Từ ngày 23 đến 29-9, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức diễn ra ở tỉnh Đồng Nai. Chương trình có sự phối hợp của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai và ĐH Quốc gia TP.HCM, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) trao đổi với học sinh Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn – Quyết Thắng về các ngành nghề đào tạo cũng như cơ hội việc làm trong thời gian tới
Tại Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn – Quyết Thắng, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) đã khái quát những thông tin cơ bản về mã ngành, nhóm ngành nghề của các bậc học TC, CĐ và ĐH. Theo đó, hiện nay bậc TC có khoảng 800 danh mục ngành nghề; bậc CĐ có 400 mã ngành và bậc ĐH gần 400 mã ngành. “Với số lượng danh mục, mã ngành nghề nhiều như vậy, song để có lựa chọn phù hợp với bản thân, các em cần phải cân nhắc kỹ. Hiện nay ĐH không phải là con đường duy nhất để xây dựng tương lai của bản thân. Các em có thể chọn cho mình một ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực và điều kiện kinh tế, đặc biệt là cần tìm hiểu thuận lợi và khó khăn của từng ngành nghề để có lựa chọn đúng đắn nhất”, bà Mai khuyên.
Học sinh Trường THPT Song ngữ Lạc Hồng tham khảo thông tin ngành nghề
Trước những băn khoăn của học sinh về việc làm sao xác định đúng nghề nghiệp, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng ngay từ bây giờ các em phải nhận thấy trách nhiệm của bản thân. Đã đến lúc phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu “mình là ai, mình muốn làm công việc gì?”. Nếu mình thích học ngành nghề này mà ba mẹ lại muốn con học ngành nghề khác thì cần có dữ kiện để thuyết phục. “Chọn đúng ngành nghề sẽ đem lại hạnh phúc suốt đời”, ông An nói. Một học sinh đặt câu hỏi: “Em muốn học ngành quản trị kinh doanh nhưng thiếu tự tin trong giao tiếp thì có theo được không?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Nguyễn Xuân Luyện (đại diện Trường ĐH Hutech) khẳng định đây không phải là một trở ngại lớn. “Nếu em còn thiếu tự tin thì trau dồi thêm bằng nhiều cách như rèn luyện giao tiếp, tham gia câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, thiết lập đội nhóm…”, ông Luyện gợi ý. Tương tự, một học sinh khác hỏi: “Em muốn học 2 ngành ở 2 trường cùng lúc có được không?”. Ông Luyện giải đáp: Sinh viên chỉ có thể học 2 ngành cùng 1 trường với điều kiện phải học xong năm nhất ở trường mới đăng ký môn học ở ngành thứ 2. Tuy nhiên, ông Luyện lưu ý khối lượng kiến thức nhiều, học 2 ngành có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập nên cần phải cân nhắc kỹ. “Em thích học trường sân khấu – điện ảnh, nhưng anh trai bảo đừng mơ quá xa, vậy em phải làm sao?”, Phan Thị Anh Bình (học lớp 12C3) băn khoăn. Chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng thích là một chuyện, bản thân phải nắm rõ ngành nghề mình lựa chọn để thuyết phục người thân đồng ý. Theo đó, các em phải chứng minh khả năng của mình bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội thực tập để khám phá bản thân có thế mạnh gì, đó chính là căn cứ để lựa chọn nghề nghiệp. Tại Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn – Quyết Thắng, nhiều học sinh cũng lo lắng trước thông tin nhu cầu việc làm ngành quản trị kinh doanh đã bão hòa, ra trường khó xin việc làm. Về điều này, ThS. Vương Văn Khởi (đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho rằng khó xin việc chỉ đối với những người thiếu các kỹ năng.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn – Long Bình Tân theo dõi chương trình hướng nghiệp
Trong khi đó tại Trường THPT Song ngữ Lạc Hồng, ông Phan Quang Vinh (Phó Hiệu trưởng nhà trường) khi tham gia tư vấn cùng các chuyên gia đã khuyên học sinh trong trường: Việc lựa chọn nghề nghiệp là cho bản thân, vì vậy các em phải tự tin, đừng để nghề nghiệp là món đồ “trang sức” của ba mẹ. Ông cũng cảm ơn Báo Giáo dục TP.HCM cùng các đơn vị phối hợp, đồng hành tổ chức chương trình hướng nghiệp đầy bổ ích, là cơ sở để học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, xây dựng tương lai.
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)