuận để tồn tại và phát triển?
Còn theo PGS. Nguyễn Hữu Chí thì xã hội hóa giáo dục của chúng ta hiện nay đang lệch. Chúng ta hiện mới chỉ huy động nguồn lực của xã hội nhưng thiếu hẳn yếu tố giám sát của xã hội. Xã hội hóa phải đủ cả hai chân nếu không sẽ trở thành người “thọt”. Cũng theo PGS. Nguyễn Hữu Chí, trường ngoài công lập hiện nay có hai loại trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Đúng nghĩa xã hội hóa là khuyến khích loại trường không vì lợi nhuận. Còn loại hình vì lợi nhuận thì phải đối xử như một doanh nghiệp (có đóng thuế).
Thực tế, tại Việt Nam có nhiều trường hoạt động vì lợi nhuận nhưng vẫn hô hào Nhà nước phải đầu tư. Điều này là không đúng. Nhà nước chỉ đầu tư những cơ sở không vì lợi nhuận.
Về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng “các nhà đầu tư” chỉ có được lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận cao khi nhà đầu tư bằng cách này hay cách khác có được giấy phép thành lập trường ĐH và sau đó hoạt động của trường là chạy giấy phép chiêu sinh, xin chỉ tiêu tuyển sinh càng cao càng tốt, tổ chức việc giảng dạy theo kiểu dạy chay, thầy thuê, trường mướn… Thực tế này nảy sinh từ một sự mập mờ về thị trường giáo dục ĐH chưa được thừa nhận, từ sự quản lý nhà nước bất cập sử dụng nhiều điều kiện hành chính phải xin và được cho để đối phó với một vấn đề kinh tế, mở ngỏ cho tiêu cực chui vào trong hoạt động giáo dục ĐH.
GS. Trân mong rằng thị trường giáo dục ĐH sớm được thừa nhận.
Huê Lam
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, đối với trường tư không có Hội đồng trường mà có Hội đồng quản trị. Nhưng điều lệ lại nêu Hội đồng quản trị là những người đóng góp tiền. Ông đã phải đi vay mấy tỷ để có thể làm được. Với cách làm như thế, những người có tiền sẽ điều khiển được giáo dục?
 

Bình luận (0)