Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Xã hội hóa giáo dục mầm non ở TPHCM-Có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư

Tạp Chí Giáo Dục

Báo SGGP ngày 8-6 đăng bài “Quá tải ở các trường mầm non tại TPHCM: hơn 12.000 trẻ học ở đâu?”, phản ánh tình hình quá tải ở các trường mầm non (MN) và nguy cơ hàng ngàn trẻ sẽ không có chỗ học vào năm học mới. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết:
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT sắp tới sẽ ưu tiên phổ cập cho trẻ 5 tuổi để chuẩn bị vào lớp 1. TPHCM cũng bắt đầu thực hiện, do đó xảy ra tình trạng này là điều không tránh khỏi. Số trẻ tăng cao, chủ yếu là tăng dân số cơ học quá lớn, trong khi đó tiến độ xây dựng các công trình trường MN công lập thì chậm nên TPHCM gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết chỗ học cho các cháu.
– PV: Giai đoạn trẻ chuẩn bị vào lớp 1 rất quan trọng, việc phổ cập cho các cháu ở lứa tuổi này phải có đội ngũ giáo viên (GV) đạt chuẩn, trường lớp đảm bảo, thế nhưng vẫn còn rất nhiều trẻ 5 tuổi phải học ở trường tư và nhóm trẻ gia đình?
Ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT: Việc thiếu trường đã xảy ra nhiều năm nay, tuy nhiên năm nào cũng tăng cao nên chúng tôi đã chỉ đạo các trường trước hết là ưu tiên mẫu giáo 5 tuổi, và vẫn phải nhận trẻ dưới 5 tuổi theo khả năng của trường. Đúng là trẻ sắp vào lớp 1 mà không được học ở trường MN có điều kiện là một thiệt thòi lớn cho các cháu. Tuy nhiên, vì thiếu trường nên không ít học sinh MN phải học ở những cơ sở không đảm bảo chất lượng. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện, hỗ trợ các trường tư thục, nhóm trẻ gia đình về chuyên môn của GV để phần nào tháo gỡ khó khăn này.
– Tăng sĩ số lớp học trong điều kiện thiếu GV, liệu có đảm bảo chất lượng?
Tăng số học sinh trong một lớp mà GV không đủ tất yếu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và sức lực của các thầy cô giáo, nhưng trước mắt đành phải chấp nhận để có chỗ học cho các cháu.
– Nếu không giảm sĩ số mà còn tăng sĩ số ở khu vực này sẽ rất nguy hiểm đối với sự an toàn của trẻ?
Sự an toàn của trẻ là vấn đề quan trọng nhất, do đó chúng tôi chỉ đạo ở những nhóm có quy mô khoảng 300 cháu, địa phương tạo điều kiện để các nhóm cải tạo cơ sở vật chất và đào tạo GV để nâng cấp lên thành trường. Còn những nhóm không đủ điều kiện thì bắt buộc phải giảm sĩ số để đảm bảo như quy định của Bộ GD-ĐT: Mỗi nhóm chỉ được nhận dưới 100 cháu. Thông qua Trường ĐH Sài Gòn, CĐ Mẫu Giáo Trung ương 3, Sở GD-ĐT sẽ thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng GV cho các trường tư thục, nhóm trẻ gia đình để đảm bảo chất lượng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu.
– Về lâu dài, giải quyết vấn đề thiếu chỗ học bằng cách nào, thưa ông?
Ở lứa tuổi MN nếu được chăm sóc, nuôi dạy tốt thì các cháu sẽ có điều kiện phát triển toàn diện. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị: Trước mắt TP phải có chỉ đạo thúc đẩy tiến độ xây các trường công lập ở những phường, xã chưa có trường. Các dự án xây chung cư, khu chế xuất, khu công nghiệp cần phải có quy hoạch trường MN. Nhà nước không thể lo hết được, do đó phải có chính sách ưu đãi (thuế, vốn…) trong việc xây trường MN để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng tham gia đầu tư xây dựng trường.
Lê Linh (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)