Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xa nhà rơi vào “cạm bẫy”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều sinh viên nướng hết sạch tiền bạc vào ma game.Nhiều cô tú, cậu tú ở nhà đều là con ngoan trò giỏi, nhưng sau khi ra Hà Nội một vài năm, lại đặc biệt “xuất chúng” trong khoản… tiêu tiền và a dua chơi bời, hưởng thụ.

Những lỗ hổng xuyên thời gian 

Đức quê Hải Dương, thi đỗ vào Đại học Giao thông Vận tải với số điểm thuộc hàng Top. Từ khi ở xóm trọ và bạn bè cùng lớp có trào lưu chơi game online, và do đã ham mê từ lúc học trung học phổ thông, cộng với những vấp ngã tình yêu, nên Đức bị cuốn vào vòng xoáy của chuỗi ngày trốn học – chơi game – học lại – thi lại triền miên. Cậu nói dối bố mẹ, xin thêm rất nhiều tiền mua sách vở, đóng học phí, thực hành nghiệp vụ… để nướng vào các cửa hàng game và còn ăn ngủ qua đêm tại đó. Tiền thuê phòng trọ, sinh hoạt và học phí cũng đều theo tay Đức nhảy vào bàn phím.   

Khi gia đình biết chuyện, cũng là lúc Đức đã lún sâu vào “ma lực” của những trò chơi trực tuyến, điểm số các môn tuột dốc không phanh, sức khỏe giảm sút sau nhiều đêm thức trắng – ngủ ngày. Bố mẹ Đức còn nhờ vả người chủ nhà trọ và các bạn nữ trong xóm trọ khuyên bảo, nấu ăn hộ, hỏi han qua điện thoại, tin nhắn… Họ thường xuyên lên kiểm tra chuyện học hành, dọn phòng, ngâm nước xả những bộ quần áo để hàng tuần chưa giặt của con trai. Đức không những buông thả trong chuyện tiêu tiền, mà còn bừa bãi, luộm thuộm hơn mức bình thường của các cậu thanh niên. 

Những lỗ hổng như thế, vô cùng thiên hình vạn trạng. Nếu các nam sinh tiêu tiền vào chuyện chơi game, nhậu nhẹt thì nữ sinh lại “đốt” chúng vào thời trang mỹ phẩm. Phương xuất thân từ gia đình nghèo khó, mỗi tháng bố mẹ chỉ có thể chu cấp cho cô 500 ngàn.  

Cô thuê phòng trọ cùng với hai người bạn để giảm thiểu tiền nhà, và khi học đến năm thứ hai chuyên ngành Du lịch của một số trường Cao đẳng thì bảo lưu kết quả để đi làm. Cô loanh quanh với những công việc như gia sư, bán đồ lưu niệm, quần áo… trong khi kiến thức tiếng Anh lẫn kinh nghiệm cuộc sống chưa thực sự vững vàng. Lương tháng không cao lại phải đi làm xa, thậm chí còn bị người chủ xấu chơi bằng cách “giấu hàng” đi rồi bắt đền tiền. Cuối cùng cô đành quay lại học tiếp. 

Vấn đề ở chỗ là nếu Phương biết suy nghĩ thấu đáo trong việc lập nghiệp, biết chi tiêu tiết kiệm thì cuộc sống của cô sẽ khá thoải mái, vì hai người bạn cùng phòng luôn giúp đỡ, hỗ trợ và thông cảm với Phương. Cô rất chú trọng làm đẹp trang điểm, vay tiền mua đồ thời trang hàng hiệu, mỹ phẩm… Tháng nào, bạn bè ở cùng xóm trọ cũng được nghe đủ loại lý do vay tiền của Phương. Và như một con lắc dao động theo quán tính, Phương cứ vay khoản này rồi đập vào khoản khác. 

Giống như Phương, Nga cũng là một cô gái “thiêu thân” với chuyện chăm chút hình thức bên ngoài. Các cô gái đi trọ học, có lẽ được phân cấp thành hai diện điển hình nhất: thứ nhất là mua sắm đầy đủ các vật dụng sinh hoạt cần thiết, quan tâm đến chuyện ăn mặc vừa phải; và thứ hai là tôn sùng nhan sắc còn lại thì “tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm”. Nga là cô gái thuộc trường phái thứ hai. Học hành bình thường với trình độ trung cấp kế toán, kiến thức của Nga còn nhiều lỗ hổng khó lấp đầy. Cô từng hỏi mọi người rằng: “Nấu canh cải cúc với thịt nạc có được không?” và khi nghe thấy kèn hiếu đám tang ở đầu ngõ thì “hồn nhiên”: “Hôm nay nhà ai làm giỗ mà lại có kèn hiếu thế nhỉ?” 

Tốt nghiệp đại học nhưng chưa chắc đã có văn hóa cử nhân. Ngay cả văn hóa ứng xử – giao tiếp đời thường, các sinh viên hiện nay vẫn còn thiếu hụt trầm trọng. Thực tế là, khi trực tiếp va chạm với vấn đề đó, nhiều người thường đặt câu hỏi: “Không biết ở nhà chúng nó được dạy dỗ thế nào?” 

Món nợ công danh nặng trĩu vai

Món nợ ở đây được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Như trường hợp của Đức, cậu bị “tụt ca” từ năm thứ IV xuống năm thứ II đại học, thường xuyên phải nộp lệ phí thi lại, học lại “đắt đỏ nổi tiếng” của trường. Mặt khác, do tâm lý tự ti với bạn bè xóm trọ, Đức không giao tiếp, né tránh sự quan tâm, giúp đỡ mà buông mình vào “bầu không khí nghĩa hiệp” của các trò chơi võ lâm. Chẳng biết có giải tỏa được stress hay không, chỉ thấy kết quả học tập của cậu ngày càng tồi tệ, và hơn 200 sinh viên năm II lẫn năm IV đều không mấy khi thấy Đức trên lớp.  

Bố mẹ đưa cậu về sống ở nhà bác tại Thanh Xuân cùng hai người chị họ, nhờ lớp trưởng theo dõi tình hình của  cậu để giám sát con trai, nhưng kết quả vẫn chẳng thể khả quan hơn. 

Cùng trong xóm trọ của Đức còn có Thúy- cô bé 16 tuổi từ Đăk Nông ra Hà Nội học trung học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lý do là gia đình quá nuông chiều nên không thể quản nổi cô bé xinh đẹp này, đành phải cho con gái từ Tây nguyên lên thủ đô ở cùng chị gái để chị “quản lý” em. Trong khi cô chị tốt nghiệp loại ưu khoa Toán trường ĐHSP, đi dạy gia sư cho biết bao người thì cô em lại coi chuyện “sưu tập” các hot boy trong trường và ăn mặc sành điệu, trang điểm bắt mắt là “chuyên môn” và luôn khiến chị gái bất lực dù đã vận dụng đủ mọi phương pháp sư phạm.

Tỷ lệ nghịch với vẻ đẹp tuổi teen rạng rỡ và tròn đầy dần theo năm tháng, kết quả học tập cũng như kiến thức văn hóa – nhân cách của Thúy “tuột dốc không phanh”. Ở trong xóm trọ, Thúy và Đức là một đôi “tình nhân tuổi mới lớn”. Nhưng khác với tình cảm chân thành của Đức, Thúy vừa “cá vàng, cá cảnh” với Đức vừa “nháy mắt, hôn gió” với một vài anh sinh viên khác nữa.  

Đến năm lớp 11, do chuyện yêu đương “vượt quá giới hạn”, học hành thì “chữ thầy giả thầy”, bố Thúy đành phải ra Hà Nội, cùng với các bạn bè của hai chị em ngọt nhạt hết lời rồi mạnh tay chở tư trang, sách vở “áp tải” cô bé trở về Tây Nguyên. Tại Đăk Nông, Thúy tiếp tục theo học một trường dân lập và khi kết thúc chương trình PTTH, cô bé 18 tuổi đã… có thai 4 tháng với cậu bạn cùng khối. Sau khi Thúy dọa… tự tử, gia đình hai bên đành phải chấp nhận cho cô cậu tú tài kết hôn.

 Nhiều cô nàng lại đốt tiền vào công cuộc đầu tư vẻ bên ngoài...Tình yêu và những ngã rẽ bất trắc 

Diệp – một 8X thuộc khoa Kinh tế – ĐHQG cũng có nhiều vấn đề cần phải suy ngẫm. Gia đình nghèo khó, bố mẹ tiết kiệm từng đồng một để con cái được học hành đầy đủ nhưng Diệp cũng mắc bệnh “đua đòi”. Nhớ nhung, kể lể về gia đình, Diệp khóc hu hu như một đứa trẻ vì thương bố mẹ nhưng cô tiêu tiền không tiếc tay. Chơi với đám bạn nhà giàu, cô cũng muốn vươn lên không kém cạnh, nhất là về hình thức “sành điệu” bên ngoài. Trong một lần đi chơi, Diệp quen rồi yêu một chàng trung úy công an. Sau khi Diệp nhận lời thì anh chàng này quay ra lạnh nhạt, than thở rằng anh không xứng đáng với em, anh đã có người yêu rồi…  

Học hành sút kém, lại thêm tâm lý chán nản, hoang mang trước thử thách cuộc sống, tình yêu bị tan vỡ làm Diệp trở nên bất cần. Cô lao vào các cuộc chơi bời, theo bạn đến vũ trường uống say tới mức không biết gì trong khi trong túi chỉ có vài xu lẻ, rồi lại chạy vạy vay mượn. Mở miệng ra là kêu chán, ngày mưa cô cùng người bạn nữ chạy xe máy lên Tam Đảo bất chấp đường trơn trượt, đổ dốc đèo… rồi vội vàng về HN ngay trong ngày. Đám bạn dân chơi đi Quảng Ninh, cô cũng nhanh chóng hùa theo, vay tiền người này người nọ. 

Tiếng chuông rung

Khi đi học xa nhà, tính tự lập, bản lĩnh là nhân tố quan trọng giúp mỗi người trưởng thành và chiến thắng mọi cám dỗ, trở ngại. 

Tuy vậy, cuộc sống đô thị với nhiều điều mới lạ, sức cuốn hút mạnh mẽ khó tránh… luôn dễ dàng đẩy những sinh viên vào những con đường lầm lỗi. Chính vì thế, nền giáo dục gia đình, sự động viên, ủng hộ, định hướng từ các bậc phụ huynh lại càng chiếm vai trò quyết định trong việc phát triển, hoàn thiện nhân cách của giới trẻ. Đâu phải chỉ đưa tiền hàng tháng hay đáp ứng đầy đủ mọi vật chất, nhu cầu của con cái là đã trở thành những ông bố bà mẹ mẫu mực. Có  nhiều người không bao giờ lên thăm con, không biết con mình ăn ở sinh hoạt ở đâu, như thế nào. 

Thậm chí, trong lớp báo chí khóa X, có cô sinh viên đã trở thành “gái bao” của một cơ số đại gia, khi về nhà bằng xe máy hàng hiệu và nói dối rằng con được Đài truyền hình nhận vào nên họ tài trợ. Bố mẹ cô vẫn không mảy may biết gì, thậm chí còn vô cùng tự hào đi khoe với bạn bè, hàng xóm về con gái. Trong khi đó, cạnh nhà cô là một chị học văn bằng hai thì đắng lòng nhìn gương mặt rạng rỡ ấy, mà tự hỏi rằng cô em hàng xóm thông minh, ngoan ngoãn năm xưa đâu mất rồi. 

Khi con đi học xa nhà, một tin nhắn, một cuộc điện thoại ngắn, những lời động viên nhắc nhở thậm chí là trách móc, cảnh báo cũng vô cùng quan trọng. Một chuyến thăm hỏi bất ngờ vừa là kiểm tra, giám sát, vừa là động viên, quan tâm nhưng sẽ khiến các cô cậu SV cảm thấy hạnh phúc so với những bạn bè không có được điều đó. Trái tim cảm thấy ấm áp hơn lên, bàn chân biết điểm dừng đúng lúc, nghĩa là cuộc sống cũng sẽ bớt đi những bi kịch không đáng có. 

Theo Gia Đình& Xã Hội/TTOL

 

Bình luận (0)