Mục tiêu đặt ra của giáo dục mầm non (GDMN) TP.HCM, đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 15% trường đạt chuẩn quốc gia, đến năm 2025 là 20%. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở GD-ĐT TP, hiện TP chỉ 169/1.346 trường MN đạt chuẩn quốc gia (12,55%).
Giờ học của trẻ tại Trường MN Vành Khuyên (Q.Thủ Đức) – trường MN chuẩn quốc gia
Nhằm “gỡ khó” cho các trường MN trong nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia, Sở GD-ĐT TP đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ MN”.
Nhiều trường MN trên địa bàn huyện Bình Chánh luôn bị áp lực về sĩ số dân nhập cư tăng nhanh. Điều này gây nhiều khó khăn trong việc xây dựng trường MN chuẩn quốc gia. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, huyện đã chú trọng đến chuẩn hóa đội ngũ, mạnh dạn đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây mới và mở rộng đối với những xã có dân nhập cư tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh và đảm bảo được diện tích, sĩ số HS ở các trường theo quy định. Công tác xã hội hóa GD được đẩy mạnh, triển khai, huy động mọi nguồn lực để phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng giảng dạy và nhân rộng các mô hình về xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia… Nhờ vậy, 5 năm qua, Bình Chánh đã có thêm 3 trường đạt chuẩn, nâng tổng số trường MN đạt chuẩn quốc gia lên 14 trường.
Những năm qua, huyện Củ Chi cũng có nhiều giải pháp thiết thực trong công tác quản lý, tham mưu xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia. Toàn huyện hiện có 13/52 trường MN đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Ngành GD-ĐT đề ra nhiệm vụ đến năm 2025 xây dựng thêm 7 trường MN đạt chuẩn quốc gia.
“Dù là huyện ngoại thành nhưng với tốc độ đô thị hóa, số lượng trẻ MN trên địa bàn huyện hàng năm tăng nhiều. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả trẻ trên địa bàn đều được đến trường, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được tăng cường, chất lượng GD có sự chuyển biến rõ rệt. Trường, lớp không ngừng phát triển thông qua việc sửa chữa, xây dựng mới. Bên cạnh việc tham mưu mở rộng mạng lưới trường lớp, công tác xã hội hóa GD, huy động mọi nguồn lực cũng được các trường tăng cường thực hiện để cải tạo, sửa chữa và trang bị mới đồ dùng đồ chơi cho trẻ, theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia”, ông Trần Văn Toản – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi – chia sẻ.
Là đơn vị vừa đón bằng công nhận trường chuẩn quốc gia vào tháng 7-2020, chia sẻ về cách làm của đơn vị mình, cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ – Hiệu trưởng Trường MN Hoa Sen (Q.Gò Vấp) cho biết: “Chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia được nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền đến đội ngũ giáo viên, nhân viên, địa phương và phụ huynh HS. Nhà trường thẳng thắn trao đổi với phụ huynh HS về những việc mà nhà trường cần phụ huynh phối hợp như tuyên truyền đảm bảo sĩ số HS theo chuẩn của từng lớp, trang bị bổ sung đồ dùng đồ chơi trong lớp, đồ chơi ngoài trời sao cho trẻ có điều kiện tăng cường vận động và phát triển trí tuệ. Ngoài ra, trường cũng siết chặt công tác kiểm định chất lượng GD…”.
Phối hợp với PHHS, cộng đồng để xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia cũng là cách mà Trường MN Hoàng Anh (Q.Tân Phú) đã thực hiện. Cô Ngô Thị Ngọc Hân – Hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ, công tác dân vận được trường vận dụng khéo léo, từng bước trang trải những lo toan về thiết bị, đồ dùng dạy học.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lương Thị Hồng Điệp – Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT TP.HCM – nhấn mạnh, để gỡ khó cho công tác xây dựng trường MN chuẩn quốc gia, phòng GD-ĐT các quận, huyện cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu với UBND quận, huyện về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, công tác nhân sự. Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các trường MN đăng ký đánh giá ngoài về 5 tiêu chuẩn để đăng ký kiểm định chất lượng GD, chuẩn quốc gia; động viên các trường MN ngoài công lập đăng ký đạt chuẩn quốc gia; rà soát các trường đã đạt chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng GD sau 5 năm để đăng ký đánh giá ngoài công nhận lại theo đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng giáo dục.
“Từ phía các trường MN, ngoài nỗ lực trong 5 tiêu chuẩn phấn đấu xây dựng trường chuẩn quốc gia, các trường cần phải tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền cho phụ huynh, huy động thêm nguồn lực xã hội cho hoạt động nhà trường, nhất là phải có sự tham gia của phụ huynh trong việc xây dựng phương hướng, chiến lược của nhà trường…”, bà Điệp nói.
Bài, ảnh: Nam Định
Bình luận (0)