Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Xác định mục tiêu, hướng đến đam mê

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THCS-THPT Phan Châu Trinh thích thú với những thông tin do Ban tư vấn cung cấp

Vừa qua, chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trường THCS-THPT Phan Châu Trinh. Tại đây, Ban tư vấn rất thích thú với những câu hỏi mà các em học sinh đặt ra, vừa hài hước vừa sát với nhu cầu thực tế.

Phải xác định mục tiêu ngay từ đầu

Đặt câu hỏi đầu tiên, em Lâm Trường Thành (học lớp 12A1) đã khiến các bạn bật cười nghiêng ngả khi đề cập đến một vấn đề từng khiến dư luận xôn xao theo cách dí dỏm: “Em nghe nói sau khi biết kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015, tình hình xét tuyển hồ sơ vào các trường ĐH, CĐ rất căng thẳng, nhiều thí sinh phải “tháo chạy” khỏi ngôi trường mình mong muốn học, nộp hồ sơ qua trường khác để tìm… chỗ dung thân, có người còn thuê cả xe cấp cứu để nộp hồ sơ cho con. Với tình hình này, năm 2016, liệu chúng em có phải trải qua một quá trình tương tự?”. Thậm chí, Thành còn cho rằng nếu tình hình này tiếp tục diễn ra, sẽ có trường hợp thí sinh phải thuê cả… trực thăng để kịp nộp hồ sơ vào phút chót.

Học sinh cần phải xác định mục tiêu, ngành học phù hợp ngay từ đầu, chọn trường phù hợp với khả năng để tránh sự phân tâm khi xét tuyển sau này.

Về vấn đề này, ThS. Trần Từ Duy, Trưởng phòng Hướng nghiệp – việc làm ĐHQG TP.HCM, cho biết hiện Bộ GD-ĐT chưa ban hành quy chế cụ thể của kỳ thi THPT quốc gia 2016 nhưng đã lấy ý kiến từ các ban ngành, trường học tại địa phương. Dựa theo những ý kiến đóng góp này, Bộ GD-ĐT sẽ tính toán phương án có lợi nhất cho thí sinh và sẽ công bố quy chế trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, ThS. Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, cho rằng ngoài những yếu tố khách quan, một nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn trong mùa tuyển sinh năm nay là do các thí sinh không xác định được khả năng và thiếu sự định hướng cho mình. “Nhiều thí sinh thấy bạn mình rút hồ sơ cũng lo lắng rút theo để kịp nộp vào trường khác. Khi nộp, hầu như các em chỉ quan tâm số điểm của mình tương ứng với điểm ngành nào chứ không xem xét xem mình có phù hợp với ngành đó hay không. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc rất nhiều thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển nhưng lại không hài lòng với nguyện vọng mình đã chọn. Vì vậy, học sinh cần phải xác định mục tiêu, ngành học phù hợp ngay từ đầu, chọn trường phù hợp với khả năng để tránh sự phân tâm khi xét tuyển sau này”, ThS. Đào Lê Hòa An nhắn nhủ.

Sợ máu… vẫn làm được bác sĩ

ThS. Đào Lê Hòa An đang tư vấn cho học sinh

Quan tâm đến chương trình du học nha khoa của Trường Mcgaan, em Hồ Phương Liên (học lớp 12) băn khoăn: “Ngay từ nhỏ em đã sợ máu, nhưng lại rất thích làm bác sĩ. Liệu em có thể trở thành bác sĩ nha khoa được không và công việc cụ thể của bác sĩ nha khoa là gì?”. Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Lan, đại diện Trường Mcgaan, nhìn nhận: Nha khoa đang là ngành rất tiềm năng tại Việt Nam khi có tới gần 100 triệu dân nhưng có chưa đến 10 ngàn nha sĩ. Đó là chưa kể thời gian tới, khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, bác sĩ nha khoa là một trong những ngành được phép di chuyển trong khối các nước tham gia cộng đồng này. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, nhu cầu làm đẹp vùng răng miệng được nhiều người quan tâm. “Công việc của bác sĩ nha khoa là chăm sóc răng miệng và thực hiện các công việc liên quan đến thẩm mỹ răng hàm mặt cho bệnh nhân. Tùy theo tính chất chuyên ngành, mỗi bác sĩ nha khoa sẽ đảm nhận những công việc khác nhau như: Bác sĩ nha khoa tổng quát thực hiện các công việc tẩy trắng, nhổ răng, làm răng giả; bác sĩ chỉnh nha thì niềng răng; bác sĩ phẫu thuật hàm mặt thì phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật chấn thương vùng hàm mặt; bác sĩ phục hình thẩm mỹ thì phân tích và thiết kế nụ cười. Nếu sợ máu, em có thể chọn ngành học để trở thành bác sĩ nha khoa tổng quát, chỉnh nha, phục hình thẩm mỹ”, bác sĩ Bạch Lan chia sẻ.

Tuy nhiên, chi phí để du học ngành bác sĩ nha khoa khá đắt, trung bình một khóa học kéo dài trong 5 năm sẽ mất khoảng 150 ngàn USD. Để tham gia chương trình, ứng viên phải có chứng chỉ IELTS 5.5, tham gia một kỳ thi kỹ năng nhằm đánh giá thẩm mỹ và khả năng của từng người để trường có định hướng phù hợp.

Bài, ảnh: Linh Vy

Học sinh hát giữa sân trường

Bày tỏ nguyện vọng muốn đi theo con đường nghệ thuật, trở thành ca sĩ, em Hoàng Duy Linh (học lớp 12A1) đã được Ban tư vấn yêu cầu hát một bài hát ngay sân trường. Rất tự tin, Linh đã hát bài Sầu tím thiệp hồng với chất giọng ngọt ngào. Đánh giá về Linh, ThS. Đào Lê Hòa An nhận định em rất tự tin và có bản lĩnh sân khấu. Để theo đuổi đam mê, em có thể nộp hồ sơ thi vào Nhạc viện TP.HCM, Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM. Tuy nhiên, theo ThS. Đào Lê Hòa An, đây là ngành nghệ thuật rất “kén” nên không phải ai theo đuổi cũng thành công, mà phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố gồm năng khiếu, đam mê, chăm chỉ, định hướng dòng nhạc và đối tượng người nghe phù hợp nên em cần phải chuẩn bị tâm lý và có định hướng ban đầu thật tốt để có thể đi đường dài.

 

Bình luận (0)