Tòa soạnThư đi – tin lại

Xài “giờ dây thun”: “Bệnh mãn tính” của teen?!?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Việc đúng hẹn là tôn trọng chính bản thân mình, đồng thời tôn trọng cả những người đang chờ mình (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Lữ Đắc Long

Xài “giờ dây thun” đã và đang trở thành “mốt” của nhiều teen hiện nay. Thậm chí có những bạn còn xem việc mình trễ hẹn là một cách thể hiện sự “sành điệu”?!?
Những teen họ “rề”
Có 1.001 lý do để các teen biện minh cho sự đi trễ của mình. Mới đầu là lí do khách quan, do có một sự cố nào đó khiến các teen đến trễ để người khác phải chờ đợi, nhưng sau đó thì “đến trễ” trở thành mặc nhiên, thành thói quen, lối sống, nếp nghĩ khi nào không hay biết… Có một số teen còn nghĩ rằng, đó là sự thể hiện vị thế “đẳng cấp” của mình. Bạn Đăng Khoa (học sinh lớp 12 Trường THPT B.T.X)… lè lưỡi khi nói về cậu bạn “hotboy” có nickname Kan học cùng lớp với mình: “Kan nổi tiếng là chúa trễ hẹn của lớp. Giờ giấc của bạn ấy không bao giờ chính xác được. Hẹn 2 giờ đi thăm cô chủ nhiệm thì phải một tiếng sau mới thấy bạn ấy lò dò đến, bắt cả lớp phải chờ đợi. Hẹn đi học nhóm cũng thế, chưa khi nào đến đúng giờ. Khi “chỉnh” thì bạn ấy cho biết là trước khi muốn ra đường phải trải qua nhiều công đoạn như chọn quần áo, giày dép, làm tóc, xịt nước hoa, thoa kem chống nắng bởi theo Kan thì: “Chẳng lẽ “hotboy” mà xuề xòa đi ra ngoài đường sao được”. Chuẩn bị lâu đã đành, bạn ấy còn có tật đợi “nước đến chân mới nhảy”, nên khi sát giờ hẹn mới vội vã chuẩn bị. Vì thế nên lúc nào cũng đến trễ. Chưa hết, không ít lần, chỉ vì muốn khoe chiếc áo mới mà bạn ấy cố tình đến trễ một tiếng để… bạn bè đến đông đủ tiện cho việc chiêm ngưỡng sản phẩm…”. Còn chàng Hoàng Lộc (sinh viên năm nhất Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM) cũng là nạn nhân đau khổ của chuyện này bởi anh chàng “yêu dại khờ” cô tiểu thư họ “Rề” tên M.M. Mỗi lần Lộc đến nhà chở M.M đi chơi là chàng ta lại phải “dài cổ” đợi cô nàng tắm, trang điểm… Đến trễ thì nàng giận, còn đến sớm thì Lộc chỉ biết ngồi xem ti vi và chờ đợi. Bạn bè đã nhiều lần nhắc nhở thì M.M tự cao bảo rằng: Tính mình là thế, ai chơi được thì chơi, yêu được thì yêu. Ai yêu mình thì phải yêu cả cái… trễ hẹn của mình?!?”. Yoko (người Nhật, sinh viên Khoa Tiếng việt Trường ĐHKHXH& NV TP.HCM) cho biết: “Trước khi qua Việt Nam học, có rất nhiều bạn bè của mình cảnh báo rằng, ở Việt Nam, giới trẻ toàn xài “giờ dây thun”, trong thiệp cưới mời 17 giờ nhưng hơn 19 giờ lễ cưới mới diễn ra; trong các cuộc hẹn hò cũng phải chừa ra khoảng thời gian “dây thun” mới an toàn, mình không tin. Thế nhưng qua đây học tập gần 5 tháng, mình thấy đó là sự thật và rất ngạc nhiên về điều này…”.
Và những tác hại…
Về tác hại của việc xài “giờ dây thun” thì có lẽ nhiều teen cũng đã từng trải nghiệm, từng bị “tẩy chay”. Nhưng chẳng hiểu sao, thói quen này lại dễ dàng lây lan, được các teen khác “học hỏi” và cứ thế hết teen này đến teen khác… bị “nhiễm”. Với cô tiểu thư M.M, bản thân bạn trai Hoàng Lộc chờ thì không sao, nhưng những lần hẹn đi chơi chung với nhóm bạn thân, cả gia đình của Hoàng Lộc mà M.Mcũng vẫn trễ hẹn. Vì vậy, sau một thời gian, hết kiên nhẫn, Lộc cũng nói lời chia tay cô tiểu thư họ “Rề” này.Còn anh chàng hotboy Kan, do thói quen xài “giờ dây thun” nên anh chàng quan niệm đi xem kịch, xem phim, xem ca nhạc, thời trang, việc đến trễ nửa tiếng đã là… đẹp, trễ gần một tiếng cũng… chả sao. Thế nhưng, mới đây anh chàng đã phải ngậm ngùi vì tiếc rẻ, vì tiếc tiền. Số là trong đêm diễn Romeo và Juliet Sài Gòn tại Sân khấu IDECAF mới đây, do giữ thói quen đến trễ nên Kan phải đứng bên ngoài rồi đi về. Chương trình diễn ra đúng giờ ghi trên vé, lối vào cũng được đóng lại khi vở kịch bắt đầu. Sự cương quyết của ban tổ chức xem ra đã phát huy tác dụng đối với Kan.
TS. tâm lý Huỳnh Văn Sơn khẳng định: “Việc đúng hẹn là tôn trọng chính bản thân mình, tôn trọng cả những người đang chờ mình nữa. Để thực hiện được điều này không khó, chỉ cần các teen biết cách xác lập và quản lý thời gian cho chính mình. Hãy tuân thủ và thực hiện theo đúng những điều mình xác lập, trừ một số trường hợp không thể thực hiện thì hãy nhẹ nhàng thông báo cho người khác biết về điều đó trước giờ hẹn. Hãy tập dần thói quen này và biến nó trở thành tính cách của mình, khi đó các teen mới thực sự làm chủ được công việc, cuộc sống của bạn, đồng thời điều tiết được các mối quan hệ xung quanh…”.
Duy Nghĩa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)