Anh Tuấn (phải) và anh Trần Mẹo trước nhà ông Trần Xén sau cơn lũ |
Cơn lũ đến thật bất ngờ. Cũng như chín xã vùng Nam Quảng Trạch, xã Quảng Minh bị chìm ngập trong biển nước. Thôn Bắc Minh Lệ là nơi cao nhất xã, lại xa sông xa suối nhưng vẫn có hai cụ già bị chết đuối ngay trên nền nhà mình mãi đến ngày hôm sau người thân mới biết. Ấy thế mà xóm Hóc thôn Tây Minh Lệ nơi tiếp giáp với sông Nan mực nước lên cao hai, ba mét nhưng nhờ bàn tay chèo chống của trưởng thôn Hoàng Minh Tuấn đã không để xảy ra tai nạn gì đáng tiếc.
Trưởng thôn hết lòng vì dân
Nghe bà con tấm tắc khen, tôi đến tìm gặp anh trưởng thôn xóm Tây Minh Lệ. Nhà anh Tuấn sát với đường tàu ở ghi Nam ga Minh Lệ. Chị Hường vợ anh Tuấn cho biết giờ này anh đang ở ngoài bờ sông. Anh cùng thanh niên xóm Hóc bới rác để tìm xác động vật trôi tạt vào trong các vườn nhà. Anh nói làm như thế là ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh sang làng khác. Anh cho kéo về chôn ở một cái hố sâu để xử lí bên sườn đồi.
Về nhà ăn trưa Tuấn bắt đầu kể: “Nhận được thông báo mưa to, nước lũ sẽ tràn về nhưng vì mất điện đã hai ngày nên không thể phát loa truyền thanh được. Tôi phải đến từng nhà để vận động bà con lên trú ở động Lòi. Một số gia đình cho là mực nước cũng như mọi năm nên không đi. Khi mực nước dâng lên đến cửa sổ thì những người khỏe mạnh chạy kịp, còn các cụ, mẹ già leo lên trên chạn gác phó mặc cho số phận”. Kiểm tra lại những gia đình xóm Hóc lên trú mưa trên động Lòi còn sót nhiều cụ mẹ già, Tuấn đã gọi điện cho anh Trần Mẹo và anh Đặng Tấn lấy thuyền máy chạy về xóm Hóc. Trời tối đen như mực, gió hú từng hồi, mưa quất ràn rạt như trút nước xuống. Con thuyền máy dài đến 6 mét, chân vịt vướng cây cối trong vườn nên không thể luồn lách được. Họ phải chèo chống bằng sức người vật lộn với sóng gió giữa dòng nước chảy xiết. Nhà đầu tiên là ông Trần Xén ở đầu làng. Cả gia đình ông gồm 4 người bị mắc kẹt trên gác không ra ngoài được. Họ phải đập vỡ tấm phi rô xi măng lợp ở đầu hồi để kéo từng người một ra. Ông Hoàng Hữu Đồng, 85 tuổi, một bác sĩ quân đội về hưu cùng người vợ bị què hai chân không đi lại được. Vợ chồng ông bám lấy nóc nhà kêu cứu. Nghe tiếng kêu họ đã kịp thời đưa hai vợ chồng ông lên thuyền. Ông Đồng mừng rỡ nói trong nước mắt: “Mấy năm ở ngoài mặt trận bác không chết mà suýt nữa chết vì lũ lụt. Nhờ các cháu chứ không thì hai bác trôi xuống biển không ai biết”. Anh Hoàng Minh Tâm bị tai biến mạch máu não liệt nửa thân người. Vợ anh đi làm ăn trong Nam gửi tiền về nuôi chồng. Các con anh đang còn nhỏ không sao cõng ba đi được. Anh bảo các cháu cứ chạy lên động Lòi, còn mình thì ngồi trên sập chờ chết. Cũng may sập nổi mang theo anh lên đến tận nóc nhà. Các anh đã đến kịp thời dỡ ngói bế anh Tâm xuống thuyền trong nỗi mừng vui khôn xiết.
Chở được bà con xóm Hóc lên động Lòi thì trời đã sáng, anh lại xuất gạo nhà mình, vận động các chị phụ nữ ở gần ga nấu cơm cho bà con ba thôn dắt trâu bò lên trú lụt ở động Lòi ăn. Anh còn bố trí lực lượng thanh niên, cựu chiến binh lấy ba mươi chiếc thùng phuy kết thành sáu chiếc bè để cứu vớt những người còn lại. Cảm động nhất là trường hợp chị Bình, con bà Trung đang chuyển dạ không thể chuyển đi trạm xá được. Các anh đã treo chiếc giường lên đòn tay để cán bộ y tế đến ngồi trên bè đỡ đẻ cho đến khi mẹ tròn con vuông. Ông Trương Tría tám mươi tuổi ngồi trên nóc nhà ngập nước run lập cập vì đói và rét. Đã một ngày trời nhịn đói giữa nước bạc khi các anh phát hiện được thì chỉ còn cái đầu trồi lên trụt xuống trên mặt nước. Thấy các anh đến ông mừng quá suýt ngất xỉu. Khi chở ông lên đến động Lòi, hai vợ chồng ông ôm lấy nhau mà khóc. Ông kể: “Thấy máy bay trực thăng bay qua tôi giơ tay lên vẫy, họ vòng lại thả xuống ba thùng mì tôm nhưng trôi theo nước tôi không vớt được”.
Không muốn được khen
Tôi nói vui với anh: “Hôm qua Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến thắp hương cho bà Viềng ở xóm Bắc mà nghe kể có những cán bộ hết lòng vì dân như thế này chắc được khen đó”. Anh Tuấn cười hồn nhiên: “Lúc sáng có phóng viên Báo Thanh Niên đến phỏng vấn để viết bài nhưng tôi bảo đó là những việc mà người cán bộ thôn phải làm. Tôi không cần khen. Tôi thấy ngày nay một số cán bộ lợi dụng lũ lụt để ăn chặn ăn bớt hàng cứu trợ của dân mà lúc nào cũng báo cáo láo về thành tích của mình là tôi ghét lắm”. Trận bão các năm qua có những cán bộ trong xã chỉ nghĩ đến nồi cơm của gia đình, họ hàng nhà mình đến nỗi đài báo nhắc mãi. Chị Hường cũng được dịp “tố cáo” chồng: “Anh xem anh Tuấn nhà em ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Anh ấy chạy theo chống lụt cho dân mà nhà mình bị ướt mất một sập lúa không biết”. Anh Tuấn cười xòa: “Nhà mình còn nhiều lúa mà em. Lúa ngâm nước mà nghiền cho heo ăn càng béo chứ sao”. Chúng tôi cười vang. Tôi nói vui: “Mẫu người như chú mới xứng đáng là cán bộ thôn đó Tuấn à”.
Bài, ảnh: Hoàng Minh Đức
Khi đã chuyển hết người về vị trí tập kết trên động Lòi, anh Tuấn giao cho anh Tâm và anh Hiệp ở lại phụ trách việc bắt lợn gà cho bà con, còn mình thì đẩy thuyền qua đê xuống ứng cứu bà con xóm Bắc. Anh đã chở con dâu và cháu trai bà Trần Thị Viềng về nhà, vớt xác bà lên trên giường ngay ngắn rồi đi ứng cứu những gia đình khác. Anh còn hướng dẫn cho bà con làm bè chuối để đi lại đưa cơm giúp nhau trong cơn hoạn nạn. |
Bình luận (0)