Sự kiện giáo dụcTin tức

Xác định phạm vi phong tỏa phù hợp để tránh bỏ sót F0

Tạp Chí Giáo Dục

Trên cơ sở đánh giá vị trí, diện tích, số ca nhiễm và các yếu tố nguy cơ dịch tễ, ảnh hưởng đến sự lây nhiễm dịch bệnh, các địa phương xác định phạm vi phong tỏa phù hợp, không quá hẹp để bỏ sót trường hợp F0, F1, nhưng cũng không quá rộng ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.


Các địa phương xác định phạm vi phong tỏa phù hợp, không quá hẹp để bỏ sót trường hợp F0, F1, nhưng cũng không quá rộng ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân

UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; các sở Y tế, Tài nguyên và Môi trường; Công an TP, Bộ Tư lệnh TP, Lực lượng Thanh niên xung phong, Thành đoàn, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện về tăng cường các biện pháp quản lý các khu phong tỏa trên địa bàn TP.

UBND TP nhìn nhận tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm vẫn ở mức cao, đa số ca nhiễm mới tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, hiệu quả. Thực tế cho thấy đã có sự lây lan trong khu phong tỏa làm số F0 tăng lên nhiều lần so với số F0 có sẵn trong khu phong tỏa khi vừa được phát hiện. Trước tình hình này, để giảm nhanh số F0 mới, UBND TP yêu cầu các địa phương tăng cường một số biện pháp quản lý các khu phong tỏa trên địa bàn TP.

Trong việc xác định phạm vi khu vực phong tỏa, trên cơ sở đánh giá vị trí, diện tích, số ca nhiễm và các yếu tố nguy cơ dịch tễ, ảnh hưởng đến sự lây nhiễm dịch bệnh, các địa phương xác định phạm vi phong tỏa phù hợp, không quá hẹp để bỏ sót trường hợp F0, F1, nhưng cũng không quá rộng ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

Việc xác định phạm vi phong tỏa sẽ dựa vào số F0 được phát hiện ngay trước lúc phong tỏa và vị trí sinh sống của các F0 này. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự lây nhiễm của khu vực có F0 như mức độ giao lưu tiếp xúc của F0, môi trường sống tại khu vực đó, tình trạng nhà ở (nhà hẹp, nhiều người…), trong hẻm nhỏ hoặc mặt tiền đường, mức độ tập trung và giao tiếp của người dân trong khu vực… Việc xác định phạm vi phong tỏa cần có sự tham mưu của trung tâm y tế TP.Thủ Đức và các quận, huyện.

UBND TP yêu cầu nhanh chóng “làm sạch, làm xanh” khu phong tỏa qua việc xét nghiệm bằng test nhanh trước, PCR sau và đưa tất cả những người có nguy cơ cao (F0, F1 phát hiện thêm khi xét nghiệm) ra khỏi khu phong tỏa, đưa đến các cơ sở cách ly TP.Thủ Đức và quận, huyện. Cách ly tại nhà đối với những trường hợp F0, F1 có đủ điều kiện chống lây nhiễm và cam kết thực hiện các quy định khi cách ly của ngành y tế.

Tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp nhận thông tin của từng hộ dân, đáp ứng kịp thời lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cho người có triệu chứng, người có bệnh lý nền, người có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với F0.

Trong việc tổ chức quản lý khu phong tỏa, UBND TP yêu cầu thành lập tổ công tác quản lý tại các khu phong tỏa. Tham gia tổ này là công an, quân sự, y tế, lực lượng thanh niên xung phong, tình nguyện viên của Thành đoàn, các đoàn thể, trưởng các khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân nắm rõ địa bàn dân cư, thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng… để tăng cường quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện quy định về giãn cách của các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa. Các địa phương tùy tình hình thực tế có thể thành lập tổ quản lý của từng khu phong tỏa hoặc tổ quản lý chung cho các khu phong tỏa trên địa bàn, bố trí nhân sự phù hợp tại từng khu phong tỏa.

N.Trinh

Bình luận (0)