Mới đây một trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM được chỉ đạo trả lại một khoản tiền lớn (dùng mua sắm trang bị cơ sở vật chất) cho phụ huynh học sinh. Sau sự việc này, nhà trường sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm và nhìn nhận lại các thiếu sót trong việc thực hiện vận động xã hội hóa.
Không thể phủ nhận công tác xã hội hóa đã góp phần tạo môi trường dạy học thuận lợi và nâng cao chất lượng giáo dục hơn. Tuy nhiên thực hiện như thế nào cho đúng quy định, mục đích và hiệu quả là vấn đề cốt lõi. Theo cô Lê Thị Ngọc Điệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), sự đóng góp của phụ huynh học sinh cho nhà trường là hết sức đáng quý. Song việc thu – chi phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, thực hiện trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, không cào bằng, không giao khoán cho nhà trường hay bất kỳ cá nhân nào. Tiền sử dụng phải minh bạch, đúng mục đích, hiệu quả. Mặt khác cần thực hiện xã hội hóa theo từng thời điểm, từng năm chứ không làm liền một lúc để tránh khó khăn cho phụ huynh. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều phụ huynh tình nguyện trang bị ti vi, máy điều hòa, thay mới bàn ghế… cho nhà trường. Nhưng trước đó, bản thân phụ huynh phải quan sát, xem con cái mình cần thêm những gì, sau đó bàn bạc với giáo viên và các phụ huynh khác để lấy ý kiến đồng thuận. Kế hoạch sau đó phải đưa Ban Giám hiệu xem xét, duyệt mục đích, nội dung đóng góp xem có hợp lý, cần thiết hay không để tránh tình trạng “thích mua gì thì mua”. Khi thực hiện, nhà trường giao quyền cho phụ huynh tự quyết định để họ thấy khoản đóng góp của mình được sử dụng đúng mục đích. Đối với những lớp có một vài gia đình khó khăn thì thực hiện trên tinh thần “gia đình khá san sẻ gia đình khó khăn”. Những lớp nào có nhiều gia đình khó khăn thì không làm. Tuy nhiên, việc trang bị phải dừng lại ở mức tương đối, không quá nổi bật, tránh gây ra tâm lý “lớp con nhà giàu, lớp con nhà nghèo” trong học sinh.
Cũng với cách làm trên, một trường tiểu học tại Q.3 luôn nhận được sự đóng góp, hỗ trợ hết sức nhiệt tình của phụ huynh học sinh. Từ trang bị ti vi, sửa chữa nhà vệ sinh, các phong trào ngoại khóa… đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho nhà trường. Cách đây mấy năm, khi trường mới đưa vào sử dụng chỉ có 900 bộ bàn ghế, thì nay đã tăng lên 1.400 bộ. Hiệu trưởng trường này chia sẻ, trước khi nhận sự đóng góp, nhà trường phải tổ chức họp lấy ý kiến đồng thuận trong trường và cả phụ huynh, sau đó trình các cấp trên duyệt kế hoạch. Nếu có sự đồng ý thì trường mới làm, ngược lại không làm cho dù phụ huynh có tấm lòng. Cũng theo vị hiệu trưởng, tất cả các khoản thu – chi đều có hướng dẫn nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết, do đó ban giám hiệu phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn rõ ràng các khoản đóng góp và cách thu – chi cho phụ huynh nắm bắt.
N.Trinh
Bình luận (0)