Đó là nội dung được tập trung bàn luận nhiều nhất tại hội nghị sơ kết công tác cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TPHCM diễn ra sáng 5-2 do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà chủ trì.
Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, công tác đánh giá, làm báo cáo phương án sử dụng mặt bằng để xác định lại giá trị DN đưa vào CPH là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất, thế nhưng, những nhà quản lý nhà nước cho rằng, đó chính là khâu quan trọng chống thất thoát vốn nhà nước…
Sản xuất băng chuyền cao su xuất khẩu tại Công ty cổ phần Cao su Bến Thành. Ảnh: Cao Thăng
“Dôi” gần 200 tỷ đồng nhờ xác định lại
Lãnh đạo một số DN đang thực hiện CPH cho rằng, khâu khiến cho việc CPH chậm là xác định lại giá trị DN, trong đó, khó khăn nhất là báo cáo phương án sử dụng mặt bằng. “Nhiều DN có đến 80 mặt bằng, ở các tỉnh khác nhau, nếu phải đo vẽ, xác định, báo cáo thì tốn rất nhiều thời gian” – ông Lê Tùng, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), nói. Trong khi đó, thời gian luật cho phép xác định giá trị DN không quá 18 tháng, nếu chậm trễ thì phải xác định lại. Thế nhưng, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính Doanh nghiệp (Sở Tài chính TPHCM) cho rằng, nếu không làm tốt khâu xác định giá trị DN sẽ dẫn đến thất thoát vốn nhà nước. Do vậy, trong quá trình làm, vướng đến đâu thì gỡ đến đó…
Để minh chứng về hiệu quả của công tác xác định lại tài sản DN khi CPH, trong số 11 DN CPH năm 2014 cho thấy, số tiền chênh lệch khi xác định lại giá trị DN tăng lên 195 tỷ đồng (giá trị vốn theo sổ sách là 966 tỷ đồng, giá trị vốn khi xác định lại là 1.161 tỷ đồng). Trong khi đó, hiệu quả từ phát hành cổ phiếu đến cổ đông đại chúng chỉ mang lại lợi nhuận 108 tỷ đồng và hiệu quả mang lại từ việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là 64 tỷ đồng – vẫn thấp hơn so với số dôi từ việc xác định lại giá trị DN. Do vậy, trong giai đoạn đầu của kế hoạch CPH DN nhà nước giai đoạn 2013 – 2015, TPHCM tuy chỉ mới cơ bản hoàn thành chỉ tiêu, CPH được 11/31 DN nhà nước nhưng qua đó, TPHCM rút được nhiều kinh nghiệm để đẩy nhanh tiến độ CPH DN nhà nước trong năm 2015.
Bài học từ cổ phần hóa
Quan trọng nhất của hoạt động CPH không chỉ là thu hồi vốn nhà nước, mà nhiệm vụ lớn hơn là đảm bảo quyền lợi cho người lao động, sắp xếp bộ máy, tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh. Nhìn lại hoạt động CPH năm qua tại các DN cho thấy, quyền lợi người lao động được đảm bảo, hơn 1.300 lao động được mua cổ phần ưu đãi với tổng giá trị cổ phần ưu đãi cho người lao động là 20 tỷ đồng, người lao động được hưởng lợi hơn 4,4 tỷ đồng.
* Trong năm 2015, TPHCM tiến hành CPH 21 DN nhà nước. Tiến độ cụ thể: Quý 1 hoàn thành trình UBND TP ban hành quyết định giao bất động sản thực hiện CPH; quý 2 hoàn thành việc trình UBND TP ban hành quyết định công bố giá trị DN; quý 3 hoàn thành tổ chức bán cổ phần lần đầu (IPO) và quý 4 phải tổ chức đại hội cổ đông lần đầu và đăng ký kinh doanh. |
Một vấn đề quan trọng là làm thế nào để mang lại hiệu quả sau CPH. Là DN đi đầu trong công tác CPH, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty REE, chia sẻ kinh nghiệm: khi lãi suất tăng cao, công ty đã chuyển đổi sang đầu tư vào một số ngành nghề mang lại hiệu quả cao và thực hiện nhiều phương án thu hút vốn như phát hành trái phiếu quốc tế chuyển đổi, bán cổ phiếu… Tuy nhiên, để làm được điều đó, vấn đề quan trọng nhất là DN phải minh bạch tài chính, có báo cáo tài chính rõ ràng. Đó là lý do cổ phiếu của REE có lúc lên 80.000 đồng/cổ phiếu. Kinh nghiệm dẫn đến thành công là sau CPH, DN cơ cấu lại nhân sự, thực hiện tuyển dụng người giỏi, trả lương cao, quy định thưởng rõ ràng. Bà Thanh chỉ ra điểm khác biệt là khi giao nhiệm vụ, đơn vị không giao theo kế hoạch – vì kế hoạch có thể điều chỉnh được, mà căn cứ vào lợi nhuận. Tức là nếu lợi nhuận tăng cao hơn so với năm trước thì ban điều hành được thưởng 3% – 4%. Chẳng hạn, lợi nhuận năm qua của công ty được 900 tỷ đồng, vượt 600 tỷ đồng nên được thưởng 52 tỷ đồng. Có quy định về lương, thưởng, hiệu quả kinh doanh rõ ràng thì DN sẽ mạnh dạn cắt bỏ những hoạt động kinh doanh không mang lại hiệu quả, tổ chức lại quy trình kinh doanh, giúp kiểm soát hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả nhất.
Để đẩy mạnh CPH, tại hội nghị, 18 DN của TP đã ký cam kết hoàn thành CPH trong năm 2015. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà chỉ đạo các DN phải thực hiện đúng cam kết, bởi năm 2015 là năm kết thúc nhiệm kỳ nên không thể kéo dài được nữa. Nếu DN gặp khó khăn trong khâu xác định giá trị mặt bằng ở các tỉnh thì kiến nghị, TP sẽ phối hợp cùng các tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời gian đề ra.
HÀN NI
(SGGP)
Bình luận (0)