Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

“Xã hội hóa” tiếng Anh – nỗi sợ của người Indonesia

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều trẻ em Indonesia không biết nói tiếng nước mình (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Tại một trung tâm mua sắm, ba đứa trẻ người Indonesia đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh thay vì diễn đạt bằng ngôn ngữ nước mình khiến cho nhiều người ngưỡng mộ.
Khả năng tiếng Anh của những đứa trẻ đã cho thấy một thực tế, mặc dù sinh ra và lớn lên tại Indonesia nhưng chúng đang phải vật lộn với ngôn ngữ nước mình – tiếng Bahasa Indonesia. Những đứa trẻ này hiện học tại một trường tư – nơi tiếng Anh là ngôn ngữ chính để giảng dạy. Trong khi bố mẹ chúng từ nhỏ đã nói tiếng Indonesia song lại đi du học ở Mỹ và Úc, nên họ luôn nói chuyện với con cái bằng tiếng Anh.
Bà Sugiarto, 34 tuổi, một trong những người chứng kiến cuộc nói chuyện của ba đứa trẻ trên ngao ngán: “Chúng biết mình là người Indonesia. Chúng yêu Indonesia nhưng lại không nói được tiếng Bahasa Indonesia. Đó là một bi kịch!”.
Di sản ngôn ngữ của Indonesia đang ngày càng bị đe dọa khi mà nước này ngày càng gia tăng con số các gia đình giàu có muốn con em họ tránh xa các trường công lập, nơi tiếng Indonesia là ngôn ngữ chính. Thay vào đó, họ chuyển dần vào các trường tư chuyên sử dụng tiếng Anh. Đối với nhiều người Indonesia, việc sử dụng tiếng Anh thường gắn với vị thế xã hội cao. Do vậy, tiếng mẹ đẻ Indonesia bị tụt xuống hàng thứ hai. Thậm chí một số người cảm thấy tự hào khi nói tiếng Indonesia… kém!
Sự phổ biến toàn cầu của tiếng Anh, với các hiệu ứng của nó đôi khi “ăn mòn” nhiều ngôn ngữ khác. Hiệu ứng này tác động khá mạnh tại Indonesia – nơi các nhà lãnh đạo luôn đặt nặng việc thúc đẩy đoàn kết dân tộc và củng cố bản sắc văn hóa – thì sự ưa chuộng tiếng Anh hơn tiếng mẹ đẻ khiến các nhà hoạt động văn hóa và các nhà dân tộc học lo ngại.
Trước tình hình này, Chính phủ Indonesia thông báo sẽ yêu cầu tất cả các trường tư thục phải dạy ngôn ngữ chính của quốc gia vào năm 2013. Ông Suyanto, người phụ trách giám sát giáo dục tiểu học và trung học của Bộ Giáo dục cho biết: “Những trường tư hoạt động tại Indonesia nhưng lại không dạy tiếng Bahasa cho công dân của chúng tôi. Nếu chúng tôi không kiểm soát họ, trong một thời gian dài điều này sẽ đe dọa đến ngôn ngữ của Indonesia. Và nếu chúng ta không có một ngôn ngữ đủ mạnh để đoàn kết quốc gia, nó sẽ rất nguy hiểm”.
Năm 1928, Indonesia đấu tranh giành độc lập, thoát khỏi ách cai trị của Hà Lan và các nhà lãnh đạo đã chọn tiếng Indonesia – một hình thức của tiếng Malay làm ngôn ngữ thống nhất, đoàn kết dân tộc. Lúc này, mặc dù nhiều trí thức Indonesia biết nói tiếng Hà Lan, song Indonesia vẫn là ngôn ngữ họ yêu thích. Hầu hết các nhà lãnh đạo, nhất là ông Suharto – vị tướng nắm quyền lãnh đạo Indonesia đến năm 1998, ra lệnh chỉ dạy tiếng Indonesia và hạn chế sử dụng tiếng Anh. “Dưới thời Suharto, Bahasa Indonesia là ngôn ngữ duy nhất mà chúng tôi có thể nhìn thấy hoặc đọc. Sự thống nhất này đã tạo ra một bản sắc dân tộc vì tất cả người dân đều nói tiếng Bahasa Indonesia. Bây giờ, sự mờ nhạt của Bahasa Indonesia không phải là kết quả của một chính sách có chủ ý. Nó chỉ diễn ra tự nhiên”, ông Aimee Dawis – một giảng viên truyền thông cho biết.
Quá trình dân chủ hóa tại Indonesia trong thập kỷ qua, theo nhiều chuyên gia, khiến tiếng Anh trở thành “tiếng Hà Lan mới”. Các quy định được nới lỏng, cho phép trẻ em Indonesia học tập tại các trường tư không theo chương trình giảng dạy của quốc gia mà dạy bằng tiếng Anh với học phí lên đến vài ngàn đô-la một năm. Bà Uchu Riza, chủ một trường tư thục giảng dạy cả hai ngôn ngữ khẳng định một số người Indonesia sẵn sàng hy sinh tiếng mẹ đẻ để theo đuổi bất kỳ một ngoại ngữ nào khác được đánh giá là có vị thế xã hội cao hơn. “Đôi khi, họ “nhìn xuống” những người không biết nói tiếng Anh. Trong một số gia đình, cháu không nói chuyện được với ông bà vì chúng không được dạy tiếng Bahasa Indonesia. Thật đáng buồn!” – bà Uchu Riza thở dài.
Trong khi đó, Della Raymena Jovanka, có hai con đang học mầm non đã tỏ rõ sự nghi ngại. Đứa con trai 4 tuổi của bà theo học ở một nhà dạy trẻ bằng tiếng Anh và tham gia một nhóm sinh hoạt sử dụng tiếng Anh. Khi ở nhà, bà Jovanka cũng chỉ cho phép cậu bé xem các chương trình ti vi phát bằng tiếng Anh. Kết quả là con trai của bà chỉ giao tiếp được bằng tiếng Anh với cha mẹ và gặp khó khăn khi tiếp xúc với mọi người. Khi được hỏi mong muốn con trai mình thông thạo tiếng Anh hay tiếng Indonesia, bà Jovanka cho biết: “Nếu trung thực, thì là tiếng Anh. Nhưng điều này đang là một vấn đề lớn của xã hội. Nó là người Indonesia, sống ở Indonesia. Nếu nó không thể giao tiếp với mọi người thì đó sẽ là một trở ngại rất lớn”. Vì lẽ ấy mà bà Jovanka đang xem xét việc gửi con trai vào một trường công vào năm học tới.
(Theo The NewYork Times)
Ngân Du

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)